Với phiên về AI trong y tế, TS.BS Trương Nguyễn Khánh Hưng - tốt nghiệp tiến sĩ về trí truệ nhân tạo trong y khoa tại ĐH Y khoa Đài Bắc, hiện công tác tại khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng khi nhắc đến AI trong y tế, mọi người thường nghĩ đến các ứng dụng lớn, tuy nhiên trên thực tế AI đang được sử dụng rất phổ biến.
"Trợ lý" AI
Chẳng hạn trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, nhiều phần mềm hiện nay trở thành "trợ lý ảo" cho những bệnh nhân phục hồi chức năng. Bệnh nhân chỉ cần tập luyện trước màn hình máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng. Camera sẽ kết nối với ứng dụng để quan sát từng cử động nhỏ của cơ thể của bệnh nhân khi tập luyện.
"Nếu bệnh nhân tập luyện sai nguyên tắc, màn hình sẽ cảnh báo đỏ, còn nếu các cử động cơ thể ở những vị trí đúng, màn hình sẽ thể hiện bằng những điểm tròn màu xanh lá. Từ đó, bệnh nhân có thể đảm bảo tự tập luyện phục theo đúng quy tắc mà không cần bác sĩ ở bên liên tục mọi lúc", TS.BS Trương Nguyễn Khánh Hưng thông tin.
ThS Lê Thị Thu Thảo - phó lab Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - giải thích trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, trước đây để có được một em bé ra đời thành công là quá trình rất dài, từ chọc trứng, thu nhận tinh trùng đến nuôi cấy các giao tử nuôi trong tủ nuôi cấy phôi.
Các diễn giả trao đổi tại talkshow “Ứng dụng AI trong y tế" trong khuôn khổ sự kiện “Hiểu AI - Làm giàu hành trang nghề nghiệp” - Video: Nhã Chân - Thế Kiệt - Trương Kiên - Anh Thư
Hiện nay, các tủ nuôi cấy phôi đã được thiết kế với các camera AI quan sát hiện đại để các bác sĩ có thể quan sát sự phát triển của giao tử trong thời gian thực. AI cũng tham gia vào quá trình đánh giá phôi, chẳng hạn trong 10 phôi được nuôi cấy thành công, AI có thể đánh giá và cho điểm từng phôi, từ đó bác sĩ có thể đưa ra quyết định nên đưa phôi nào tối ưu vào cơ thể của người phụ nữ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Chí Bảo thuộc Nha khoa Nhân Tâm giải thích AI hiện đang được áp dụng phổ biến nhất tại Nha khoa Nhân Tâm thông qua công nghệ định vị tự động X-Guide.
Cụ thể, AI có thể định vị mũi khoan khi thao tác trên răng của bệnh nhân. Khi khoan chưa tới độ dài mục tiêu, màn hình sẽ cảnh báo màu vàng và sẽ chuyển sang màu xanh khi đạt đến yêu cầu. Chỉ cần mũi khoan vượt quá 0,1mm, màn hình lập tức chuyển sang màu đỏ đồng thời phát thêm tín hiệu cảnh báo cho nha sĩ.
Bác sĩ Trương Chí Bảo nhớ lại một ca bệnh nhân mắc loạn sản ngoại bì, hoàn toàn không có răng và không có chân răng. Nhóm bác sĩ cân nhắc phương án implant dài gấp 3 - 4 implant thông thường, sẽ cấy vào xương gò má, chỉ cách mắt bệnh nhân khoảng 1mm.
Trong trường hợp này, nhóm đã làm việc rất thận trọng trên nền tảng AI để từng mũi khoan có độ chính xác cao nhất không được lệch dù chỉ là 0,1mm, vì nếu sai lệch có thể ảnh hưởng lớn đến thị lực của bệnh nhân.
"Cuối cùng ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân có một hàm răng đẹp và hiện cũng trở thành một người truyền cảm hứng về nghị lực sống", bác sĩ Trương Chí Bảo nói.
Bác sĩ có bị AI thay thế?
ThS Lê Thị Thu Thảo nhận định khi ứng dụng AI trong học tập và công việc, người dùng cần trang bị cho mình một khối lượng kiến thức nền để có thể kiểm chứng những thông tin do AI đưa ra.
Không chỉ vậy, muốn AI hoạt động hiệu quả, chính con người cũng cần tổng hợp vào những dữ liệu ban đầu, do đó vai trò của con người là không thể loại bỏ.
"Sinh viên đang ở độ tuổi rất trẻ nên tiếp cận sớm AI và xem đây như một kho kiến thức cho hành trang nghề nghiệp của mình sau này", ThS Lê Thị Thu Thảo nói.
Trong khi đó với kinh nghiệm đã từng nghiên cứu AI trong y tế, TS.BS Trương Nguyễn Khánh Hưng cho rằng các bạn trẻ có đam mê nghiên cứu AI nên chuẩn bị cho mình một nhóm làm việc. Trong nhóm, mỗi thành viên sẽ chịu trách nhiệm từng đầu việc khác nhau: một số bạn lọc dữ liệu, một số dán nhãn dữ liệu, một số chạy máy, huấn luyện mô hình. Đặc biệt, trong nhóm luôn phải có một số bạn nắm chuyên môn.
"Chẳng hạn nếu muốn nghiên cứu AI trong lĩnh vực y tế, nhóm phải có người có chuyên môn y tế. Tương tự với AI trong tài chính, ngân hàng, kinh doanh. AI là công cụ giúp tăng tối ưu hiệu quả nhưng kiến thức chuyên môn vẫn sẽ là nền tảng", ông Hưng nói.
Tương tự, bác sĩ Trương Chí Bảo cho rằng AI dù phát triển nhưng rất khó có thể thay thế bác sĩ, bởi bác sĩ còn có những cảm xúc, tình cảm khi chữa trị cho bệnh nhân.
Do đó dành lời khuyên cho các học sinh, sinh viên đang và sẽ theo học các ngành y khoa, ông Bảo cho rằng ngoài nâng cao kiến thức, tay nghề, các bạn còn cần trau dồi thêm một "trái tim lớn". "Có như vậy, các bạn sẽ không bao giờ bị AI thay thế", ông Bảo nói.
Sự kiện "Hiểu AI làm giàu hành trang nghề nghiệp" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Google tổ chức tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, từ 8h - 17h ngày 10-5.
Đến với sự kiện, học sinh, sinh viên được tiếp cận các thông tin bổ ích về AI do các chuyên viên AI của Google, diễn giả, KOL nổi tiếng trình bày; tham quan các gian hàng liên quan đến các ngành nghề có ứng dụng AI...
Chương trình trân trọng cảm ơn đơn vị tài trợ: Nha Khoa Nhân Tâm, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM và sự đồng hành của các trường đại học: Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận