TTCT - Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ là một phần chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề là nước Mỹ được gì, mất gì, và có ai đó được gì trên ván cờ Trung Đông? Các tín đồ Hồi giáo tập hợp trước Nhà Trắng ở thủ đô Washington (Mỹ) thứ sáu tuần trước để phản đối tuyên bố của ông Trump về Jerusalem -Ảnh: BBC Dư luận thường cho rằng ông Trump là một nhân vật khó đoán vì những phát biểu cùng những dòng Twitter bốc đồng của ông. Trong góc nhìn khác, cảm nhận đó không khớp với hành vi của ông kể từ khi nhậm chức, từ các quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và hiệp định TPP, những đạo luật sau đó như luật hạn chế nhập cư, luật thuế mới, đến dẹp Obamacare (chưa xong), kế hoạch xây tường thành với Mexico (chưa bắt đầu)... Không quá đáng khi nhận xét rằng ông Trump muốn chứng tỏ là người “nói là làm”. Xóa sạch bàn cờ cũ Ông không giấu giếm điều đó. Hôm thứ tư tuần rồi, ông mở đầu bài phát biểu về vấn đề Jerusalem của ông như sau: “Khi nhậm chức, tôi đã hứa sẽ nhìn vào những thách thức của thế giới bằng đôi mắt mở và cách suy nghĩ hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề của chúng ta bằng cách cứ tạo nên những giả định sai lầm và cứ lặp lại những chiến lược đã từng thất bại trong quá khứ. Những thách thức cũ nay đòi hỏi những cách tiếp cận mới”. Với phát biểu ấy, ông muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo của sự thay mới và quyết đoán trong thực hiện. Và ông trịnh trọng tuyên bố: “Thông báo của tôi hôm nay đánh dấu sự bắt đầu của một cách tiếp cận mới đối với xung đột giữa Israel và Palestine... Tôi đã dứt khoát xác định rằng nay đã đến thời điểm chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”. Khó có thể bắt bẻ gì ông Trump. Do lẽ ông chỉ làm đúng luật mà thôi. Số là vào năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Đại sứ quán Jerusalem, kêu gọi chính phủ liên bang dời sứ quán Mỹ tới Jerusalem, và quan trọng hơn cả thừa nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Đạo luật này đã thông qua quốc hội với đa số áp đảo và được khẳng định lại bằng một cuộc bỏ phiếu nhất trí của thượng viện cách đây chỉ sáu tháng. Thật ra, ông Trump đã chỉ nói phân nửa sự thật khi thuật lại việc này, ông đã lờ đi một thực tế là vào lúc đó tổng thống Bill Clinton đã từ chối ký duyệt đạo luật đó, cho rằng đạo luật đã vượt quá thẩm quyền của quốc hội do quyền quyết định chính sách đối ngoại là của hành pháp, tức tổng thống, chứ không của lập pháp. Đó là lý do các tổng thống kế tiếp cứ tiếp tục đình hoãn thực thi đạo luật này. Bằng tuyên cáo ngày 6-12, ông Trump viết lại trang sử về đạo luật Đại sứ quán Jerusalem. Đến đây, ông “tố” các tiền nhiệm của ông, bất luận đảng Cộng hòa hay Dân chủ: “Sau hơn 20 năm đình hoãn, nay chúng ta càng không gần đến một thỏa hiệp hòa bình dài lâu giữa Israel và Palestine. Sẽ là điên khi cho rằng lặp lại cũng công thức đó sẽ đem lại một kết quả tốt hơn. Thế nên, tôi đã dứt khoát quyết định thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong khi các tổng thống trước đây đều tập trung hứa hẹn điều này khi tranh cử, và rồi họ chẳng thực hiện được. Thì tôi ngày hôm nay tôi thực hiện”. Không chỉ “tố” các tiền nhiệm trong thông điệp chính thức trên, ông còn chế giễu trên Twitter với tựa đề “Tôi đã thực hiện lời hứa tranh cử của tôi, các người khác thì không” kèm đoạn video phát biểu của các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama về Jerusalem. Đây không chỉ là một sự chế giễu vì thôi thúc muốn chứng tỏ ông là người “nói là làm” mà còn là một sự phủ định giá trị của ba người tiền nhiệm này, bất luận thuộc đảng nào, xóa sạch cái nền móng tinh thần của thiết chế “vì dân, do dân” của Hoa Kỳ khi “tố” rằng “các người khác không giữ lời”. Bàn cờ mới bất trắc Ông Trump đã cố cho thấy ông đã cân nhắc và tính toán kỹ: “Tôi đã đánh giá hành động này nhằm đạt được lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ và theo đuổi hòa bình giữa Israel và Palestine... Chúng tôi muốn có một thỏa thuận tốt cả cho người Israel và Palestine. Chúng tôi không nghiêng về bất cứ vấn đề quy chế chung cuộc nào, bao gồm vấn đề các ranh giới cụ thể chủ quyền của Israel ở Jerusalem, hoặc việc giải quyết các ranh giới có tranh chấp. Những câu hỏi này tùy thuộc vào các bên liên quan. Hoa Kỳ sẽ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu hai bên đồng ý”. Thật ra, việc tuyên cáo thừa nhận Jerusalem chỉ là một bước trong chính sách Trung Đông của ông Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường Riyadh ở Saudi Arabia ngày 21-5, ông Trump đã vạch rõ ai là bạn, ai là thù như là nền tảng chính sách Trung Đông của ông: “Từ Libăng cho tới Yemen, Iran tài trợ, vũ trang, huấn luyện các phần tử khủng bố và các dân quân, các nhóm cực đoan khác nhằm lan truyền sự tàn phá và hỗn loạn trong khắp khu vực. Trong nhiều thập kỷ, Iran đã châm dầu vào bao cuộc hỏa hoạn mang tính xung đột tông phái và bạo lực... Cho đến khi chế độ Iran sẵn sàng trở thành một đối tác vì hòa bình, tất cả các quốc gia có lương tâm phải cùng nhau cô lập Iran, không cho Iran tài trợ cho khủng bố...”. Trong bàn cờ thế Trung Đông mới bày ra đó ở Riyadh, ngoài Iran, ông Trump còn “vạch tội” Qatar: “Qatar, không may, đã từng là một nhà tài trợ khủng bố ở mức rất cao”. Hậu quả là từ sau hội nghị đó, các quốc gia vùng Vịnh đã tụ họp lại để đối đầu với Qatar. Thường thì người ta thêm bạn bớt thù, song ông Trump ở Trung Đông lại khác: thêm thù bớt bạn. Bằng vài dòng tweet ngắn ngủi, ông xóa sạch mối quan hệ đồng minh với Qatar và đẩy Qatar về phía Iran. Trong khi có những nước ao ước biết bao và đổ tiền của để hi vọng có được một căn cứ quân sự ở nước ngoài như Trung Quốc với căn cứ hải quân ở Djibouti (Đông Phi) hay Nga với thỏa thuận lập căn cứ ở Ai Cập, thì đùng một cái hôm 19-7, ông Trump tuyên bố sẵn sàng rút quân ra khỏi Qatar, theo tờ Business Insider. Công lao lập được căn cứ không quân al-Udeid của những người tiền nhiệm ông Trump suốt từ sau “Bão tố sa mạc” năm 1991 trong chớp mắt đổ xuống bể. Căn cứ khổng lồ này đang là tổng hành dinh của Bộ tư lệnh trung tâm quân đội Mỹ (CENTCOM), điểm tập kết và xuất phát không quân Mỹ, Anh và liên quân trong các cuộc chiến Iraq, Afghanistan và Syria, đến tháng 9 có tin là đang được “sang” cho Thổ Nhĩ Kỳ, theo PressTV. Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Al-Udeid, Nga “rảnh nợ” rút quân khỏi Syria. Đến cuối tháng 11, có tin các đơn vị Mỹ này sẽ dời sang Jordan. Tờ Egypt Today 30-11 cho biết: “Quốc hội Mỹ đã đồng ý bổ sung 143 triệu USD cho ngân sách Bộ quốc phòng nhằm nâng cấp căn cứ chiến lược sát biên giới Jordan với Syria và Iraq”. Tờ báo Ai Cập này không quên nhận xét về ông Trump cùng thái độ đối với đồng minh của ông: “Khi bộ tứ quốc gia Ả Rập cắt đứt quan hệ với Qatar vào tháng 6, Hoa Kỳ đối diện một tình hình phức tạp là trung tâm tác chiến không quân chống lại IS trong khu vực, căn cứ Al-Udeid lại nằm trên đất Qatar. Khi cuộc chiến sôi động lên và tháng 6-2017 tại căn cứ này đã có đến hơn 11.000 quân nhân Mỹ và liên quân cùng hơn 100 máy bay hoạt động. Vào thời điểm đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trấn an người Mỹ và Saudi Arabia rằng: “Nếu chúng ta phải rời khỏi Al-Udeid, sẽ có 10 quốc gia sẵn sàng xây dựng cho chúng ta một căn cứ khác. Hãy tin tôi đi và họ sẽ trả tiền cho nó”. Đến ngày 12-12, tờ báo này đưa tin: “Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) có kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Istanbul nhằm thảo luận về các diễn biến gần đây trong khu vực, đặc biệt liên quan đến tình hình Jerusalem”. Và cho biết hôm thứ hai, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Cairo bàn về cách đối phó với loan báo của Mỹ. Các nguồn tin Palestine tại Ramallah cho biết Tổng thống Abbas dự định loan báo sẽ trục xuất Hoa Kỳ ra khỏi bất cứ đàm phán nào giữa Palestine với Israel”, đồng thời hé lộ: “Ông Abbas đã có được hậu thuẫn của EU, Nga, Trung Quốc, nhiều quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an cùng các nước Ả Rập, đặc biệt là Ai Cập và Saudi Arabia”. Phản ứng với quyết định của ông Trump không chỉ khu trú ở khu vực. Ngay cả từ Malaysia, cách Jerusalem trên 7.500km, Bộ trưởng quốc phòng nước này là ông Hishammuddin Hussein cũng lên tiếng: “Đây là một cái tát vào mặt cả thế giới Hồi giáo. Malaysia sẵn sàng gửi quân sang giúp Palestine. Chúng tôi sẵn sàng nhận bất cứ mênh lệnh nào từ tổng tư lệnh quân lực”, theo CNBC ngày 10-12. Tất nhiên đây chỉ là phản ứng của bộ trưởng quốc phòng Hussein chứ không phải của Thủ tướng Najib Razak song cũng phản ánh vị trí của Hoa Kỳ sau gần một năm dưới trào ông Trump ở khu vực này. Câu hỏi đặt ra trong mọi trường hợp sự cố như thế này là: Ai mất gì? Ai được gì? Trong ván cờ quốc tế giữa ông Putin và ông Trump, dường như ông Trump tự thí xe, pháo nhiều hơn. Có vẻ như ông Trump đang “biếu không” từng mảng thế lực Mỹ ở đây, ở kia cho ông Putin. Có khi trực tiếp “biếu không” như quyết định Jerusalem, có khi vô tình “biếu không” vì chính tính khăng khăng ý mình của ông Trump nên dễ dự báo trước.■ ABBA có một bài hát rất thích hợp vào lúc này, The winner takes it all (Kẻ thắng giành tất cả). Rốt cuộc từ thế bị động, vất vả lắm mới cứu được ông bạn Assad ở Syria thoát khỏi những tố cáo tàn sát dân thường bằng vũ khí hóa học tới nguy cơ thất thủ trước IS cùng các nhóm đối lập vũ trang, ông Putin đã không những cứu được chế độ Assad mà còn đặt được căn cứ hải quân và phòng không ở Syria, ngay trên đầu Israel. Cũng thế, từ vị trí đối thủ không khoan nhượng của một Erdogan ngày nào còn sôi sục ở vị trí tuyến đầu xông xáo nhất của NATO, chỉ bằng một chuỗi phản ứng sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở biên giới Syria, ông Putin đã buộc ông Erdogan, từ thế khăng khăng không xin lỗi, qua thế “đầu hàng”. Cú đảo chính bất thành do phe tướng tá Thổ thực hiện càng khiến ông Erdogan bám chặt ông Putin và “đổi màu cờ” nằm trong trục Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ từ nay khống chế hầu như toàn thể Trung Đông. Nếu nhớ lại ước ao của một chính khách Nga theo dân tộc chủ nghĩa của thập niên 1990, Vladimir Zhirinovsky, rằng một ngày nào đó “binh sĩ Nga sẽ giặt giày bốt của mình trong nước ấm của Ấn Độ Dương”, thì nay ông Putin đã coi như đang hoàn thành ước ao đó. Muốn chiến thắng, phải khơi dậy được lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, phải biết lạnh lùng, tàn nhẫn, quyết đoán. “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” là chìa khóa của mọi cuộc chiến tranh. Trên một bình diện khác, cuộc can thiệp quân sự thành công ở Syria đã là cơ hội đầu tiên sau chiến tranh lạnh cho phép Nga thử nghiệm và quảng bá vũ khí, giành lấy ưu thế trên thị trường vũ khí thế giới. Các hãng buôn vũ khí Nga nay có chân rết quảng cáo khắp mọi nơi. Tags: Trung ĐôngJerusalemBàn cờ Trung Đông
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.