Câu lạc bộ nghiên cứu phương tiện thông minh tại Viện kỹ thuật Harbin, nơi có nhiều công dân Triều Tiên theo học - Ảnh: THX
Chúng ta nên lo lắng về các nhà nghiên cứu Triều Tiên ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc
Chuyên gia Katsuhisa Furukawa, thành viên ban giám sát thực hiện trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc 2011-2016
Câu trả lời nằm ở lực lượng nghiên cứu sinh mà Triều Tiên gửi ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Báo Wall Street Journal dẫn các số liệu từ các trường đại học (ĐH) cho thấy hàng trăm nhà khoa học Triều Tiên du học nước ngoài trong những năm qua, thuộc nhiều lĩnh vực có thể giúp Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí.
Ươm mầm ở nước ngoài
Trong sáu thập kỷ theo đuổi vũ khí hạt nhân, Triều Tiên ban đầu dựa vào công nghệ và chuyên gia từ Liên Xô rồi đến Iran, Pakistan. Ngày nay, Bình Nhưỡng đã có thể dựa vào chính các nhà khoa học của mình.
Từ năm 2016, Liên Hiệp Quốc đã siết chặt trừng phạt Triều Tiên, hạn chế giảng dạy cho công dân nước này các kiến thức liên quan đến phát triển tên lửa và hạt nhân, nhưng giới chuyên gia lo lắng nó đã quá trễ để ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận với công nghệ của thế giới.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng 1-2017 phát hiện các sinh viên Triều Tiên theo học vật lý ở Ý, một số học về khoa học vật liệu, liên lạc điện tử... ở Romania.
Tại Ấn Độ, Trung tâm kỹ thuật hàng không của nước này đã đào tạo 32 sinh viên Triều Tiên từ năm 1996, trong đó hai người sau đó làm lãnh đạo
trung tâm kiểm soát vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Nhưng Trung Quốc mới là cái nôi của giới nghiên cứu khoa học Triều Tiên. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, có hơn 1.000 công dân Triều Tiên theo học các chương trình sau ĐH, tăng mạnh so với 354 người vào năm 2009.
Trong số các bài viết nghiên cứu của các công dân Triều Tiên xuất bản trên các tạp chí nước ngoài, Trung Quốc cũng chiếm đến 60%, chủ yếu là trong các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, toán, luyện kim, theo số liệu ĐH Hallym của Hàn Quốc.
Một số nước khác cũng có dấu ấn của các nhà nghiên cứu Triều Tiên như Đức, Úc, Ý, Mỹ.
Một trong số các nhà khoa học của Bình Nhưỡng tại Trung Quốc là Kim Kyong Sol được cho là vẫn tiếp tục học tại Viện kỹ thuật Harbin (thuộc ĐH Harbin, Trung Quốc) hơn một năm sau khi Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm.
Kim theo học cơ điện tử, từng đăng bài nghiên cứu chung với một kỹ sư cao cấp của chương trình không gian của quân đội Trung Quốc, được đánh giá có nghiên cứu mang tính ứng dụng rất cao trong việc giảm sốc hệ thống phóng tên lửa, tàu không gian.
Chuyên gia Norman Wereley thuộc ĐH Maryland, Mỹ cho biết nghiên cứu của Kim khá cơ bản nhưng ông ta hoàn toàn có thể mở rộng nghiên cứu ở quê nhà. Kim vừa trở về Triều Tiên hồi tháng 6-2017 và cắt đứt mọi liên lạc.
Kim Kyong Sol trong hồ sơ của ĐH Harbin, Trung Quốc - Ảnh: WSJ
Thu gom kiến thức
Tại thời điểm năm 2015, ngoài Kim Kyong Sol còn có 28 sinh viên Triều Tiên khác theo học ở ĐH HIT, một trong những trường kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc với các nghiên cứu bí mật về quốc phòng, không gian.
Tất cả đều nhận được học bổng từ Chính phủ Trung Quốc và qua chương trình hợp tác giữa HIT với các ĐH Kim Chaek và Kim Il Sung của Triều Tiên.
"Rất dễ nhận ra họ qua quần áo và ngoại hình" - một sinh viên của HIT nói. Tuy nhiên, các nhân viên trong trường cho biết các sinh viên Triều Tiên khá khép kín và dường như chịu sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau.
Việc gửi các nhà nghiên cứu ra nước ngoài là trọng tâm của chính sách byungjin (tiến trình song song) phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006, Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã cắt đứt các nguồn tài chính, vật liệu của Bình Nhưỡng nhưng nước này vẫn có cách phát triển các "vũ khí nhà làm".
Theo các chuyên gia quốc tế, chính chính sách byungjin đã giúp Bình Nhưỡng thu gom một lượng lớn chuyên môn kỹ thuật, bao gồm kỹ thuật luyện kim giúp phát triển các hợp kim vừa cứng vừa nhẹ cho tên lửa, kỹ thuật toán dùng trong dẫn đường tên lửa hay kỹ thuật vệ tinh giúp cải thiện tầm ngắm và theo dõi.
Ông trùm tên lửa Triều Tiên
Trong số các nhà khoa học của Triều Tiên, ông Kim Jong Sik được đánh giá là "nhân vật chủ chốt" đứng sau các thành tựu phát triển tên lửa của Triều Tiên, trong đó có 2 lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng 7 vừa qua.
Theo AP, sự nghiệp chính trị của ông Kim Jong Sik đã lên như diều gặp gió sau khi góp phần đắc lực trong những đợt phóng thử tên lửa liên tiếp thành công của Triều Tiên.
Vị kỹ sư tên lửa này bắt đầu gây chú ý với nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau lần ông tham gia hỗ trợ phóng thành công tên lửa Unha-3 vào tháng 12-2012.
Trước đó, ông Kim Jong Sik tạo uy tín nhờ đã phát hiện những sai lầm dẫn tới thất bại trong lần phóng tên lửa tháng 4-2012. Người ta luôn thấy sự góp mặt của ông Kim Jong Sik trong quân phục cấp tướng ở những bức ảnh chụp cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hãng tin Reuters cho biết cùng với ông Kim Jong Sik, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã tuyển chọn thêm hai chuyên gia khác là ông Ri Pyong Chol và ông Jong Chang Ha cùng tham gia chương trình phát triển tên lửa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận