Ông cực kỳ tếu táo tới mức tưởng như tương phản với sứ mạng vô cùng nghiêm túc của mình: cách mạng hóa toilet để cải thiện điều kiện vệ sinh cho người nghèo trên khắp thế giới.
“Mục tiêu của tôi là biến văn hóa đại đại tiện thành văn hóa đại… chúng” ông rõ ràng trong quan điểm của mình về "cái sự khó nói" ấy. Trong bộ phim tài liệu làm về mình, Sim không quan tâm chút gì về vấn đề mà mình đối mặt, mà vẫn sở hữu một khả năng thiên bẩm thu hút sự quan tâm của truyền thông và những câu đùa đội khi là tục… tiểu của mình.
Năm 2001, ông thành lập phi lợi nhuận Tổ chức Toilet thế giới giúp lan tỏa thông điệp của mình và tuyên bố chọn ngày 19/11 hàng năm là Ngày Toilet Thế giới, một dịp để ăn mừng sự sạch sẽ hợp vệ sinh, và vai trò thiết yếu của nó trong cuộc sống của con người. Nói theo Jack, đây là ngày “treo vương miện lên ngai… cầu.”
Cuộc chinh chiến của Jack Sim không thiếu chỗ cho những bộ trang phục từ Game of Thrones tới Super Mario, và đủ mọi trò tiêu khiển xoay quanh chủ đề “phóng uế”. “Khi tôi chuyển sang công tác xã hội, các đồng nghiệp bảo rằng tôi đang tự biến mình thành trò cười. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nếu ta có thể cười nhạo bản thân và khiến người khác cười theo, họ cũng sẽ để ý đến ta.”
12 năm sau, Liên hợp quốc đã công nhận và bổ sung ngày 19/11 và danh sách những Ngày lễ quốc tế chính thức và tới 2013, tất cả 193 quốc gia thuộc Liên hợp quốc đều công nhận Ngày Toilet thế giới. Năm 2015, một trong những mục tiêu Phát triển bền vững do tổ chức đặt ra là chấm dứt việc phóng uế ngoài trời.
Năm 2008, Jack Sim được Tạp chí Time bình chọn là một trong những Anh hùng môi trường. Hiện ông đang cho xây dựng Trung tâm Thương mại thế giới dành cho người nghèo tại Singapore, và kiến tạo một thị trường dành riêng cho 4 tỉ người nghèo khó trên thế giới, để xóa nghèo.
Trong bộ phim tài liệu Mr. Toilet: The World's #2 Man (tạm dịch: Ngài Toilet: Người đàn ông thứ 2 của thế giới) mới đây, Jack Sim nhớ lại lần ông thuyết phục vị đại sứ Nga, người muốn gọi ngày này bằng một cái tên mỹ miều hơn: “Ngày Vệ sinh thế giới”.
Một emoji cao 9 mét có màu nâu (đúng vậy) đang được dựng lên ở Quảng trường Pioneer Courthouse tại Portland để biểu dương Ngày Toilet thế giới. Không chỉ chiêm ngưỡng thứ tưởng như quen thuộc hàng ngày của mỗi chúng ta, du khách còn có thể đi vào bên trong và thưởng thức những màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục, ngồi trên những bệ cầu có gắn iPad. Cứ mỗi du khách vào tham quan, tổ chức Poo-Pourri sẽ góp 2 đôla cho Tổ chức Toilet thế giới. Emoji “đáng yêu” này sẽ được mang tới 20 thành phố khắp nước Mỹ.
Hiện nay, thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, từ 4,2 tới 4,3 tỉ người, quá nửa dân số thế giới, hiện vẫn chưa tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn, và 673 triệu người vẫn còn tiêu tiểu lộ thiên.
Chất thải chưa xử lý do con người thải ra lan truyền các loại bệnh tật qua nguồn nước và thực phẩm, dẫn tới hơn 400,000 cái chết hàng năm. Trẻ em và phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với gần 300,000 trẻ dưới năm tuổi hàng năm qua đời do tiêu chảy từ các vấn đề liên quan tới vệ sinh. Các em gái không đến lớp trong kỳ kinh nguyệt vì không có nhà vệ sinh đủ sạch sẽ. Phụ nữ vẫn dễ bị bạo hành và tấn công tình dục vì buộc phải đi vệ sinh bên ngoài, vào lúc trời tối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận