Phóng to |
- Có thể nói ngay rằng những hành vi đó là không có văn hóa, đã và sẽ không bao giờ được sự đồng cảm của bất cứ ai trong xã hội. Các “đại gia” đó trước hết đã gây thất vọng ngay cho chính những người thân của mình, là vợ, là con. Người Việt mình vốn trọng dư luận nên đó chính là hình phạt nặng nề nhất.
"Các lớp học về văn hóa sống, kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở... đang được rất nhiều công sở, doanh nghiệp chủ động tổ chức. Hãy nhìn tương lai từ những cố gắng rất đáng quý này, đừng quá bận tâm đến những hiện tượng xấu. Chỉ nhìn vào cái đẹp và luôn hướng về cái đẹp, chúng ta sẽ có một cuộc đời đẹp" |
- Trước hết, về góc độ văn hóa, người ta xét một người có học không phụ thuộc bằng cấp của người ấy, xét sự sang trọng cũng không phụ thuộc tiền bạc của họ. Bằng cấp, địa vị không phải lúc nào cũng đồng hành và càng không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với văn hóa. Đó không phải thứ để khoe, nhất là trong một xã hội đang phát triển, nhiều chuẩn mực cũ đang bị phá vỡ và chuẩn mực mới chưa kịp ổn định như hiện nay. Đã qua rồi thời bao cấp, thời đổ đồng ai cũng như ai.
Theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, xã hội có người giàu và người nghèo. Người giàu có quyền ăn ngon, mặc đẹp, có quyền vui thú và tận hưởng những giá trị đặc biệt của cuộc sống. Nhưng biết thực hiện quyền ấy một cách tốt đẹp và tạo được những giá trị nhân văn khác thì lại phụ thuộc nhận thức văn hóa và kỹ năng sống.
Có những người rất giàu nhưng đời sống văn hóa lại thấp kém, họ không phân biệt được giá trị vật chất và giá trị tinh thần thiêng liêng của bản thân con người. Ở đây, chưa bàn đến tính minh bạch của đồng tiền, nhưng tôi tin rằng những ai kiếm được đồng tiền thơm tho nhất định cũng sẽ sử dụng một cách thơm tho. Ngược lại thì...
* Điều đó có đáng để một nhà nghiên cứu về văn hóa lo lắng không?
- Là ủy viên hội đồng thẩm định phong cách doanh nhân, tôi được biết rất nhiều doanh nhân vừa giàu về tiền của lại vừa giàu về nhân cách. Họ đẹp từ trang phục đến trang sức, từ ngôn ngữ đến hành vi, từ tổ chức cuộc sống gia đình đến xây dựng đời sống văn hóa công sở. Họ lịch lãm và đáng yêu.
Đặc biệt, họ luôn tự khẳng định trách nhiệm đối với xã hội, biết dành một khoản lợi nhuận không nhỏ để giúp đỡ những người còn khó khăn. Đa số họ cũng còn rất trẻ. Tôi luôn nhìn văn hóa dân tộc, nhìn tương lai đất nước bắt đầu từ họ và không quá bi quan trước những hiện tượng rất đáng chê trách như vừa rồi mà nhiều người vẫn tức giận cho là “văn hóa suy đồi”.
Văn hóa VN không suy đồi, chỉ có một bộ phận kém hiểu biết đã ngang nhiên bộc lộ sự tầm thường của mình.
* Hẳn ông cũng đã gặp nhiều câu chuyện về những màn ăn chơi hưởng lạc trong lịch sử. Người Việt xưa nhìn việc ấy như thế nào, ngoài đạo đức và dư luận xã hội, hành vi ấy có bị xem xét bởi pháp luật không?
- Người xưa ít khi tách đạo đức khỏi pháp luật. Nhiều vụ bất hiếu hoặc hoang dâm đều được đưa ra xét xử theo hình sự, những người được coi là có quyền làm “cha mẹ của dân” càng bị xử nặng. Sử chép chuyện Lý Long Xưởng (con trưởng hoàng đế Lý Anh Tông) vì hoang dâm nên bị truất ngôi thái tử, phế làm dân; hoàng đế Trần Anh Tông suýt bị thượng hoàng Trần Nhân Tông phế ngôi chỉ vì uống rượu đến say khướt trong cung.
Người xưa tuy cho phép “trai năm thê bảy thiếp” nhưng phải cưới hỏi đàng hoàng, người phụ nữ vẫn có chút danh phận. Pháp luật hiện hành quy định “một vợ một chồng”, vậy tại sao việc quan hệ không lành mạnh với người khác lại chỉ coi là vi phạm đạo đức?
Người xưa quan niệm “nam vô tửu như kỳ vô phong” nhưng hầu như ai cũng uống rất chừng mực. Mỗi bàn tiệc chỉ có một búp rượu (tương đương một xị), mỗi người chỉ uống một chén nhỏ như hạt mít và gọi là “nhắm rượu”, đúng nghĩa thưởng thức vị rượu ngon chứ không ép nhau uống hết chai này chai khác.
Luật xưa cũng quy định rất rõ không ai được vô cớ tổ chức uống rượu, lên công đường tuyệt đối không được đụng tới rượu, vi phạm sẽ bị nghiêm trị...
* Một nền văn hóa có bề dày khả kính như thế, tại sao lại dễ dàng xảy ra những hiện tượng lệch chuẩn trong đánh giá, thang giá trị bị đảo lộn như hiện giờ?
- Một bộ phận xã hội tuy có tài làm giàu nhưng lại chưa được trang bị những kiến thức văn hóa đủ để hội nhập vững vàng. Khi tiếp cận với văn hóa nước ngoài, những người không đủ tầm chỉ học được những mảnh vụn cực đoan và phản văn hóa, không đủ sức tiếp thu văn minh.
Môi trường văn hóa dân tộc bị chính những người này chở cặn bã và rác thải mà thiên hạ đã vứt bỏ về làm cho ô uế. Tiếc thay, đôi khi họ lại chính là những cán bộ đang giữ vị trí đòi hỏi sự mẫu mực.
Sau đó, lại có một số người khác, kể cả báo chí, do thiếu nhận thức và bản lĩnh nên đã vô tư quảng bá cho thứ rác thải nguy hiểm này. Có những trang báo say sưa phô bày những hình hài hở hang, hăng hái quảng cáo cho hàng hiệu. Không ít người trẻ bị choáng ngợp, chạy theo, nhận lầm giá trị hàng hóa với giá trị bản thân.
Người có tiền như các “đại gia” lại lấy sự mạnh tay xài tiền để chứng minh “đẳng cấp” mà không biết mình lạc hậu, như ông bà ta nói “phú quý giật lùi”...
Tuy nhiên, xin được nhấn mạnh lại là sự lệch lạc này chỉ có ở một số ít người. Những giá trị đích thực và lớn lao của văn hóa vẫn được đa số còn lại ra sức gìn giữ. Cái xấu, cái lạc hậu đương nhiên sẽ bị đào thải.
__________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận