04/04/2019 09:06 GMT+7

Ai, đang tìm gì trên mạng?

HÂN MINH
HÂN MINH

TTO - Giữa dòng thời sự những tranh luận về sức hút của những trang mạng triệu người theo dõi hiện nay, thử nhìn lại sự tác động của thế giới ảo với đời thực. Ai, đang tìm gì trên mạng? Tuổi Trẻ giới thiệu 3 ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Ai, đang tìm gì trên mạng? - Ảnh 1.

Những kênh giáo dục dù chất lượng và hữu ích nhưng rất khó kiếm người theo dõi - Ảnh: Đ.T.

Ngày 3-4, kênh Khá Bảnh chính thức đã bị YouTube xóa tài khoản khỏi mạng xã hội video này. Lý do của việc xóa bỏ được YouTube thông báo ngắn gọn: "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube".

Người dùng nếu vào YouTube tìm kiếm từ khóa Khá Bảnh sẽ nhìn thấy những video liên quan từ các kênh khác. Những ngày trước, truy cập vào trang chủ YouTube, người dùng sẽ dễ dàng nhìn thấy các video cũng như kênh của Khá Bảnh được đề xuất trước mắt. Đó là cách YouTube bắt đầu dẫn dắt người dùng xem các video của mình.

Sự đề xuất video có nội dung "giang hồ" ngay trên trang chủ YouTube xuất phát từ kết nối với Google (Google là chủ sở hữu YouTube). 

Gần như ai dùng Internet cũng đều biết câu "không biết cứ tra Google", và những gì bạn tìm kiếm trên Google sẽ được thu thập, phân tích để cho ra những đề xuất video theo sự quan tâm của bạn dù bạn chưa tìm kiếm nội dung đó trên YouTube bao giờ. 

Do đó, ngay khi mở YouTube bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi các video được đề xuất ở các lĩnh vực khác nhau đều có liên quan đâu đó đến sự quan tâm của bạn. Khi bạn xem một video, những video có nội dung liên quan khác sẽ được YouTube đề xuất rất đầy đủ, hòng níu chân bạn ở lại xem tiếp.

Theo cách trên, nếu bạn đã từng tìm kiếm tin tức về Khá Bảnh, bạn sẽ được giới thiệu các video có nội dung tương tự từ những trang hàng chục ngàn cho đến hàng triệu lượt đăng ký, hàng chục triệu lượt xem. Tương tự, nếu thích chơi game di động, bạn có thể thấy đề xuất đến các kênh có hàng triệu người đăng ký và hàng tỉ người xem.

Còn nếu người dùng chủ động tìm kiếm những video liên quan đến một từ khóa nào đó và xem, thì những lần sau đó họ không cần phải tìm kiếm nữa, YouTube sẽ tự động "dâng" lên ngay trước mắt để họ lựa chọn. 

Với lượng người dùng siêu lớn, Google có thừa khả năng để phân tích sự quan tâm của từng người dùng (qua các thói quen tìm kiếm mà người dùng đã thực hiện) và từ đó đề xuất gần như chính xác nội dung nào người dùng đó quan tâm. 

Tuy nhiên, sự tác động tích cực hay tiêu cực đối với người dùng đó lại không được YouTube quan tâm, mà thay vào đó người dùng phải tự chịu trách nhiệm.

YouTube kiếm tiền chủ yếu dựa trên các quảng cáo trong nội dung video của mình, lượng người xem càng nhiều, YouTube càng bán được nhiều quảng cáo và nó tỉ lệ thuận với doanh thu của họ. 

Do đó, YouTube có đầy đủ các thuật toán để nhận biết được nội dung nào đang là một xu hướng (trend) và sẽ thu hút rất đông người xem.

Từ đó, YouTube sẽ có cách để đẩy nội dung đó (với tất cả các video liên quan) đến nhiều người dùng nhất có thể. 

Chẳng hạn chỉ trong một tháng gần đây, khi cái tên Khá Bảnh và giang hồ mạng được mạng xã hội quan tâm, lập tức lượng view (xem) các video có nội dung liên quan tăng lên chóng mặt. YouTube sẽ tìm mọi cách đẩy các video cũng như các kênh này đến ngày càng nhiều người dùng hơn, để họ xem nhiều hơn. 

Chủ các kênh video giang hồ này thu lợi 1 thì YouTube phải được gấp trăm lần. Còn nội dung video đó tác động xấu hay tốt đến người xem ra sao thì không phải là chuyện YouTube quan tâm.

Theo thống kê của trang Social Blade, trong 20 kênh có lượng người dùng đăng ký theo dõi nhiều nhất Việt Nam hiện nay chủ yếu là các kênh dành cho thiếu nhi.

Điều này cũng dễ hiểu khi phần nhiều các bậc cha mẹ ở Việt Nam chọn YouTube làm "bảo mẫu" cho con mình.

Tuy nhiên điều đáng nói là nhiều bậc cha mẹ lại cho con mình xem video trên YouTube bằng tài khoản của mình - tài khoản người lớn.

Điều đó khiến con trẻ dễ bị dẫn dắt vào những nội dung vốn chỉ dành cho cha mẹ chúng.

Bạn có thể tưởng tượng cảnh con mình sẽ hành xử ra sao khi liên tục bị cuốn vào các video diễn cảnh đời sống giang hồ, xã hội đen... bởi chúng được xem từ điện thoại của bố mẹ.

"Cuồng" chuyện trên mạng

Tôi cảm thấy ngộp vì các kiểu "cuồng" chuyện trên mạng của số đông người xung quanh mình.

Mọi người tranh luận về sức hút của những "giang hồ mạng", thánh chửi... Nhiều người không tiếc lời thán phục, trầm trồ số tiền hàng trăm triệu ai đó kiếm được mỗi tháng từ những clip triệu người xem của họ trên mạng.

Không ít người chia sẻ những clip này kèm đủ kiểu bình luận. Người ta sẵn sàng tranh cãi nảy lửa khi có ai đó có ý kiến khác về những người đang là "thần tượng" trên mạng của mình.

Cuối cùng, ai thắng ai, ai được gì? Chủ của những trang mạng triệu người theo dõi là những người có ý tưởng, biết cách làm mới có thể kiếm nhiều tiền trên mạng. Nhưng đó là những chuyện gì?

Sẽ giá trị biết bao nhiêu nếu đó là những trang, kênh về học hành, lan tỏa những điều hay lẽ phải.

Hầu hết các kênh này nhằm giải trí, cười chút chơi hoặc chửi bới, làm những chuyện khác thường để thu hút người xem.

Và những người ghé qua xem, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ... cùng góp thêm thu nhập cho chủ nhân những trang này.

Hâm mộ ai đó, bàn luận chuyện gì đó là quyền của mỗi người. Nhưng, chuyện ở thế giới ảo, người đưa tin hầu như chẳng phải chịu trách nhiệm gì về câu chuyện của họ.

Người xem nhiều khi không thể kiểm chứng đúng sai. Đặt niềm tin vào chuyện ở thế giới ảo, sống cùng thế giới ảo, cuốn theo các kiểu "giá trị" ở đó và sự xô lệch nhiều mối quan hệ, sự hời hợt các mối gắn kết ngoài đời thực.

Với tôi, đó là chuyện hết sức bất ổn, nhất là khi số đông đang sục sôi tranh luận chuyện trên mạng như hiện nay.

LƯU NGỌC

Khi sự "lệch chuẩn" được hợp thức hóa

Tuổi vị thành niên thường có xu hướng phản biện lại những giá trị người lớn đặt ra. Các em muốn tự chọn một giá trị mới mà các em cho là đúng. Có nhiều người lướt qua những trang mạng chỉ để biết nhưng có một bộ phận muốn tìm một sự giải tỏa.

Một bộ phận người trẻ có những ấm ức dồn nén (từ gia đình, nhà trường...) có xu hướng thấy những chuyện bất tuân luật lệ là thú vị với họ.

Cũng có khi mình tức ai đó mà không phản kháng được, giờ tìm thấy trên mạng có ai đó chửi thay lời mình, họ sẽ cổ vũ.

Ở góc độ xã hội, tiếng dữ sẽ đồn xa, những chuyện xấu sẽ bị tô đậm, soi chiếu rất kỹ và lan rộng. Với tuổi học đường, các em sẽ luôn đi tìm hình mẫu "thần tượng" cho mình.

Người trẻ hay tìm cái độc, lạ, không theo khuôn mẫu rồi bắt chước làm theo. Những câu chữ, cách nói năng táo tợn sẽ lây nhanh hơn nhưng lời đẹp đẽ hằng ngày và sẽ được sử dụng tràn lan.

Lâu dần, những cái gọi là "lệch chuẩn" sẽ được hợp thức hóa, khi các em không xem đó là những điều lệch.

Vậy nên, trong thế giới riêng của những nhóm trẻ đầy những kiểu chửi thề, nói lầy, những cách ứng xử học từ đâu đó và học lẫn nhau.

Điều này sẽ ảnh hưởng, làm thay đổi tác phong, tư cách, chất lượng con người quan niệm sống khác trước.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TP.HCM)

YouTube

TTO - Khá Bảnh vừa bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc. Trước đó là hiện tượng giang hồ Khá Bảnh cùng tuyên bố đã đạt nút vàng YouTube và mỗi tháng bỏ túi 500 triệu từ YouTube bằng những video gây sốc.

HÂN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên