Đó là lý do khiến cặp vợ chồng nhà tâm lý học - TS Phạm Mạnh Hà và ThS Vũ Thu Hà - lập một trang web cho tuổi teen, đi kèm là một loạt dự định nhằm hỗ trợ trẻ ở lứa tuổi này.
TS Phạm Mạnh Hà - Ảnh: Chu Hà Linh |
“Quãng giữa” bị lãng quên
* Với địa chỉ truy cập tuoiteen.vn, đối tượng anh chị muốn hướng đến là 10-15 tuổi? Điểm khác biệt ở nội dung anh chị đang thực hiện với những trang thông tin khác?
- TS Phạm Mạnh Hà: Chúng tôi trao đổi với nhau về nhiều cái tên khác nhau cho trang web này, cuối cùng quyết định chọn tuoiteen.vn. Cái tên này cũng thể hiện đối tượng chúng tôi muốn hướng đến là những đứa trẻ ở tuổi thiếu niên, vị thành niên, quãng tuổi có nhiều biến đổi nhất về tâm sinh lý và cũng có thể chịu tác động nhiều nhất từ môi trường gia đình, nhà trường.
Và tôi đã rất ngạc nhiên khi đăng ký tên miền quá dễ dàng vì những địa chỉ tư vấn, đánh giá về trí tuệ, về giáo dục sớm... thì có nhiều, nhưng tư vấn tâm lý lứa tuổi thì không có. Có thể nói chúng tôi đang chọn một con đường khó.
* Một con đường khó nhưng anh chị vẫn muốn bước tới...
- ThS Vũ Thu Hà: Vâng, do cùng làm việc trong một lĩnh vực nên tôi và anh Hà (TS Phạm Mạnh Hà) thường xuyên trao đổi, tranh luận về những vấn đề chúng tôi đang xử lý. Rồi chúng tôi cùng đi đến thống nhất với nhau là tất cả những hành vi, tính cách của người trưởng thành đều có gốc rễ, có nền tảng được hình thành ở lứa tuổi teen.
Bởi thế, việc chăm sóc cho lứa tuổi này vô cùng quan trọng. Nhưng lâu nay sự quan tâm cho lứa tuổi này lại ít nhất trong hành trình từ khi đứa trẻ vào tiểu học đến khi chúng trưởng thành.
* Anh chị có tìm hiểu vì sao người ta lại ít quan tâm tới lứa tuổi này, trong khi hẳn các bậc phụ huynh đều ít nhiều biết rằng đó là lứa tuổi ương bướng, khó bảo và cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nhất?
- TS Phạm Mạnh Hà: Nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm tới việc học hành, điểm số của con, vì thế quãng đầu và quãng cuối của hành trình học hành thường được quan tâm hơn quãng giữa. Các nhà trường cũng vậy, hiện nay rất ít nhà trường quan tâm đủ tới việc giáo dục học sinh, mà chỉ lo dạy học các môn văn hóa.
ThS Vũ Thu Hà - Ảnh: Chu Hà Linh |
Trượt dài trong bi kịch “Mình là ai?”
* Theo anh chị, ở lứa tuổi này những biểu hiện bất ổn nào phổ biến nhất, thường các bạn nhỏ cần đến chuyên gia tâm lý khi rơi vào các tình huống nào? Các bạn ấy mong muốn chia sẻ điều gì ở nhà tâm lý?
- ThS Vũ Thu Hà: Từ chỗ còn xem việc trị liệu tâm lý là vấn đề xa lạ, những năm gần đây không chỉ cha mẹ học sinh đưa con đến nhờ chúng tôi giúp mà có các em học sinh, sinh viên chủ động tìm đến.
Tuy nhiên, thường khi các em rơi vào những tình trạng quá sức chịu đựng mới tìm đến chuyên gia tâm lý. Nhu cầu được chia sẻ, hỗ trợ rất đa dạng, từ việc xung đột với cha mẹ dẫn tới áp lực tâm lý đến những khúc mắc trong vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, những bất đồng trong quan hệ với bạn bè, thầy cô hay khó khăn trong việc khẳng định bản thân, lựa chọn mục tiêu...
- TS Phạm Mạnh Hà: Rất nhiều bạn ở tuổi này đứng trước câu hỏi lớn không hiểu mình là ai, những hiểu biết lệch lạc hay đưa các bạn ấy đến những thất vọng hoặc áp lực lớn. Một số nhà trường cũng có những giáo viên được cử để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, có những vấn đề rối loạn tâm lý kéo dài trở nên phức tạp mới cần có sự can thiệp của chuyên gia.
* Anh chị có thể kể một vài câu chuyện khiến anh chị trăn trở hoặc có ấn tượng đặc biệt trong quá trình tư vấn, trị liệu?
- TS Phạm Mạnh Hà: Cách đây không lâu, có một bạn học sinh đã bước vào tuổi vị thành niên được gia đình đưa tới gặp chúng tôi. Theo gia đình nghi ngờ thì bạn ấy có quan hệ đồng giới và lạm dụng việc thủ dâm. Sau nhiều buổi trao đổi, chúng tôi mới biết vấn đề của bạn ấy không chỉ là những hiện tượng mà gia đình phản ảnh, mà có nguyên nhân kéo dài từ năm bạn ấy 13 tuổi.
Bước vào tuổi dậy thì, bạn ấy có những thay đổi về tâm sinh lý nhưng lại không tìm được sự hướng dẫn, chia sẻ của người lớn nên đã tự lên mạng tìm hiểu. Khi truy cập các trang thông tin trên mạng, bạn ấy vô tình kết nối với một nhóm đồng giới và bị lôi kéo. Trong nhiều năm, bạn ấy đã bị lạm dụng tình dục nhưng gia đình không biết và nhầm tưởng mình đồng giới.
Điều khiến tôi thấy lo ngại là có những chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng khi tìm hiểu thì kết quả lại cho chúng tôi sự bất ngờ đau xót. Những trường hợp như cậu bé này thường gia đình chỉ nghĩ con mình hư hỏng, đua đòi mà không hiểu được nguyên nhân sâu xa và những áp lực đè nặng lên chúng.
* Còn chị, câu chuyện chị đang nhớ đến là gì?
- ThS Vũ Thu Hà: Đã có những đứa trẻ khi đến tìm chúng tôi từng cắt tay cho chảy máu, tự làm mình bị thương, phá phách, nổi loạn. Hầu hết những đứa trẻ như vậy trong mắt người thân đều là những đứa hư hỏng. Bản thân các em cũng nghĩ mình là thứ rác rưởi, bỏ đi. Trượt dài trong bi kịch đó, nhiều đứa trẻ đã bỏ mất cơ hội được sống vui vẻ, hạnh phúc.
Sàng lọc ngọc trai và sỏi đá
* Những khó khăn của các chuyên gia khi tư vấn, trị liệu các ca tâm lý lứa tuổi là gì? Ở VN, nghề của các anh chị có vẻ chưa được quan tâm thực sự?
- ThS Vũ Thu Hà: Dĩ nhiên không phải ai cũng hiểu đúng mức công việc của chúng tôi. Có người chỉ đưa con đến vài buổi rồi dừng vì họ thấy bỏ tiền để trị liệu tâm lý không quan trọng, vì điều họ quan tâm hơn là điểm số của con ở trường. Nhưng cũng có những người sau này đã quay lại tìm chúng tôi chỉ để nói rằng họ hiểu công việc của chúng tôi vất vả, kiên trì như thế nào.
Khó khăn còn phải nói đến việc chúng tôi đang thiếu hệ thống hỗ trợ cần thiết. Ở nước ngoài, khi một hành vi mới xuất phát từ rối loạn tâm lý xảy ra, lập tức đã có nơi rót tiền đầu tư để nghiên cứu. Nhưng VN thì không có điều đó. Cơ chế, những tiêu chí chuyên môn làm cơ sở cho việc thực hiện tư vấn, trị liệu tâm lý cũng không rõ ràng.
* Hiện nay, trên mạng có rất nhiều trang dành cho tuổi thanh thiếu niên. Vậy khi xây dựng một trang cho lứa tuổi này theo hướng nghiêm túc, anh chị có lo ngại không “cạnh tranh” được?
- TS Phạm Mạnh Hà: Đúng là có nhiều thứ vô bổ nhưng lại thu hút nhiều bạn trẻ. Thông tin trên mạng xã hội hiện nay nhiều và dễ tìm kiếm, nhưng các bạn trẻ lại không có khả năng sàng lọc, giống như một sự tiếp nhận mà không hiểu “hướng dẫn sử dụng”. Rất nhiều bạn đã không hiểu đâu là ngọc trai, đâu là sỏi đá.
Tôi biết trong bối cảnh đó, xây dựng một trang thông tin nghiêm túc có thể ban đầu sẽ khó khăn, sẽ hạn chế người truy cập, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm vì sự cần thiết của nó.
* ThS Vũ Thu Hà đã có hơn một thập kỷ gắn bó với việc tư vấn, trị liệu các vấn đề tâm lý cho tuổi teen. Từ năm 2006 đến nay, ThS Hà trực tiếp tư vấn, trị liệu và phụ trách phòng tư vấn tâm lý trong các trường THPT Trần Nhân Tông, THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. * TS Phạm Mạnh Hà từng giảng dạy tại khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, hiện là phó trưởng khoa công tác thanh niên Học viện Thanh thiếu niên VN. TS Hà là người từng thí điểm đưa các phòng tư vấn tâm lý đầu tiên vào trường học ở Hà Nội cách đây hơn 10 năm. |
* TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội): Quá cần, nhưng quá thiếu Ở VN hiện nay nhiều trường chỉ lo dạy chữ, lo thành tích. Các gia đình bị cuốn vào cuộc sống bận rộn, nên sự quan tâm tới con cái cũng chỉ ở mức dành cho con những điều kiện vật chất, học tập tốt nhất và mong muốn nhận lại ở con một bảng điểm đẹp. Bởi thế có những ca cần can thiệp khi được đưa đến nhà tâm lý lúc vấn đề đã trở nên phức tạp. Thực tiễn của việc chăm sóc về tâm lý, giúp thanh thiếu niên giải đáp những khúc mắc, những vấn đề bất ổn cho thấy đây là việc rất cần, nhưng lại đang quá thiếu. * Cô giáo Đỗ Thúy Hằng (giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên): Tuổi 12-15 rất cần hỗ trợ Rất nhiều học sinh của tôi xung đột với cha mẹ, bạn bè, thậm chí cả thầy cô của mình. Các em mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, nhưng khi không được đáp ứng kịp thời thì hay có biểu hiện tiêu cực. Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, tôi nhận thấy lứa tuổi 12-15 có quá nhiều vấn đề liên quan tới thay đổi tâm sinh lý cần có sự chia sẻ, hỗ trợ đúng mức. |
Lắng nghe bằng trái tim Dáng hình thanh âm (A silent voice) là bộ phim tâm lý học đường của Nhật dựa theo một truyện tranh bán chạy vừa chiếu ở Việt Nam thu hút đông đảo khán giả tuổi teen. Bộ phim xoay quanh cuộc sống học đường của nữ sinh khiếm thính Shoko Nishimiya và nam sinh Shoya Ishida, người bắt nạt Shoko. Shoko chuyển trường, Shoya bị bạn bè xa lánh và chỉ trích... Những tổn thương tâm lý xảy ra không ai lắng nghe, chia sẻ, cả gia đình và nhà trường. Bộ phim hoạt hình này đã nhận nhiều giải thưởng, được Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật khuyến nghị nên xem, như một lời cảnh tỉnh về lắng nghe tuổi mới lớn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận