Ai gánh nợ công?

DANH ĐỨC 02/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - Công nợ đang là gánh nặng, từ các chính phủ đến người dân các nước, từ đảo quốc Cyprus nhỏ bé đến siêu cường Mỹ...

Các chính phủ thì điên đầu, thậm chí sụp đổ, song vẫn chưa phải khổ sở như dân chúng đang bị “móc túi” tiền tiết kiệm, giảm thu nhập, nâng tuổi hưu...



Phóng to
Người dân Cyprus rút tiền ở máy ATM. Các ngân hàng đảo quốc này chỉ hoạt động trở lại từ ngày 29-3 sau hơn mười ngày đóng cửa vì sợ người dân rút tiền ồ ạt - Ảnh: Reuters

Những dùng dằng giữa Quốc hội Cyprus với chính phủ, và giữa Chính phủ Cyprus với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) như đề xuất quốc hữu hóa các quỹ hưu trí tư nhân, nhà thờ đóng góp, bán dự trữ vàng... chẳng qua là những động tác “câu giờ” được phút nào hay phút đó nhằm giúp những ai có trên 100.000 euro gửi tiết kiệm vớt vát được chút của nả nào hay chút đó.

Tương tự, việc Bộ trưởng tài chính Michalis Sarris bay sang Nga tuần rồi xin gia hạn số nợ 2,5 tỉ euro vay năm 2011 sẽ đáo hạn năm 2016 cũng chỉ là còn nước còn tát, trước khi “bó tay chịu trói” bởi Liên minh châu Âu (EU), ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Dân Cyprus gánh nợ cho ai?

Việc người dân Cyprus bị huy động “góp” tiền tiết kiệm cho nhà nước có được 5,8 tỉ euro hầu “đối ứng” với gói cứu trợ 10 tỉ euro mà EU dự định ứng cho để trang trải phần nào nợ nần được Global Research, một tổ chức chuyên nghiên cứu về toàn cầu hóa, gọi là “những biện pháp khắc khổ dã man và chế độ độc tài kinh tế”. Chế độ độc tài đó gồm “những nhà đầu cơ trên thế giới, các ngân hàng và các tập đoàn”, còn nạn nhân phải hứng chịu sự bóc lột dã man này chính là giai cấp lao động.

Tính ra mỗi người dân Cyprus từ sơ sinh đến trăm tuổi phải chịu “móc túi” đến 7.250 euro. Nếu tính trung bình một gia đình gồm ba người, số tiền mỗi hộ phải “hiến” sẽ lên đến 21.750 euro, cao hơn thu nhập bình quân/năm các hộ gia đình đảo Cyprus là 16.765,40 euro vốn không kém xa thu nhập bình quân/năm 17.563,80 euro (1) của các hộ gia đình Pháp là bao nhiêu (đọc thêm bài “Thuế và nước Pháp” trang 24-25).

Ở một đảo quốc dân số chỉ hơn 800.000 người, có thu nhập bình quân mỗi hộ xấp xỉ Pháp, vậy mà cuối tuần qua đã lên cơn sốt thiếu thuốc men trong các bệnh viện công và tư. Không phải đảo quốc này không có công nghiệp dược phẩm, mà do các bệnh viện đang hết tiền, các nhà cung cấp dược phẩm không chịu giao thuốc.

Trên một diện tích chỉ 9.251km2 (gấp bốn lần rưỡi diện tích TP.HCM) mà tin đồn (nửa hư, nửa thật) bệnh viện hết thuốc chữa bệnh thì quả là gây rúng động! Báo hại Bộ Y tế phải lên tiếng trấn an. Medochemie - một tập đoàn dược phẩm nổi tiếng, có nhà máy tại thành phố Limassol lớn thứ nhì trên đảo - cũng đã ra thông báo thể hiện tính trách nhiệm: “Chúng tôi có khả năng sản xuất không gián đoạn mọi thứ thuốc, dân chúng hãy bình tĩnh. Chúng tôi ý thức rõ tính nghiêm trọng của tình hình” (2).

“Bể khổ” mà ngày nay dân Cyprus phải cam chịu là hậu quả của cả một mớ bòng bong “bong bóng” tài chính, địa ốc, thâm thủng ngân sách, nợ nước ngoài “khủng”... mà chung quy cũng từ một “sát thủ” là ngành ngân hàng vốn từng hưởng lợi “tràn cung mây” với các thương vụ mua trái phiếu lãi suất cao của Hi Lạp! Năm ngoái, sau khi EU đưa ra một gói “xóa nợ” cho Hi Lạp, hai ngân hàng BoC và Laiki Bank coi như ôm mớ giấy lộn, mất toi 4,5 tỉ euro.

Hai ngân hàng này cũng đã “chết” vì đã cho các công ty và gia đình Hi Lạp vay đến 23 tỉ euro (cũng dễ hiểu do lẽ đa số người Cyprus gốc Hi Lạp) nay không đòi được (3), (4).

Cùng với những thương vụ lỗ lã của hai ngân hàng kia, nợ công cũng đã góp phần làm sụp đổ: mới năm 2009, tỉ trọng nợ của Chính phủ Cyprus chỉ chiếm 48,9% GDP, vậy mà đến cuối năm 2012 đã lên đến 86,5%! Chỉ cần một số “bong bóng” nổ đùng (như trái phiếu Hi Lạp, nợ cho vay, địa ốc...) là đủ để nợ công đang từ chỗ “trong tầm kiểm soát” mới cách đây 3-4 năm nay đã ngoài tầm kiểm soát!

Âu cũng là một kinh nghiệm “nợ công trong tầm kiểm soát” đáng chiêm nghiệm. Vấn đề không phải là nợ công mới tương đương bao nhiêu phần trăm GDP, mà là vay nợ chừng đó để làm gì. Rõ ràng, bỗng dưng người dân Cyprus nay phải è cổ trả nợ cho các ngân hàng đã ăn trên đầu trên cổ họ!

Phóng to
Nguồn: www.tradingeconomics.com - Eurostat

Đệ nhất siêu cường rung rinh

Mới tháng 3-2013 mà vị thế đệ nhất siêu cường Mỹ đã rung rinh chưa từng thấy. Hai quả tên lửa bắn đi từ dải Gaza rơi xuống một tòa nhà ở Sderot, chỉ cách thủ đô Jerusalem 80km ngay vào lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang viếng thăm thủ đô này quả là “thách thức” chưa từng thấy đến vai trò đệ nhất siêu cường, đến những cố gắng “ráp nối” Chính phủ Israel với Nhà nước Palestine ở bờ Tây sông Jordan, đồng thời là một cảnh cáo rằng không đàm phán với phong trào Hamas ở dải Gaza là không xong.

Trên bình diện quân sự, việc hai tên lửa này bay xuống đến tận miền nam Israel cho thấy các thế lực đang làm chủ dải Gaza hay đang hậu thuẫn cho các thế lực đó (Syria, Iran...) chẳng coi lá chắn tên lửa mang tên “mái vòm sắt” của Israel do Mỹ tài trợ... ra gì, nhất là khi hai tên lửa đó coi như “bay qua đầu” ông Obama!

Cũng thế, những đe dọa tấn công thẳng vào nước Mỹ của ông Kim Jong Un không ngớt được đưa ra, tiếp sau những vụ thử tên lửa phóng vệ tinh tháng 12 năm ngoái, thử hạt nhân tháng 2 năm nay là những dấu hiệu cho thấy một thái độ “cứ lấn tới, làm gì nhau”, bất quá Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết trừng phạt thêm vài công ty và “cấm cửa” vài quan chức cao cấp. Sao lại không tận dụng thời cơ mới, có một không hai là Chính phủ Mỹ đang “cháy túi”?

Hôm 24-1, ông John Kerry khi điều trần bổ nhiệm chức ngoại trưởng đã phải nài nỉ Quốc hội Mỹ: “Chúng ta sẽ không thể mạnh trên thế giới, trừ phi chúng ta mạnh ở trong nước. Ưu tiên trên hết chính là liệu nước Mỹ cuối cùng cũng sẽ lập lại được trật tự tài khóa của mình hay không...”.

Do những vung tay quá trán dưới trào tổng thống Bush mà nay, căn cứ theo đạo luật kiểm soát ngân sách có hiệu lực từ 2-8-2011, bất luận Chính phủ Mỹ nào cũng phải tiết giảm 917 tỉ USD trong chi tiêu từ tài khóa 2012 đến 2021. Sa thải công chức thì không tiện, cắt giảm giờ làm việc (furlough) thì dễ hơn, mỗi người một chút, khỏi ai bị thôi việc. Furlough là từ ngữ “ám ảnh” nhất ngày nay ở Mỹ đến nỗi trong họp báo ngày 8-3-2013, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã phải than thở: “Sẽ có những cơ quan, những nhân viên các bộ phận trong Nhà Trắng này bị furlough, bị cắt giảm lương”.

Một tuần sau, ứng viên bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel cũng phải trả lời những câu hỏi như: “Ngân sách Bộ Quốc phòng trong thời gian từ năm 2012 đến 2021 sẽ cắt giảm gần 8% so với kế hoạch trước đó. Ông có tin rằng cắt giảm chi tiêu quốc phòng nhiều như thế có thể thực hiện được mà không gây tác động ngược cho an ninh quốc gia chúng ta?”...

Trong khi đó, ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2013 được loan báo tăng lên 11% vào khoảng 115 tỉ USD. Nếu so với con số năm 2003 chỉ mới là 38 tỉ USD, có thể dự báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc có thể bắt kịp ngân sách quốc phòng Mỹ vốn sẽ bị cắt 8% mỗi năm trong 10 năm tới! Lợi thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đã chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc.

Nợ công, ai đó vay, hưởng lợi; song trả thì cả nước phải è cổ! Có khi mất cả chủ quyền như Cyprus và vị thế như Mỹ.

____________

(1): http://www.eurocompar.eu/salaires-et-revenus.10.datas.htm
(2): http://www.cyprus-mail.com/cyprus/drugs-company-pledges-continuous-supplies/20130323
(3):
http://www.rfi.fr/europe/20130321-chypre-raisons-faillite-Union-europenne-Nicos-Anastasisdes-Russie
(4): http://www.cyprus-mail.com/boc/background-boc-and-laiki/20130324

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận