Chúng ta thường nghe người này người kia mới sáng gặp đó, tối đã ra đi vì đột quỵ. Vì vậy có thể nói "đột quỵ" là nỗi ám ảnh của không chỉ riêng ai.
Ai dễ bị đột quỵ?
Đột quỵ thường xảy ra trên người bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch, có bệnh lý về tim (thiếu máu cơ tim), bệnh lý về não (nhồi máu não cũ, cơn thiếu máu não biểu hiện bằng rối loạn tiền đình, cơn đau đầu…).
Tại sao lại “quỵ”? Người cao huyết áp mạch máu vốn giòn, khả năng thun giãn kém, lại không uống thuốc đều đặn, mất ngủ, tức giận làm huyết áp tăng vọt lên và mạch máu não bị vỡ ra, thân thể đổ gục xuống trong cơn thịnh nộ. Hoặc bị tiểu đường, bị rối loạn chuyển hóa nên mỡ trong máu tăng, thành mạch xơ vữa, máu chảy với tốc độ chậm lại, các yếu tố gây đông máu xúm lại ở vùng này, tạo ra cục máu đông. Cục máu di chuyển theo dòng tuần hoàn đến não thì dừng lại gây tắc mạch não, người bệnh té xuống bất kỳ nơi nào (trong nhà tắm, ngoài đường…). Như thế gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Những người có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc bị stress triền miên, mạch máu bị tổn thương là yếu tố thuận lợi cho đột quỵ dễ xảy ra. Các nhà thần kinh học nhận thấy những người bị gút, những người có nồng độ axit uric cao có số điểm trắng (điểm "chết" trên não khi nơron bị thiếu oxy) cao gấp 2,6 lần so với người bình thường. Đặc biệt, những người trên 60 tuổi có nồng độ axit uric cao thì số điểm trắng cao gấp 5 lần bình thường.
Các nhà khoa học Phần Lan theo dõi gần 16.000 người lại thấy nhậu làm tăng khả năng đột quỵ lên 36% so với những người không nhậu. Ngủ ngáy có ngưng thở trong khi ngủ có thể làm đặc tiểu cầu (yếu tố quan trọng trong đông máu), và tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Có phải trẻ em không bị đột quỵ? Không phải thế, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, dị dạng mạch máu não, bệnh hồng cầu hình liềm (thalassemie), sốt xuất huyết, bị chấn thương vùng đầu và có cả những trẻ chưa tìm ra nguyên nhân cũng tự nhiên bị đột quỵ!
Hậu quả là gì?
Một phần tế bào thần kinh không được nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, nếu không cấp cứu kịp thời tử vong khoảng 18% ngay trong giờ đầu; số đột quỵ vì thiếu máu cục bộ điều trị tích cực sẽ phục hồi khả năng làm việc, số không cấp cứu kịp hoặc vỡ mạch máu thì di chứng liệt nửa người, giảm hoặc mất khả năng học tập và lao động.
Làm sao biết là bị đột quỵ?
Nếu bạn thấy thỉnh thoảng tay chân tê dại, co giật hoặc đôi khi mất điều khiển. Nếu tự nhiên thấy nhìn mờ, hình ảnh nhòe đi hoặc một bên mắt thấy yếu hẳn đi. Nếu bạn thấy một nửa cơ thể cử động kém. Nếu bạn thấy có lúc nói khó, nghĩ thế này lại nói ra khác đi, có lúc thoáng quên. Nếu bạn thỉnh thoảng có những cơn đau đầu dữ dội. Nếu bạn tự nhiên bị chóng mặt, loạng choạng…
Tất cả những bất thường ấy đều phải đến bệnh viện kiểm tra và chớ coi thường. Một số người (đặc biệt là đàn ông béo phì) tự nhiên loạng choạng, té xuống đất vợ và con tưởng “trúng gió” đè ra cạo hoặc cắt lễ, thì vô hình chung làm mất đi khả năng cứu sống trong những giờ đầu. Đây là cấp cứu và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phát hiện sớm đột quỵ bằng mẹo nhỏ:
Hiện nay các Bác sĩ thần kinh cho rằng những người chung quanh có thể phát hiện một cơn đột quỵ bằng 3 bước đơn giản như sau :
S (Smile - Cười) Yêu cầu người đó cười
T (Talk - Nói) Yêu cầu người đó nói một câu bình thường ví dụ "lô cốt đã dỡ hết"
R (Raise both arm– Đưa hai tay lên) yêu cầu đưa hai tay lên cao
Nếu người ấy tỏ ra bị khó khăn để thực hiện một trong 3 yêu cầu trên thì hãy gọi ngay xe cấp cứu, và mô tả các dấu hiệu này cho người nhận bệnh. Phát hiện sớm những trường hợp thiếu máu cục bộ thì nguy cơ tàn phế sẽ không xảy ra.
Đã bị đột quỵ rồi có tái phát không?
Có. Nguy cơ tái phát luôn rình rập nếu bạn không kiểm soát được những yếu tố phát động đột quỵ (tiểu đường, mỡ trong máu cao, uống rượu, bia, hút thuốc lá). Theo thống kê thì trong những người thoát chết 30% sẽ tái phát đột quỵ ở 5 năm đầu. Khả năng cứu sống ở lần thứ 2 sẽ khó khăn hơn lần đột quỵ thứ nhất.
Phòng đột quỵ :
Theo nhiều nghiên cứu, muốn giảm nguy cơ đột quỵ thì:
(1) Không hút thuốc lá.
(2) Giữ cân nặng ở mức lý tưởng.
(3) Hoạt động thể lực (chơi thể thao hoặc tập thể dục) đều đặn mỗi ngày.
(4) Chế độ ăn không có mỡ động vật, dùng đa dạng rau củ, trái cây ít ngọt, đạm từ cá, gà, các hạt đậu.
(5) Uống bia, rượu ít đến mức với phụ nữ không quá một ngụm một ngày, với nam giới không quá hai ngụm một ngày. Đó là chưa kể nên giữ cơ thể cân bằng, tránh stress.
Vậy là muốn phòng tránh đột quỵ bạn phải có chế độ ăn uống hợp lý, bữa ăn cân đối và rèn luyện một lối sống năng động (hoạt động thể lực) quả là không khó nhưng ở ta thường thì “mất trộm rồi mới rào giậu”.
Những người đang uống thuốc hạ huyết áp phải dùng thuốc thường xuyên và theo dõi huyết áp sáng, chiều.
Đặc biệt tránh tức giận, mất ngủ là những yếu tố làm tăng huyết áp dễ dẫn đến đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận