Bang Florida (Mỹ) kêu gọi tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin của Moderna hồi tháng 8-2020 - Ảnh: AFP
Các chuyên gia lưu ý sẽ không thể có miễn dịch cộng đồng trong giai đoạn đầu do các hãng dược sản xuất chưa đủ vắcxin và phải tiêm ít nhất 2 liều cách tuần mới có hiệu quả.
Thông tin hai loại vắcxin do hãng dược Moderna và Pfizer cùng của Mỹ đạt hiệu quả trên 95% đã thúc đẩy một số nước như Mỹ, Anh, Đức… ban hành các hướng dẫn ưu tiên tiêm chủng mới.
Mặc dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có loại vắcxin nào được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại phương Tây.
Mỹ - Âu ưu tiên người già
Hướng dẫn Chương trình tiêm chủng mới nhất do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành hồi cuối tháng trước đã xếp các cộng đồng người không chiếm đa số tại Mỹ, ví dụ người gốc Hoa, người Mỹ Latin và da đen, vào danh sách "dân số nguy cấp".
Các nhóm này cùng với những người làm việc trong các nhà tù, bệnh viện, cơ sở tâm thần, nhân viên y tế và người trên 65 tuổi có bệnh nền được CDC khuyến cáo "cân nhắc ưu tiên". Đây vốn là những nhóm dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Tại châu Âu, một vùng dịch lớn của thế giới, mỗi quốc gia lại có hướng dẫn ưu tiên khác nhau. Ở Đức, Viện Khoa học quốc gia Đức, Viện Nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh Robert Koch cùng một cơ quan độc lập khác được giao nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn tiêm ngừa vắcxin "công bằng và có trật tự" cho khoảng 30-40% dân số có nguy cơ cao.
Tiêu chí được xét để xếp vào nhóm này là độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Các trung tâm tiêm chủng theo yêu cầu sẽ được phân phối vắcxin trước, song các nhân viên y tế, những người làm trong các dịch vụ công mới là những người đầu tiên được tiêm, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận sẽ mất "nhiều tháng" để tiêm vắcxin cho khoảng 55-65% dân số nếu muốn tạo miễn dịch cộng đồng. Theo Reuters, hiện có khoảng 23 triệu người trên 60 tuổi tại Đức.
Giống như Đức, Pháp cũng lập một ủy ban cố vấn qua đó xác định khoảng 6,8 triệu người ở nước này nằm trong nhóm nguy cơ cao, bao gồm 1,8 triệu người làm trong ngành y tế. Ngoài ra còn có khoảng 23 triệu người cũng được xác định là dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh do tuổi tác hoặc mắc các bệnh mãn tính.
Đáng chú ý, Pháp cũng ưu tiên tiêm vắcxin cho các tài xế taxi và tài xế xe riêng sau khi xác định nhóm này có nguy cơ tử vong cao hơn cả nhân viên y tế. Nhân viên cửa hàng bán lẻ, nhân viên trường học và khoảng 5 triệu người khác làm trong các ngành có tiếp xúc nhiều với công chúng.
Các quan chức cấp cao của Tây Ban Nha và Ý cũng phát đi tín hiệu sẽ ưu tiên các nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có các bệnh nền dễ tử vong nếu nhiễm virus corona.
Trung Quốc tạm dẫn đầu
Số người được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Trung Quốc đã lên tới hàng triệu người, theo Hãng tin Reuters. Bắc Kinh bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắcxin khẩn cấp cho các nhóm có nguy cơ cao, những lao động thiết yếu và người ra nước ngoài làm việc kể từ tháng 7-2020.
Trong thông cáo được phát ngày 19-11, Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) khẳng định đã có hơn 1 triệu người được tiêm vắcxin do tập đoàn này phát triển. Hiện Trung Quốc có 3 loại vắcxin được cấp phép sử dụng khẩn cấp gồm 2 loại của Sinopharm và loại còn lại do Sinovac phát triển.
Vắcxin của Sinopharm được phát triển dựa trên công nghệ dùng virus bất hoạt không thể tái tạo trong cơ thể người và phải tiêm 2 liều. Vắcxin của Moderna và Pfizer sử dụng công nghệ mRNA phức tạp hơn và lần đầu tiên được sử dụng trong ngành sản xuất vắcxin thế giới.
Thái Lan mua vắcxin AstraZeneca của Anh
Theo báo Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nội các nước này đã đồng ý đặt mua của Hãng AstraZeneca (Anh) 23 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 trị giá khoảng 3,469 tỉ baht (tức khoảng 115 triệu USD).
Dù vậy Thái Lan hiện đang nằm trong danh sách thứ 91 chờ mua vắcxin của AstraZeneca. Bộ trưởng Thái Lan cũng cho biết tiền mua vắcxin sẽ lấy từ ngân sách khẩn cấp của chính phủ.
Ngoài ra, Viện Vắcxin quốc gia Thái Lan sẽ được cấp ngân sách 2,379 tỉ baht (tương đương 78,5 triệu USD) để nghiên cứu và phát triển vắcxin trong nước.
Chính phủ Thái Lan đã chỉ thị cho Viện Vắcxin quốc gia mua vắcxin ngừa COVID-19 cho 20% dân số (tương đương khoảng 13 triệu người).
Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, việc đặt trước để sản xuất theo đơn đặt hàng nhằm đảm bảo việc Thái Lan sẽ tiếp cận được vắcxin ngay khi vắcxin này nhận được phê duyệt an toàn ở Anh.
Ngoài ra, hợp đồng với Hãng AstraZeneca cho phép Thái Lan sản xuất thêm vắcxin tại nhà máy ở Pathum Thani. Trước đó, khi ký biên bản ghi nhớ, AstraZeneca đồng ý cho sản xuất vắcxin với sự hợp tác của Công ty sinh học Siam Bioscience của Thái Lan. Chính phủ Thái Lan tin rằng thỏa thuận này đảm bảo vắcxin sẽ có sẵn cho tất cả mọi người có nhu cầu ở Thái Lan và các nước lân cận.
(Ý NGUYÊN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận