26/06/2020 13:44 GMT+7

Ai dễ có nguy cơ bị lây bệnh bạch hầu?

LAN ANH - M.ANH
LAN ANH - M.ANH

TTO - Các bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi... dù là người lớn hay trẻ em.

Ai dễ có nguy cơ bị lây bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Các bác sĩ khám sàng lọc, lấy mẫu tầm soát bệnh bạch hầu ở Krông Nô, Đắk Nông - Ảnh: TÂM AN

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện sớm, có thể điều trị khỏi bệnh bằng kháng sinh.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. 

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắcxin đủ liều và đúng lịch. Bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết tại Trung tâm tiêm chủng trực thuộc Viện, đã có thêm người đến tiêm chủng mũi vắcxin bạch hầu nhưng số lượng chưa đông.

"Giai đoạn chuyển đổi vắcxin 5 trong 1 cách đây 2 năm, tỉ lệ tiêm mũi 5 trong 1 (có thành phần ngừa bạch hầu) giảm xuống dưới 90%. Thời điểm giãn cách xã hội tháng 4 vừa qua cũng có hơn 1 tháng tạm ngưng tiêm chủng, dù chúng tôi đã chỉ đạo tiêm vét nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định sót mũi tiêm hoặc chưa tiêm" - bà Hồng cho hay. 

Cũng theo bà Hồng, trẻ được tiêm miễn phí mũi 5 trong 1 có bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi, nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm hơn, nhóm nguy cơ cao hơn thì đối tượng dễ bị tác động lại là trẻ lớn. 

Theo lý giải của bà Hồng, nhóm trẻ nhỏ ít nhất cũng đã từng tiêm một vài mũi vắcxin, nhưng trẻ lớn thì tiêm đã lâu, nguy cơ cao hơn. Mặt khác, giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin TD (ngừa bạch hầu và uốn ván) nhưng mới triển khai được đến nhóm dưới 7 tuổi và mới tiến hành được ở 30 tỉnh thành nguy cơ cao.

Hiện các chuyên gia đề nghị mở rộng các tỉnh được tham gia chiến dịch này để tiêm vét, tiêm bổ sung cho các cháu đang bị thiếu mũi hoặc chưa tiêm, bên cạnh đó là thay mũi uốn ván đơn thành mũi TD cho cả trẻ em và phụ nữ chuẩn bị có thai. 

"Ở nước ngoài người ta đã tiêm ngừa vắcxin có thành phần bạch hầu đến mũi thứ 6, cho cả trẻ 14-15 tuổi, chúng ta mới tiêm đến mũi thứ 5 và lứa tuổi tiêm nhỏ hơn" - bà Hồng nói. 

Vì sao bạch hầu nguy hiểm?

Theo bà Hồng, do bệnh diễn biến cấp tính và có biến chứng đến tim, các trường hợp bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Biểu hiện của bệnh ban đầu là ho, sốt, dễ nhầm với hàng loạt căn bệnh khác, nên các bác sĩ hướng dẫn nếu có tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ bệnh, có ho, sốt thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Tại đây bác sĩ dễ dàng phân biệt bệnh có phải bạch hầu không, do bệnh nhân bạch hầu có giả mạc màu trắng hoặc xám ở thành họng. Người có tiếp xúc với bệnh nhân (nhóm nghi nhiễm bệnh) sẽ được uống vắcxin dự phòng. Tại Đắk Nông, đã có 10.000 liều vắcxin được chuyển đến khu vực có ổ bệnh.

Người lớn có cần tiêm ngừa bạch hầu?

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo để phòng bệnh bạch hầu, cần tiêm vắcxin bạch hầu đủ mũi và đúng lịch cho trẻ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch - gồm cả người lớn, trẻ em, cần uống thuốc phòng và tiêm vắcxin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Người lớn ở ngoài vùng dịch cũng có thể tiêm ngừa để phòng bệnh. Qua khảo sát tại Viện Pasteur TP.HCM và một số điểm tiêm chủng ở TP.HCM ngày 26-6, chi phí một mũi tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván hiện tại vào khoảng 620.000 - 700.000 đồng một mũi.

Ai dễ có nguy cơ bị lây bệnh bạch hầu? - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: NGỌC THÀNH

16 người tiếp xúc gần bệnh nhân bạch hầu ở TP.HCM đều âm tính 16 người tiếp xúc gần bệnh nhân bạch hầu ở TP.HCM đều âm tính

TTO - Thông tin này vừa được Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) xác nhận với Tuổi Trẻ Online liên quan đến việc cách ly 16 người tiếp xúc gần với bệnh nhân bị bệnh bạch hầu ở TP.HCM.

LAN ANH - M.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên