06/11/2012 11:38 GMT+7

Ai được ghép gan và cho gan?

Bác sĩ LÊ TUYẾT HOA
Bác sĩ LÊ TUYẾT HOA

TTCT - Ghép gan được xem xét cho những người có gan suy nặng giai đoạn cuối.

Suy gan có thể xảy ra thình lình (suy gan cấp) do nhiễm siêu vi hay tai biến dùng thuốc gây ngộ độc gan cấp tính, hoặc sau thời gian bệnh lâu ngày như xơ gan, xơ gan ứ mật nguyên phát (hệ miễn dịch phá hủy đường mật làm suy gan), teo đường mật bẩm sinh, bệnh Wilson (ứ đồng trong gan và nhiều cơ quan khác), ứ sắt, bệnh quá nhiều Alpha-1 antitrypsin trong gan, ung thư gan.

IeSEFD6H.jpgPhóng to

Nhóm máu và kích thước là quan trọng

Người suy gan được chọn phải có sức khỏe tạm ổn định cho phép chịu được cuộc mổ và đảm bảo thành công tối đa. Họ luôn được thăm khám kỹ, trải qua nhiều xét nghiệm, được một hội đồng chọn lựa ghép gan gồm các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa (bác sĩ chuyên khoa gan, phẫu thuật viên ghép tạng, điều phối viên ghép tạng, bác sĩ gây mê; ở nước ngoài còn có chuyên viên tâm lý) quyết định.

Các xét nghiệm để đánh giá toàn diện sức khỏe gồm nhóm máu, chức năng đông máu, chức năng gan, sàng lọc bệnh viêm gan siêu vi và xét nghiệm HIV; X-quang phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, sinh thiết gan, CT bụng ghi nhận hình ảnh gan, siêu âm Doppler xác định những mạch máu đến và đi từ gan.

Người cho gan có thể là người sống khỏe mạnh. Một phần gan từ người cho khỏe mạnh được cấy vào chỗ lá gan suy. Họ có thể là người cùng huyết thống, vợ chồng hay bạn bè của người nhận; được xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn nhằm giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ. Nhóm máu và kích thước cơ thể là yếu tố quan trọng để xác định người cho thích hợp; tuổi và giới tính không quyết định.

Người cho gan cũng có thể là người đang chết, cụ thể là nạn nhân tai nạn giao thông hay chấn thương sọ não. Tim vẫn còn đập nhưng não đã ngừng chức năng, họ được xem là chết hợp pháp. Trên thực tế, người cho như vậy thường đang nằm viện tại các khoa hồi sức tích cực. Những trường hợp này luôn được bảo mật.

Những sự cố sau phẫu thuật

Một phẫu thuật ghép gan mất 6-12 giờ, gan hư bị cắt bỏ và thay bằng phần gan hiến tặng. Hai biến chứng sau mổ thường gặp nhất là thải ghép và nhiễm trùng. Cơ thể luôn đào thải vật lạ. Gan mới này bị xem là vật lạ nên hệ miễn dịch lập tức tấn công và tiêu diệt nó.

70% bệnh nhân ghép gan đều có hiện tượng thải ghép ở nhiều mức độ. Vì vậy luôn phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống lại sự thải ghép này. Khi đó người nhận gan bị đặt vào tình huống nguy cơ nhiễm trùng rất cao do hệ miễn dịch bị suy yếu.

Tuy nhiên theo thời gian nguy cơ này giảm dần và hầu hết các nhiễm trùng có thể kiểm soát được nếu xảy ra. Thuốc ức chế miễn dịch phải dùng suốt đời. Nếu không bị thải ghép, gan người nhận (và phần gan còn lại của người cho) sẽ đạt được kích thước bình thường sau vài tuần.

Thời gian nằm viện thường 2-3 tuần tùy theo tình hình sức khỏe và biến chứng. Nhóm ghép gan luôn chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi xuất viện, như hướng dẫn cách uống thuốc, theo dõi mạch và huyết áp, biết những dấu hiệu thải ghép, nhiễm trùng và biết khi nào phải liên lạc với bác sĩ.

Có đợt nhiễm trùng hay thải ghép cần phải nhập viện lại. Luôn khuyến khích sự hỗ trợ của gia đình trong việc theo dõi và chăm sóc người được ghép gan.

Những cột mốc lịch sử (*)

Năm 1963 ca ghép gan đầu tiên cho một bé trai 3 tuổi bị teo đường mật bẩm sinh, nhưng bé chết lúc mổ vì chảy máu. Một năm sau đó, năm ca nữa được thực hiện nhưng không ai sống quá 23 ngày.

Nguyên nhân chết không phải do thải ghép mà do gan ghép không đủ máu nuôi nên giảm chức năng, một phần do thuốc ức chế miễn dịch kém hiệu quả đưa đến rối loạn đông máu, nhiễm trùng và suy đa cơ quan.

Năm 1966, khi có huyết thanh kháng lympho bào, bác sĩ Starzl lại tiếp tục ghép gan và thực hiện thành công cho bé gái 19 tháng tuổi bị ung thư gan. Bé sống thêm 13 tháng và chết vì di căn. Trước năm 1968, gan chọn để cho lấy từ người ngưng tim, nhưng thời gian từ lúc ngưng tim đến khi lấy được gan có thể làm gan thiếu tưới máu ảnh hưởng đến sự sống và chức năng của gan.

Đến năm 1968, tại châu Âu luật pháp mới cho phép lấy gan từ người chết não và có ca ghép gan thành công. Nhưng 70% người nhận gan vẫn chết sau phẫu thuật vài tháng, tỉ lệ sống một năm còn thấp dưới 20% nên ghép gan chỉ là giải pháp sau cùng.

Phải đến năm 1983, tức mất 20 năm vất vả, y học mới có đủ chứng cứ kết luận ghép gan là phương pháp điều trị khả thi, kéo dài đời sống. Quy trình lấy và bảo quản gan, kỹ thuật ghép được hoàn thiện dần, thuốc ức chế miễn dịch tốt hơn góp phần cho sự thành công.

Nhưng không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chọn đúng người bệnh và quyết định thời điểm ghép rất quan trọng. Tuy tỉ lệ sống một năm và năm năm hơn 85% và 70%, nhưng những biến chứng liên quan hay không do gan, tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch, và khả năng tái phát bệnh gan ban đầu (ví dụ viêm gan B, C) đã khiến không ít người ngần ngại chọn giải pháp này.

____________

(*): Lược dịch từ N Engl J Med 2012; 367:1483-1485

Bác sĩ LÊ TUYẾT HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên