TTCT - Đời người, mấy chốc còn bị bỏ quên nhau thì ai hơi đâu thắc mắc tên một cái cây, cần gì, cứ tới mùa là nó trổ bông lấp lánh. Minh họa: Đức TríChị bán nước dừa ở trước cái nhà thờ cổ, nơi mà khách du lịch vẫn hay tìm đến và ghé lại, lắc đầu quầy quậy khi tôi hỏi: Chị ơi, cái cây nở bông trắng kia là cây gì đó chị?“Ờ, cây gì hen. Tui hổng biết”. Chị quay qua thằng nhóc đội cái nón lưỡi trai lật ngược, hỏi nó: “Cây đó tên gì mậy?”. Thằng nhỏ nhăn nhó: “Biết đâu, bà nội!?”.Rồi nó đưa cái miệng vừa thốt ra câu đó, qua phía khách đang chạy môtô tạch tạch vô cổng nhà thờ: “Anh chị ơi, để xe đây đi tui coi giùm cho, coi không tính tiền, ra có uống nước thì uống”.Nhưng mấy “anh chị ơi” mà nó gọi, không một ai ngoái lại, họ chỉ chú mục vô nhà thờ, dong thẳng xe hướng vào trong cổng. Với thằng nhóc, việc bị từ chối cũng bình thường thôi. Bởi vì nó quét cái câu nói thuộc lòng đó vô hết thảy những người khách vào tham quan nhà thờ. Đây còn là cái câu đầy đủ chủ vị nhất từ miệng nó thốt ra. Các câu khác nó nói đều theo kiểu giật cục: “Bán trái dừa kìa, bà nội”, “Để đó dắt xe cho”, “Chợ sát đằng kia...”.Tôi đã ngó quanh tìm “bà nội” nhưng chẳng thấy ai xứng với danh từ này của nó cả. “Bà nội” chỉ là một lối xưng hô theo cách thân thuộc của nó. Thằng nhỏ cỡ 15 tuổi, còn chị bán nước dừa chắc trên dưới bốn năm mươi. Cái mặt của chị nám ở hai bên gò má, khiến khó đoán biết tuổi tác. Kiểu nám như vầy, giờ quen lắm ở phụ nữ nông thôn, phần nhiều không phải lý do vì nắng, mà đa số bởi tác hại của những hủ kem trộn bán khắp chợ.Chuyện cái cây khiến chị bán nước dừa te tái qua hỏi người bán nước mía, cũng nhận cái lắc đầu. Lại hỏi tiếp người bán cà rem và trái cây ở cái góc gần cái cây nhất. Người này có vẻ tỏ tường hơn: “Cái cây đó hả? Cứ tới mùa nắng là nó trổ bông. Tui ở đây cũng năm, bảy mùa bông rồi. Ờ, mà tên gì, tui cũng chưa từng nghe mấy cha trong nhà thờ gọi”. “Mà hỏi tên cái cây chi vậy?” - chị ta hỏi lại.Những người phụ nữ lúc này, thảy đều quay qua nhìn người khách lạ là tôi, người ném cái thắc mắc vẩn vơ chẳng dính líu kia ra. Ờ ha, hỏi để làm chi? Chuyện cái cây, có ích gì với những người ở đây. Khi mà cuộc sống của họ là đợi và giành nhau từng người khách tham quan. Cái chuyện áo cơm, buôn bán và những quẩn quanh buồn tẻ đời người.Đâu có ích gì đâu, chẳng qua, nó có thể là cái cây khiến tôi chú ý bởi vì nó rộ lên những chùm bông trắng giữa những cái cây đầy lá xanh khác ở xung quanh. Khi nó trổ bông, nó trở nên khác biệt và nổi bật hơn hẳn, và khiến cho một khách du lịch vội vàng và hờ hững, bỗng thấy quý hóa quá chừng khoảnh khắc này. Chỉ khoảnh khắc này thôi.Khoảnh khắc mà thằng bé đội mũ lưỡi trai lật ngược và chị bán nước dừa mắt sáng lên với mỗi bóng dáng người khách sượt ngang. Những người khách ấy, với họ, chính là những bông hoa nở bừng. Dù trong số ấy, chắc được vài người ghé lại. Người ta vẫn luôn ám ảnh sự chụp giựt, giả dối ở những chỗ tạm bợ như vầy.Và, vì đã ghé lại rồi, ngồi xuống và chờ trái dừa bưng ra từ tay người phụ nữ “chặt dừa ba nhát”, thức uống luôn đính kèm lời hỏi thăm: “Em ở trong Sài Gòn hả? Thằng nhỏ này định vô trỏng kiếm việc làm đây nè. Chị chưa cho nó đi. Chắc ít bữa nữa...”. Bỏ lửng câu nói, chị bán nước dừa dòm về thằng bé trai, rồi kể: “Nó là cháu tui. Cha mẹ bỏ nhau. Rồi không ai chịu nuôi. Giờ bỏ con sao dễ quá”.Đời sống khiến tôi rớt nhanh ra khỏi chỗ mơ màng, chẳng làm sao kết nối được sự này với sự kia. Trong khi tôi đang thắc mắc về tên một cái cây thì đời sống vẫn rất bận rộn. Bận quá đến nỗi, ba má thằng bé bỏ đi đâu cỡ hơn mười năm vẫn không quay lại đón nó. Và vậy, nó cứ trôi sượt qua những ngày tự mình mồ côi. Cái nón lưỡi trai lật ngược, cái mặt xương xương nổi vài hột mụn, cái dáng ôm ốm của tuổi nhổ giò. Ánh mắt hanh hao của nó khiến tôi nhớ đến ánh mắt của đứa cháu họ, cũng năm nào đó, nó ngồi miết ngoài hiên ngóng mẹ “đi làm ăn xa”. Đó là những ngày tết, nên nó chắc chắn mẹ nó sẽ về. Và, sau đó, là không còn có ai có thể đem lại cho nó niềm tin nào nữa, sau những ngày nó ngồi ngoài hiên chờ trong vô vọng.Người ta có thể bình lặng sống đời như cây, phát triển một cách tự nhiên, rồi cả cho đến khi trổ bông, cũng không cần ai biết đến tên mình? Chắc là không thể, đời người khác cái cây, dù ngắn hay dài, cũng luôn cần có ai đó thương yêu, quyến luyến.Đời người, mấy chốc còn bị bỏ quên nhau thì ai hơi đâu thắc mắc tên một cái cây, cần gì, cứ tới mùa là nó trổ bông lấp lánh.■ Tags: Tạp bútCâyTrổ bông
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).