Phóng to |
Lao động tại Qatar - Ảnh: BBC |
Báo cáo nhan đề “Mặt tối của người nhập cư: tiêu điểm về xây dựng hạ tầng của Qatar chuẩn bị cho World Cup” được AI phỏng vấn trên 210 người lao động nhập cư, chủ sử dụng lao động và các quan chức của Qatar.
Bản báo cáo cũng bao gồm lời khai của các công nhân người Nepal đang làm việc cho một công ty cung cấp vật tư xây dựng của Qatar. Công ty này tham gia dây chuyền cung ứng thiết bị xây dựng trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tại Qatar để đón World Cup năm 2022.
Trong báo cáo, các công nhân Nepal cho biết họ bị đối xử như “súc vật” khi làm việc quần quật 12 tiếng/ngày, suốt 7 ngày/tuần dưới cái nóng mùa hè như “đổ lửa” tại vùng sa mạc Qatar.
AI nhấn mạnh “điều kiện làm việc của những công nhân nhập cư là vô cùng khốn khổ. Nhiều người không được trả lương, điều kiện làm việc nguy hiểm và chỗ ở tồi tàn”. Báo cáo của AI khẳng định “một số vi phạm về sử dụng lao động đã lên đến mức độ cưỡng bức lao động”.
Khi tìm đến Qatar làm việc, các lao động hi vọng sẽ tìm được công việc tốt hơn. Tuy nhiên thực tế lại trái ngược. “Các lao động bị dọa sẽ phải ngồi tù, trục xuất về nước, mất thu nhập mặc dù họ đã bị giảm lương, thậm chí không được trả lương như cam kết” - báo cáo của AI nhấn mạnh.
Thống kê trong năm 2012 đã có 1.000 lao động nhập cư vào khoa Chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện ở thủ đô Doha (Qatar) điều trị. 10% trong số đó bị tàn tật vĩnh viễn từ các chấn thương do tai nạn lao động, nhiều trường hợp đã tử vong -báo cáo của AI nêu rõ.
BBC dẫn lời Salil Shetty - Tổng thư kí Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhấn mạnh: “Không thể tha thứ khi vấn đề ngược đãi và lạm dụng lao động lại xảy ra ở một trong những quốc gia giàu nhất thế giới”.
Hiện chính phủ Qatar chưa đưa ra phản ứng trước cáo buộc mới nhất của AI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận