AI: Nhà trường khó nhờ, học sinh dễ cậy

NGUYỄN VŨ 23/07/2024 05:07 GMT+7

TTCT - Với từng cá nhân, AI rất hữu ích trong việc thay đổi cách dạy và cách học của giáo viên và học sinh, nhưng các nỗ lực biến các công cụ này thành công cụ hỗ trợ chính thức trong nhà trường chưa đem lại kết quả khả quan.

AI: Nhà trường khó nhờ, học sinh dễ cậy- Ảnh 1.

Ảnh: Fast Company/Pexels/Unsplash

Hai câu chuyện trên tờ The New York Times và tờ The Economist cho thấy điều này.

Xây trợ lý AI cho nhà trường chưa xong đã phá sản

Thành phố Los Angeles đồng ý trả cho công ty khởi nghiệp AllHere 6 triệu đô la để xây dựng Ed - một công cụ AI được kỳ vọng làm bạn với học sinh, giúp các em trong học tập. 

Lúc mới ra mắt vào tháng 4 năm nay, giám đốc Học khu Alberto Carvalho hết lời ca ngợi Ed vì nó được quảng bá có khả năng giúp nửa triệu học sinh trong đủ loại hoạt động học tập, sẵn sàng trả lời cho bố mẹ biết hôm đó con mình có đến lớp không, điểm số gần đây nhất là như thế nào. 

Thậm chí Ed còn đo lường để biết cảm xúc hằng ngày của học sinh, xem em có vui, buồn hay bị trầm cảm gì không. Carvalho cho rằng Ed sẽ "dân chủ hóa" trường học và sẽ "chuyển hóa giáo dục".

Chỉ hai tháng sau, nhà sáng lập và giám đốc điều hành AllHere từ nhiệm; công ty hầu hết nhân viên tạm nghỉ làm không lương. AllHere giải trích trên website của mình, cho nhân viên nghỉ việc vì "tình hình tài chính hiện nay của chúng tôi".

Hiện nay mặc dù AllHere xem như tê liệt, một phiên bản rút gọn của Ed vẫn còn được các gia đình có con học ở trên 100 trường trong học khu tiếp cận nhưng không phải là một chatbot biết trò chuyện để giải đáp thắc mắc. Giờ nó chỉ là nơi tổng hợp thông tin từ nhiều ứng dụng và website để học sinh theo dõi các bài tập được giao, phụ huynh theo dõi điểm số và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Thời gian qua, các công ty AI quảng bá mạnh mẽ vào nhà trường, kêu gọi họ đầu tư hàng tỉ đô la vào công nghệ mới nhưng sự sụp đổ của AllHere cho thấy rủi ro của việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, một lãnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa có thành tích gì cụ thể, lại đặt ra nhiều rủi ro như tính riêng tư của học sinh nhỏ tuổi, mức độ chính xác của thông tin chúng cung cấp cho các em.

Quan trọng hơn, các công cụ AI này đi ngược lại nỗ lực của nhiều trường, nhiều khu vực muốn hạn chế các em tiếp xúc với màn hình, dù đó là máy tính hay chiếc điện thoại di động. Theo The New York Times, nhiều chuyên gia giáo dục khuyên nên có thái độ "chờ xem" đối với AI trong trường học.

Với từng cá nhân, AI rất hữu ích

Trong các môn học, người viết quen thuộc nhất với môn tiếng Anh nên thử đóng vai giáo viên nhờ ChatGPT, một AI tạo sinh quen thuộc, hỗ trợ việc soạn bài. 

Giả dụ ngày mai sẽ dạy phần câu hỏi đuôi (tag questions), hoàn toàn có thể yêu cầu ChatGPT soạn giùm 10 câu có tag questions nhưng để trống cho học sinh tự điền vào. Rất khỏe, khỏi mất công tìm hay soạn các bài tập mẫu.

Nó cũng có thể cung cấp một bài text trong đó có các điểm ngữ pháp hay từ vựng cần dạy, miễn sao khi viết yêu cầu, chúng ta nói rõ cho nó biết. Thậm chí nó còn dựa vào chương trình chính thức để soạn giáo án chi tiết, cung cấp đủ loại bài tập rèn luyện. Với học sinh cũng vậy, khả năng giúp học ngoại ngữ của ChatGPT chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của người đặt ra yêu cầu mà thôi.

Tờ The Economist bắt đầu bài viết về khả năng AI có thay đổi trường học hay không bằng Khanmigo - công cụ AI của Khan Academy. Đáng tiếc Khanmigo chưa thể đăng ký từ Việt Nam nhưng theo tờ báo này, nó có thể giả lập các nhân vật lịch sử như Thomas Edison, Albert Einstein, Winston Churchill hay William Shakespeare để học sinh có thể hỏi như thể đang trò chuyện với các nhân vật này.

Hỏi nó một bài toán, Khanmigo sẽ hướng dẫn học sinh từng bước cần thiết để giải toán chứ không chỉ cung cấp câu trả lời. Nhờ nó giúp viết một truyện ngắn khoa học giả tưởng, nó sẽ đi từ từ từng câu để học sinh nắm được cách viết.

Các công cụ như Khanmigo được phát triển với tốc độ rất nhanh đang hồi sinh một viễn cảnh chuyển biến giáo dục nhờ công nghệ, trong đó mỗi học sinh sẽ được kèm cặp bởi một trợ giảng tự động, chuyện gì cũng biết hết.

Viễn cảnh này càng thêm hấp dẫn so với thực tế hiện nay; trong một lớp học luôn có em tiếp thu nhanh, học dễ dàng và luôn có những em chậm hơn, không theo kịp nên thầy giáo phải dùng một tốc độ giảng bài phù hợp với đa số, tức không thỏa mãn em giỏi và quá sức với em yếu. 

Thay vì quá trình giảng dạy vận hành như một dây chuyền sản xuất đại trà, nay có công cụ để cá nhân hóa tốc độ dạy và học cho từng học sinh theo đúng năng lực của các em thì còn gì bằng.

Tuy nhiên theo tờ The Economist, trong thực tế các thử nghiệm loại trường học nhỏ "cá nhân hóa" như thế từng thịnh hành ở Silicon Valley mấy năm trước đã gặp nhiều trở ngại không nhỏ; nhiều trường phải đóng cửa. 

Sự thất bại của các cuộc thử nghiệm này được các nhà công nghệ gán lỗi cho những người thầy không chịu linh hoạt, thay đổi cách dạy; các bậc cha mẹ dị ứng với công nghệ, không muốn đổi mới và ngân sách thiếu trước hụt sau…

AI: Nhà trường khó nhờ, học sinh dễ cậy- Ảnh 2.

Ảnh: Canva

Với AI tạo sinh, khả năng của nó chỉ mới dừng ở mức hỗ trợ, tức đưa ra những chọn lựa và người dùng phải đủ kiến thức để chấp nhận một chọn lựa nào đó và bác bỏ các chọn lựa khác. 

Tức nó chỉ hữu dụng cho người đã có kiến thức chứ người chưa biết không thể dựa vào nó để có kiến thức. Nó có thể trả lời sai, có thể bịa chuyện - chừng đó thôi cũng đủ loại nó ra khỏi môi trường lớp học vì khả năng gây hiểu nhầm ở học sinh.

Thử thách thứ nhì là động lực - nhiều sản phẩm AI công nghệ chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng như mục đích của nó, trong khi với học sinh, đâu phải động cơ học tập em nào cũng như nhau. Các công cụ AI có thể giúp các em giải bài toán nhưng nếu học sinh không hứng thú học, không chịu theo dõi các bước nó đưa ra để làm theo thì cũng đành chịu.

Justin Reich, một chuyên gia công nghệ giáo dục tại MIT, nhận xét: "Nói chuyện với robot thì chán lắm. Lý do học sinh chịu học đại số có thể là bởi chúng thích thầy giáo của chúng và vì chúng muốn hòa đồng với chúng bạn đang học". Ý ông muốn nói trông chờ học sinh dùng AI để tự học đại số một mình là chuyện khó.

Hầu hết sự hứng khởi về việc sử dụng AI trong lớp học là giả định việc học "cá nhân hóa", sẽ hiệu quả hơn học theo lớp hay theo nhóm. Giả định này không đúng với thực tế vì một trợ giảng AI có thể yêu cầu học sinh phân tích một bài thơ, một bức họa hay một sự kiện lịch sử. Nhưng chỉ trong môi trường thảo luận nhóm, các em mới nảy sinh ý tưởng mới, có sự tranh luận, cọ xát các ý tưởng khác nhau và nhờ đó mới nhớ lâu được.

Người viết từng ngạc nhiên vì sao ChatGPT hiệu quả đến thế trong rèn luyện đàm thoại với giọng bản ngữ sao ít em chịu dùng. Nhưng thử hỏi các em nói chuyện với màn hình điện thoại vô hồn xem các em có hứng thú không, chúng ta sẽ hiểu ngay lý do tại sao.

The Economist viết mỗi học sinh đến trường với hai câu hỏi "Làm sao để làm điều này?" và "Tôi là ai?". Ngồi trong một lớp học đông đúc, sinh động có thể giúp các em đồng thời trả lời hai câu hỏi này, bất kể đang học môn gì nhưng dùng toàn bộ thời gian với một con chatbot chỉ giúp sáng tỏ một câu trả lời mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận