Ai kiểm soát Internet?

TƯỜNG ANH 13/03/2019 04:03 GMT+7

Một nỗi lo đã thực sự hiện hữu: Trở thành thuộc địa mạng và mất chủ quyền số.

Ảnh: Fusion
Ảnh: Fusion

Ngày 12-2, Đuma Quốc gia Nga đã thông qua trong phiên điều trần thứ nhất dự thảo luật về “Internet có chủ quyền”, như biện pháp đối phó với “Chiến lược an ninh mạng” của Hoa Kỳ được thông qua vào tháng 9-2018. Thời gian gần đây, người Nga ngày càng quan tâm tình trạng “chủ quyền số”. Mối bận tâm đó thể hiện qua rất nhiều sắc thái, được kể lại trong cuộc trò chuyện của chuyên gia trí tuệ nhân tạo Nga Igor Stanislavovich Ashmanov với tờ Ngày Mai (Zavtra).

Igor Ashmanov (I.A): Liên quan đến an ninh mạng, cần chia vấn đề thành hai phần. Một là bảo mật mạng hoặc bảo mật điện tử, gắn với hoạt động an toàn của phần mềm, các thiết bị, các kênh, là nơi mà các mối đe dọa chính nhắm vào là tấn công mạng, virút, tin tặc, trojan, botnet. Hai là bảo mật thông tin liên quan đến tác động có chủ ý. Từ quan điểm an ninh mạng thì Nga, như đa số các nước khác, từ lâu đã là “thuộc địa số” của Hoa Kỳ. Dù so với các nước khác thì tình hình của Nga có đỡ hơn, bởi ta còn có gì đó của mình.

NỖI LO CỦA NƯỚC NGA

Zavtra (Z): Nga bị rơi vào tình trạng thuộc địa số từ khi nào vậy?

I.A: Nếu không tính đến quyết định có tính định mệnh của Liên Xô sao chép một loạt máy tính lớn IBM-360 vào đầu những năm 1970 thì việc này đã bắt đầu ồ ạt từ cuối những năm 1980, khi nhiều phát triển của chúng ta bị từ bỏ và chúng ta hấp thụ vô tội vạ công nghệ nước ngoài, chủ yếu vì tình trạng kiệt quệ kinh tế và nạn vi phạm bản quyền.

Suốt 20 - 25 năm, như một đất nước, chúng ta đã không trả cho Microsoft khoảng 200 tỉ USD cho giấy phép sử dụng Windows, Office... vì ta được cho không và chính bằng cách đó, ta đã móc nối vào phần mềm của họ như xỏ chỉ vào kim và kể từ đó ta chỉ sử dụng nó.

Z: Những cơ cấu nào của Mỹ kiểm soát Internet?

I.A: Phần quan trọng nhất của Internet là các máy chủ gốc của các địa chỉ tên miền (DNS root server). Phần này vẫn được Bộ Thương mại Hoa Kỳ quản lý.

Phần thứ hai là các chứng chỉ mã hóa gốc đang được sử dụng bởi các ngân hàng của chúng ta, tất cả các tổ chức phát hành mật khẩu Internet nói chung và tất cả các trang web có ít nhất một đăng ký với một mật khẩu. Phần này được chính thức quản lý bởi Hiệp hội Kế toán Bắc Mỹ. Các dự án Internet lớn như Google, Facebook, Twitter, Instagram, YouTube... phục tùng “Đạo luật tự do” năm 2015 (từng là “Đạo luật yêu nước” năm 2001), yêu cầu phải chuyển tất cả dữ liệu cho tình báo Hoa Kỳ, tức chúng được kiểm soát bởi tình báo Mỹ.

Z: Nhưng người ta vẫn hay nói về các cơ quan quốc tế trong lĩnh vực này?

I.A: Đúng, có nhiều tổ chức quốc tế quản lý Internet như ICAAN nhưng theo tôi, đây chỉ là những tổ chức ngụy trang cho việc Internet trên thực tế vẫn nằm trong quyền kiểm soát của người Mỹ. Đóng vai trò chính trong tổ chức này vẫn là những người Anglo Saxon và cũng chính họ nắm những ủy ban chính trong tổ chức này.

Thực sự việc quản lý Internet ở cấp độ dịch vụ và ứng dụng đều nằm trong tay Hoa Kỳ. Cả thế giới đang sống trong dịch vụ Internet của Mỹ: công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook, các mini blog Twitter, Instagram và YouTube, hệ điều hành Android cho điện thoại thông minh, cửa hàng ứng dụng Google Play, điện thoại thông minh iOS...

Phần lớn các nước trên thế giới không có công nghệ phần mềm phát triển và không có khả năng phát triển công cụ tìm kiếm của riêng họ lẫn mạng xã hội hay gì khác. Kể cả khi họ từng có chúng (như ở Đức hay Cộng hòa Czech), từ lâu chúng đã bị loại khỏi thị trường. Trong chừng mực này, Nga và Trung Quốc trong tình thế khá hơn vì họ có mạng xã hội của mình, hộp thư điện tử, công cụ tìm kiếm, nhắn tin...

Igor Ashmanov.-Ảnh: Wikipedia
Igor Ashmanov.-Ảnh: Wikipedia

LỢI ÍCH TOÀN CẦU HAY THUỘC ĐỊA KỸ THUẬT SỐ? 

 

6 yếu tố của chủ quyền số

Theo tiến sĩ khoa học kỹ thuật, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và phát triển phần mềm Igor Ashmanov, một nền chủ quyền số lý tưởng có những yếu tố cấu thành sau: (1) nền phần cứng riêng (mạng, điện thoại di động và PC), (2) nền phần mềm kiểm soát/sở hữu riêng (mạng và PC), (3) nền di động kiểm soát/sở hữu riêng, (4) cơ sở hạ tầng Internet riêng, (5) hệ thống tuyên truyền và tiến hành chiến tranh thông tin riêng, và (6) luật pháp và các dịch vụ thị trường phát triển.

Z: Liệu có thể nói hiện đang bắt đầu một vòng xoắn mới của tình trạng thuộc địa kỹ thuật số?

I.A: Đúng, ở vòng xoắn mới này, chúng ta đang được tích cực áp cho những công nghệ mới, được cho là kỳ diệu, có khả năng thay đổi thế giới. Tất cả chúng ta đều nghe thấy “blockchain”, “neural networks” (mạng thần kinh nhân tạo), “AI” (trí tuệ nhân tạo), “cryptocurrency” (tiền điện tử), “Internet of things” (Internet vạn vật), “big data” (dữ liệu lớn)... Giống như hồi thập niên 1990 chúng ta được nói rằng các công nghệ mới tuyệt lắm, cần phải ứng dụng ngay, nếu không sẽ trễ chuyến tàu...

Và tôi sẽ kể cho bạn nghe cơ chế này hoạt động thế nào. Cha tôi là tiến sĩ toán, tác giả nhiều công trình về toán kinh tế. Ông làm thư ký khoa học của khoa toán tin và điều khiển học của Đại học Quốc gia Matxcơva (MGU), tham gia tính toán dữ liệu cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước Liên Xô.

Năm 1988, tôi đến gặp ông và nói chúng tôi vừa hoàn thiện một chương trình kiểm tra chính tả, bán nó cho các tổ chức nhà nước và có một ít tiền. Tôi muốn trả tiền trước thời hạn cho hợp tác xã nhà ở để chốt lại luôn vụ mua nhà của chúng tôi. Năm đó tôi 26 tuổi, mới tốt nghiệp MGU và chưa nghĩ gì về những vấn đề lớn. Nhưng cha tôi bảo chẳng cần trả gì trước thời hạn, vì chẳng bao lâu nữa số tiền ấy sẽ chẳng là gì.

Tôi rất ngạc nhiên, bởi thời điểm đó hoàn toàn chưa có lạm phát. Cha tôi giải thích khi đó ở Liên Xô, một con đê dày đang được dựng giữa tiền mặt và không phải tiền mặt. Đó là những dạng tiền khác nhau. Các công ty đang hoạt động trên thứ không phải là tiền mặt này và gần như không thể chuyển chúng thành tiền mặt. Việc chuyển đổi này chỉ diễn ra thông qua những cái “cổng” là thưởng và lương, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Đấu tranh chống cướp bóc tài sản xã hội chủ nghĩa, KGB... Cha tôi nói hiện một lỗ hổng đã được khoét trên con đê này dưới hình thức các “trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ” và nhiều phương thức “rút tiền mặt” khác (mà giới tài phiệt tương lai lúc đó bắt đầu khai thác “tận tình”), và lỗ hổng này sẽ đánh sập con đê kinh tế Xô viết. Ông khuyên tôi đừng trả tiền nhà, mà hãy mua gì đó giá trị bởi chẳng bao lâu đồng rúp sẽ chẳng là gì cả.

Z: Dự báo đã thành sự thật...

I.A: Vâng, Liên Xô sụp đổ bằng nhiều phương thức có tổ chức, có chủ ý. Chẳng hạn những năm đó họ bỏ tất cả thuế đánh vào việc xuất khẩu hàng hóa Liên Xô và nhiều sản phẩm của chúng tôi biến mất trong một đêm, chỉ vì chúng rẻ hơn hàng phương Tây cùng chất lượng tới mấy lần. Người ta xuất đi hàng toa tàu giày, bột giặt...

Z: Tức là thêm một “lỗ thủng” qua biên giới...

A.I: Vâng, sự sụp đổ có chủ ý của việc lưu thông tiền tệ và nền kinh tế này đã nuốt chửng mọi thứ mà người Liên Xô tích lũy được. Nó giúp làm giàu cho các nhà tài phiệt đầu tiên... Hiện giờ, tiền điện tử, bitcoin..., theo tôi, cũng là những lỗ hổng tương tự có thể xuất hiện trong chủ quyền kinh tế quốc gia. Trên thực tế, đó là một loại “tiền đen” không có hệ thống kiểm soát, tưởng như chẳng thuộc về ai, một hệ thống toàn cầu. Đây là một cơ hội rút tiền không ai có thể kiểm soát được. Nếu chúng ta đưa hệ thống này vào, toàn bộ nền kinh tế Nga sẽ bị hút vào đó...

Z: Đến nay may quá, chúng ta chưa có cryptocurrency nhưng đã ứng dụng nhiều thứ khác...

A.I: Vâng, thí dụ như Internet vạn vật. Tưởng như thật tốt khi các cảm biến được gắn trên tất cả thiết bị, cho phép kiểm soát việc sản xuất, năng lượng, vận chuyển hoặc hoạt động của các thiết bị gia dụng, nhưng vấn đề là chúng ta không có tiêu chuẩn riêng cho các cảm biến và giao thức truyền dữ liệu. Một lần nữa chúng ta lại vay mượn, cả cảm biến lẫn máy chủ, mà việc phát triển chúng chủ yếu được thực hiện ở phương Tây...

Z: Và việc sụp đổ toàn bộ hệ thống của chúng ta có thể xảy ra bằng chỉ một cú nhấp chuột?

A.I: Vâng, việc tắt toàn bộ Internet của chúng ta cũng chẳng khó khăn gì. Năm 2014, Bộ Thông tin liên lạc đã tổ chức diễn tập bí mật trong trường hợp bị tắt Internet. Kết quả được báo cáo là họ xử lý được. Rồi đến năm 2017 lại thêm một cuộc diễn tập nữa với nhiều công ty công nghệ lớn, tư lẫn công, và một báo cáo mật được gửi cho Hội đồng An ninh và tổng thống, dường như với kết luận là nếu chuyện đó xảy ra thì chúng ta vẫn xoay xở được.

Nhưng kết luận này rất hẹp. Nó chỉ đúng với những điều kiện hạn chế, thí dụ không ai kiểm tra tình huống khi đồng thời với việc ngắt kết nối Internet, họ rút luôn những chứng chỉ mã hóa gốc. Nếu chúng bị thu hồi và việc này có thể thực hiện trong vài giờ, tất cả sẽ đình trệ: từ những hệ thống ngân hàng đến các trang web hoạt động trên HTTPs, trong đó có công cụ tìm kiếm Nga Yandex, hộp thư điện tử mail.ru, tin nhắn...■

(Nguồn: http://zavtra.ru/blogs/tcifrovaya_okkupatciya)

 

Dự luật chủ quyền Internet

Một số nét chính của Dự luật “Internet có chủ quyền”:

- Các nhà mạng Nga có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu về các nguồn của đường truyền dữ liệu. - - Những ai sở hữu “các tuyến liên lạc xuyên biên giới”, mà qua đó dữ liệu Nga được truyền ra nước ngoài, có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho một cơ quan nhất định (không được nêu trong dự luật.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nga cho rằng đó sẽ là Roskomnadzor - Cơ quan Kiểm tra và giám sát thông tin, công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông đại chúng Nga, trực thuộc Bộ Thông tin liên lạc Nga). Nếu xuất hiện các mối đe dọa đối với sự ổn định, tính toàn vẹn và bảo mật cho hoạt động của mạng Internet trên lãnh thổ Nga, cơ quan kiểm soát này phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo đảm mạng Internet của Nga vẫn vận hành trơn tru.

Các tác giả dự luật ước tính Chính phủ Nga sẽ phải bỏ ra hơn 20 tỉ rúp (khoảng 305 triệu USD) thực hiện kế hoạch này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận