15/07/2015 18:10 GMT+7

Ái Như sống chết với thánh đường nghệ thuật

MINH MẪN
MINH MẪN

TTO - Có người nói Ái Như cực đoan và bảo thủ với trường phái nghệ thuật của mình, đôi khi rất “cứng đầu” để sống chết với quan điểm đó.

Ái Như thể hiện vai diễn người nhắc tuồng Boris trong vở Đêm thiên nga - Ảnh: nghệ sĩ cung cấp

Chí ít Ái Như đã và đang chuyên chở những giá trị nghệ thuật cần thiết và giữ gìn những điều sắp đi vào quên lãng trên thánh đường nghệ thuật.

"Tôi, nghệ sĩ Boris, sẽ để đôi hài bẩn của mình ngoài thánh đường nghệ thuật. Tôi sẽ luôn yêu nghệ thuật trong bản thân mình chứ không bao giờ yêu bản thân mình trong nghệ thuật ". (Trích vở Đêm thiên nga).

Trong khoảnh khắc cao trào của vở diễn khi người phụ nữ nhỏ bé ấy thốt lên những câu thoại này, tôi đã luôn tự hỏi: Là ông già nhắc tuồng vĩ đại Boris hay chính Ái Như đang cho khán giả xem thước phim của đời mình, một đời dành trọn vẹn cho thánh đường nghệ thuật.

Không cần hỏi nghệ thuật có ý nghĩa ra sao vì ánh mắt long lanh, giọng nói run run khi chia sẻ và sự hạnh phúc khi nhắc đến những vai diễn, vở diễn dường như đã thay thế mọi câu trả lời. 

Những điều Ái Như đang rút gan rút ruột làm cho sân khấu khiến tôi tin rằng những câu thoại trên kia như thể chị đang nói cho chính lòng mình.

Bị nhốt trong phòng và bán cả gia tài vì vở tốt nghiệp

Khi cô gái Huế nhỏ nhắn 18 tuổi Ái Như quyết định đi theo con đường nghệ thuật, cũng là lúc gia đình chị chuẩn bị đi định cư ở nước ngoài. Sợ con gái út hay bệnh tật phải chịu cực nếu theo nghiệp diễn, mẹ chị cắn răng nhốt con trong phòng, khóa cửa nhà và không cho đến trường. 

Con đường đến với nghệ thuật tưởng chừng đã đứt chỉ sau nửa học kỳ.

Nghệ sĩ Ái Như của những ngày tuổi trẻ - Ảnh: nghệ sĩ cung cấp

Cả gia đình đi nước ngoài hết, Ái Như vẫn quyết định ở lại Việt Nam, lập gia đình và sinh con gái đầu lòng. 

Cô gái đam mê nghệ thuật ngày ấy, vì cuộc mưu sinh mà phải mở một xe thuốc lá bán ngay trước cổng Nhà văn hóa Thanh niên. Hằng ngày nhìn những ngôi sao thời đó như ca sĩ Cẩm Vân, Đình Văn ra vào sân khấu biểu diễn, khát vọng nghệ thuật lại bùng cháy trong chị.

Thời khắc có ý nghĩa cho cuộc đời Ái Như là khi chị gặp nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt - một người bạn, người anh lớn - hết lòng quan tâm đến Ái Như và chị cũng dành cho nhạc sĩ sự kính trọng. Chính nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt đã hết lời khuyên chị về trường sân khấu - điện ảnh, thậm chí đã mua sẵn hồ sơ dự thi cho Ái Như thi lại vào khoa đạo diễn.

Thời gian sau đó một mình chị vừa phải bươn chải nuôi con, vừa dốc sức dốc lòng thực hiện vở diễn tốt nghiệp khi chồng đang tu nghiệp ở nước ngoài. Bán hết cả gia tài là chiếc Honda đời 68 cà tàng, vay thêm bạn bè 2 chỉ vàng và 300 mark Đức, Ái Như dồn hết cho vở Khúc nhạc lòng của vị mục sư. 

Thời đó, nhiều người không nghĩ một vở kịch tốt nghiệp lại được một sinh viên đầu tư chỉn chu và tâm huyết như thế.

Có lẽ Ái Như đã xác định ngay từ đầu khi bước vào con đường nghệ thuật này: mọi thứ phải nghiêm túc, tròn trịa nhất có thể, dẫu phải dốc hết cả tấm lòng và tiền bạc.

Người đến sau và những tự ti riêng mình

So với nghiệp diễn viên, có lẽ nghiệp đạo diễn của Ái Như "xuôi chèo mát máy" hơn nhiều. Những vở diễn ghi dấu ấn của nữ nghệ sĩ những năm 1990 có thể kể đến Đùa với tình yêu, Ảo ảnh tình, Bay trên cô đơn, Trầu cau, Sông dài... rồi sau này là Hợp đồng hôn nhân, Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em...

Bản lĩnh và mạnh mẽ đấu tranh trong vai trò đạo diễn bao nhiêu thì với khi là diễn viên, Ái Như lại nhút nhát và thiếu tự tin bấy nhiêu. Thiếu tự tin vì rất nhiều thứ chị nghĩ mình không đủ giỏi, chẳng hạn như giọng thoại vẫn bị pha tạp chất Huế trong những câu nói Nam bộ, đài từ không chuẩn hay không đẹp, không có sắc vóc của đào chính.

Tôi và những khán giả thân thiết của Hoàng Thái Thanh có dịp ngồi lại với nhau và cùng tiếc nuối rằng giá như ngày xưa Ái Như mạnh mẽ, mãnh liệt hơn với nghiệp diễn, có lẽ cái tên của chị còn đến gần hơn nữa với khán giả.

Khán giả khi xem những vai diễn của Ái Như trên sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ nhận xét một câu duy nhất “diễn như không diễn”, tức là khi kỹ thuật biểu diễn nhuần nhuyễn đến mức ăn rơ ngọt xớt với cảm xúc, vai diễn trở nên chân thật và tự nhiên. Đến độ khán giả cứ nghĩ bà già trên sân khấu đó không phải là vai diễn, mà chính là bà nội, bà ngoại ngoài đời của mình. 

Những bà Hai trong Nửa đời ngơ ngác, Út Trâm trong Chuyện bây giờ mới kể hay cô giáo Diệu Hoài trong 29 anh về, bà Hai Khương trong Tục lụy... đều ở lại trong lòng khán giả. 

Bà Hai trong vở Nửa đời ngơ ngác của nghệ sĩ Ái Như - Ảnh: nghệ sĩ cung cấp

Bà Hai Sa trong vở Sông dài - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Ái Như tự nhận mình là một người đến sau trong nghệ thuật và cũng thường đứng sau ánh hào quang. Với chị, danh hiệu không phải là điều quan tâm, có hay không vẫn làm từng ấy chuyện cho sân khấu, cho vở diễn.

Với Ái Như, sự yêu mến, đồng cảm và sẻ chia của khán giả là thước đo chính xác nhất cho những giá trị nghệ thuật mà chị đang đắp xây.

Chuyện cánh chuồn và cơm áo

Tháng 5-2009, Ái Như quyết định tạm nghỉ ngơi sau chín năm gắn bó với sân khấu. Chị muốn dừng lại, giữ cho mình yên tĩnh để tìm ra những xúc cảm nghệ thuật trong những ngày sắp đến. 

Thời gian này, cả Ái Như và NSƯT Thành Hội nhận được khá nhiều lời mời hợp tác mở sân khấu. Thế nhưng họ vẫn do dự. Bởi lẽ với những người trước giờ chỉ quen với chuyên môn là biên kịch, đạo diễn và diễn xuất thì việc cáng đáng luôn cả vai trò người làm kinh tế, lo cơm áo gạo tiền cho cả một tập thể là điều không dễ dàng.

Nhưng cuối cùng, sân khấu với đầy lo toan nhưng tràn ngập mơ ước và kỳ vọng ấy cũng đã ra đời. Ngày 14-2-2010 có lẽ là một cột mốc không thể nào quên của Hoàng Thái Thanh, bút danh chung của hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội. Rất nhiều vở diễn đã lấy nước mắt khán giả tại sân khấu này.

Tiếc thay… 

Ở một giai đoạn mà cuộc sống đầy phức tạp, số đông khán giả lại thích và dễ dàng tiếp nhận hơn những giá trị nghệ thuật mang tính giải trí. Đáng buồn khi những vở kịch mang giá trị nhân văn, được dàn dựng nghiêm túc và đầy nghệ thuật chưa được nhiều khán giả đón nhận. 

Đó cũng là nỗi canh cánh của nghệ sĩ Ái Như lúc này cho sân khấu của mình. Chị chia sẻ từ những ngày đầu tiên đến giờ, Hoàng Thái Thanh gần như vẫn phải bù lỗ hằng tháng, doanh số chưa bao giờ là điều chị và êkip của mình dám mơ ước, chỉ biết cố gắng hết sức trong khả năng có thể để phục vụ khán giả. Mà đã làm là phải làm trọn vẹn tấm lòng, với khán giả và với nghệ thuật.

Dẫu biết cơm áo không đùa với khách thơ nhưng Ái Như nói làm nghệ thuật nếu chỉ chăm chăm chuyện lời lỗ, rồi chỉ mãi suy tư tới tiền bạc thì tâm trí đâu cho nghệ thuật chắp cánh.

Ánh mắt của nghệ sĩ Ái Như có phần suy tư khi tôi hỏi liệu dành ra bao nhiêu tâm huyết của nửa đời còn lại cho nghệ thuật, cho sân khấu, nếu một ngày nào đó Hoàng Thái Thanh không còn, chị có còn sống với nghệ thuật nữa hay không?

Đạo diễn Ái Như hướng dẫn diễn viên của vở kịch Nửa đời hương phấn trong buổi chụp poster cho vở diễn - Ảnh: nghệ sĩ cung cấp

Ánh nhìn ấy có phần xa xăm hơn. Nhưng một cách duy ý chí của mình, tôi đọc được trong ánh mắt và trái tim của người phụ nữ nhỏ bé trước mặt mình ngọn lửa nghề và tình yêu nghệ thuật còn lớn lắm, mãnh liệt lắm.

Và ngày nào còn chìm đắm trong nghệ thuật, ngày đó Ái Như vẫn sẽ chuyên chở những giá trị đẹp nhất để bồi đắp ngôi đền thiêng của mình, như câu thoại trong vở kịch Đêm thiên nga của chị: “Đừng mang giày bẩn vào thánh đường nghệ thuật”.

Và khi nghệ thuật đã trở thành hơi thở, nó chính là nguồn sống của nghệ sĩ.

MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên