Lá gan khỏe (bên trái) và gan bệnh lý
Điều này rất đáng lo ngại vì toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa phải đi qua gan để chuyển hóa hoặc giải độc trước khi về tim, nên gan sẽ là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất.
Sau khi uống vào thì 90% lượng rượu bia đó sẽ tiến thẳng tới gan, khiến gan nhiễm độc nặng nề. Khi tế bào gan bị hư tổn và chết nhiều sẽ khiến gan suy giảm khả năng giải độc. Các độc tố ứ đọng trong gan ngày một nhiều càng làm gan nhiễm độc nặng nề hơn.
Tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và gan không còn khả năng tái tạo và phục hồi nữa. Có đến 90% người thường xuyên dùng rượu bia bị gan nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến viêm gan, rồi xơ gan, thậm chí ung thư gan. Tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ dần thuyên giảm nếu người bệnh uống ít hoặc ngừng uống rượu bia.
Những ai uống rượu bia dễ xơ gan?
- Thứ nhất là khi người đó uống nhiều hoặc lạm dụng rượu bia.
Một người trưởng thành uống trên 1 đơn vị rượu mỗi ngày được xem là lạm dụng rượu bia. Uống nhiều và kéo dài là khi nam giới uống >21 đơn vị rượu/1 tuần và nữ giới uống >14 đơn vị rượu/1 tuần kéo dài trên 2 năm.
Theo quy ước, 1 đơn vị rượu tương đương 30ml rượu mạnh 40 độ hoặc 100ml rượu vang 13,5 độ hoặc 330ml bia hơi hoặc 2/3 lon bia thường bán trên thị trường.
Một người uống rượu bia kéo dài sẽ có nguy cơ bị xơ gan cao gấp 3 lần người không uống. Nữ giới chỉ cần uống rượu bia thì nguy cơ xơ gan bắt đầu tăng theo cấp số nhân, còn nam giới bắt đầu có nguy cơ xơ gan khi uống trên 1 ly mỗi ngày.
- Thứ 2 là những người có yếu tố gene, di truyền liên quan đến sự "nhạy cảm của gan".
Một người có cơ địa về gene khiến gan nhạy cảm dễ tổn thương, hoặc có bệnh lý về gan có tính di truyền trong gia đình, thì với cùng một lượng rượu bia uống vào, người đó sẽ có nguy cơ xơ gan cao gấp 4 lần người không có cơ địa gene nhạy cảm.
Vì vậy, hãy cẩn trọng với lượng rượu bia uống vào khi có người thân ruột thịt trong gia đình có bệnh gan.
- Thứ ba là những người mắc đái tháo đường/tiểu đường: với cùng một lượng rượu bia uống vào, một người mắc đái tháo đường dễ bị xơ gan gấp đôi người không có bệnh này.
Ngoài ra, các yếu tố khác như thừa cân, béo phì, thói quen uống rượu ngoài bữa ăn, mắc hội chứng chuyển hóa khác và lớn tuổi cũng làm gia tăng nguy cơ xơ gan khi uống rượu bia.
Vậy, nếu có thói quen uống rượu bia, hoặc do tính chất công việc, chúng ta vẫn nên hạn chế lượng nạp vào nằm trong ngưỡng theo hướng dẫn. Nam không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày (dưới 2 lon bia), nữ không uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (dưới 1 lon bia), chỉ nên uống tối đa 5 ngày trong tuần.
Vậy người có bệnh gan nên lưu ý gì khi ăn để bảo vệ lá gan, làm chậm tiến triển đến xơ gan?
Bảo vệ gan thế nào?
● Người bị bệnh gan cần tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị. Bên cạnh đó cần bổ sung các loại hoa quả, rau xanh nhiều chất xơ như: táo, chuối, cà rốt, gạo lứt, cam, quýt, bưởi...
● Nên uống đủ nước trong ngày, không uống quá nhiều một lần, ưu tiên các loại nước cam, chanh vì chúng giàu vitamin C rất tốt cho sức khỏe gan mật. Tuyệt đối không nên uống bia, rượu dù chỉ là một lượng nhỏ, vì khi có bệnh gan, gan rất dễ tổn thương và suy giảm chức năng giải độc.
● Đối với người bị xơ gan nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít. Rất nhiều người nghĩ rằng khi bị bệnh gan cần hạn chế lượng đạm ăn vào để gan làm việc ít hơn.
Tuy nhiên, suy nghĩ này không hoàn toàn đúng. Khi thiếu đạm cơ thể dễ suy dinh dưỡng, miễn dịch kém. Nên việc ăn bao nhiêu đạm một ngày đối với người bị xơ gan tùy thuộc vào xơ gan giai đoạn nào, chức năng gan hiện tại và tình trạng đạm ra sao.
Tốt nhất, người xơ gan nên hỏi bác sĩ điều trị của mình để biết lượng đạm ăn vào. Còn những người có bệnh gan nhưng chức năng gan chưa bị ảnh hưởng, vẫn nên ăn đủ dinh dưỡng, đủ đạm, tránh kiêng khem quá mức khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng.
● Người bệnh gan cần tránh hút thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn vì chúng chứa chất phụ gia, chất gây độc cho gan.
● Thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao đề kháng, không tự ý sử dụng các loại thuốc, kể cả thực phẩm chức năng, nên chủ động thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện biến chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận