“Ai đã đánh cắp mùa hè?”

DUY VĂN 23/06/2017 01:06 GMT+7

TTCT - Tháng 5 mà tuyết lại rơi ở Matxcơva, sau tuyết đến lượt mưa rào ngập đường, rồi tiếp đó là cơn bão lốc làm chết người ngày 29-5, cơn bão được cho là mạnh nhất ở thủ đô trong vòng 130 năm qua!

Hệ thống ăngten của HAARP ở Alaska, Hoa Kỳ -alaskapublic.org
Hệ thống ăngten của HAARP ở Alaska, Hoa Kỳ -alaskapublic.org

 

Những nhà khoa học Nga nói gì về mùa hè lạnh 2017?

Saint Petersburg cũng trải qua một đầu hè kỳ lạ đến độ Tổng thống Nga V. Putin, dự diễn đàn kinh tế tại đây cùng lúc với việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris (1-6), đã đùa: “Lẽ ra chúng ta phải cảm ơn Tổng thống Trump. Đấy, hôm nay ở Matxcơva đã có tuyết rơi, còn ở đây thì mưa và lạnh thế này. Có thể đổ cho ông ta và đế quốc Mỹ, rằng họ có lỗi trong tất cả chuyện này. Nhưng chúng tôi sẽ không làm thế”.

Dĩ nhiên, câu trả lời cho nhà báo Hoa Kỳ Megan Kelly này của ông Putin còn thấm đẫm tinh thần thời sự, nhắc khéo việc nước Nga luôn bị “bêu” tên trước bất cứ diễn biến nghiêm trọng nào xảy ra trên thế giới (chẳng hạn như Nga can thiệp bầu cử Mỹ, bầu cử Pháp, thậm chí mới đây còn bị cho là liên can tới những diễn biến Qatar)!

Nhưng một điều rõ ràng: những hiện tượng thời tiết cực đoan đã trở thành một mối bận tâm hàng đầu ở các thủ đô thế giới...

Từ “vũ khí khí hậu”...

Trước mùa hè lạnh và những hiện tượng thời tiết bất thường ở Nga 2017, tờ Komsomolskaya Pravda đã quay lại với giả thuyết về “vũ khí khí hậu”.

Tờ báo dẫn lời một đại tá hồi hưu không nêu tên từng phục vụ trong một đơn vị quân đội vũ trụ Nga, nhiều năm nghiên cứu về sinh quyển, địa quyển và các vũ khí phi truyền thống khác, cho biết trên nguyên tắc, hiện nay người ta đã học được cách tạo ra những cơn bão nhân tạo.

Vấn đề là “cách hành xử” của bão, mà theo ông, việc “cử” nó đánh vào mục tiêu cụ thể nào hiện vẫn còn là một vấn đề mà công nghệ chưa giải quyết được!

Theo các thước đo địa chất, Trái đất vẫn còn trong tuổi thanh xuân, tràn đầy năng lượng và nội lực. Do Trái đất vẫn còn phát triển, ruột của nó vẫn đang hoạt động và lớp vỏ Trái đất ở đại dương vẫn tăng lên và doãng ra.

Tất cả diễn ra cùng lúc với sự trôi dạt của các lục địa, động đất, núi lửa phún xuất, sự hung hãn của các hiện tượng thiên nhiên về nước và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đến lượt chúng, đã tạo ra những nguy cơ thường trực cho sự tồn tại của hành tinh.

Những người ủng hộ giả thuyết về vũ khí khí hậu đã cho chúng ta một bức tranh như sau: thử tưởng tượng rằng tất cả những thảm họa thiên nhiên như động đất bất ngờ, sóng thần chết người, hạn hán kéo dài hay ngược lại những trận mưa không ngừng rửa hết lớp màu mỡ của đất, cái lạnh, nạn đói, bệnh tật chết người, cháy rừng, tai nạn tại những nhà máy điện hạt nhân và những vụ nổ ở các kho vũ khí - tất cả không đơn giản là sự tình cờ và bộc phát của thiên nhiên, mà phía sau những thảm họa đó là ý định của con người!

Dẫn lời đại tá giấu tên nói trên, KP cho biết: Đã nửa thế kỷ qua, một số chuyên gia đã làm việc để tạo ra và thật sự đang hoàn thiện cái gọi là vũ khí địa vật lý (địa quyển), trong đó đối tượng và phương tiện tác động của loại vũ khí này chính là môi trường thiên nhiên: thủy quyển, thạch quyển, các lớp khí quyển cận Trái đất, tầng ozon, từ quyển, tầng điện ly, khoảng không vũ trụ gần Trái đất.

Một kho tàng phong phú. Vào giữa thế kỷ trước, một nhiệm vụ bất thường đã được đặt ra cho các nhà địa vật lý: tạo ra một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà không để lộ việc sử dụng chúng và hệ thống kiểm soát chúng không bị phát hiện. Vũ khí này đã được chế tạo.

Nó được gọi là vũ khí thạch quyển (kiến tạo, địa chấn, địa chất), dựa vào việc phóng ra năng lượng của lớp vỏ cứng của hành tinh chúng ta: thạch quyển.

Mục đích của nó là gây ra một cách nhân tạo những trận động đất hủy diệt, phun trào núi lửa, sự dịch chuyển của những dĩa thạch quyển và cấu tạo địa chất, vào đúng thời điểm và đúng lúc. Lý tưởng nhất là ở bất cứ điểm nào được quy định của hành tinh.

Nguyên tắc khá đơn giản: chỉ cần “khuấy động” một chút lớp vỏ Trái đất ở nơi nào tích tụ sự căng thẳng của hoạt động kiến tạo, khiêu khích để nó giải phóng nguồn nặng lượng bị dồn nén.

Thường người ta “khuấy động” lớp vỏ Trái đất bằng những vụ nổ dưới lòng đất - hạt nhân hay chân không. Bạn có thể tạo ra một cơn động đất nhân tạo bằng những tín hiệu điện từ hoặc âm thanh ở những tần số nhất định (sóng Tesla).

Tiến sĩ các khoa học khoáng vật học và địa chất Nga Vladimir Polevanov-KP
Tiến sĩ các khoa học khoáng vật học và địa chất Nga Vladimir Polevanov-KP

 

Đến khí hậu cũng... ”cáu bẳn”?

Trở lại với những hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng nhiều trên toàn thế giới, đa số các nhà khoa học xác nhận chúng gắn với tình trạng ấm lên toàn cầu, một vấn đề do con người gây nên.

Tuy nhiên, trên thế giới nói chung, và cả ở nước Nga, vẫn tồn tại những giả thuyết khác. Chẳng hạn, theo tiến sĩ các khoa học khoáng vật học và địa chất Nga Vladimir Polevanov, không phải là tình trạng ấm nóng, mà là lạnh dần toàn cầu đang chờ đợi nhân loại.

Tháng 5 lạnh bất thường ở Nga năm nay là một tiên báo cho tình trạng này. Theo ông, trong những năm 1960-1998, Liên Xô và Hoa Kỳ đã tiến hành những chương trình khoan rất tốn kém ở Greenland và Nam Cực, hơn một chục giếng, thâm nhập các sông băng tới tận nền móng của chúng.

Hoạt động này tạo điều kiện cho việc thu thập những dữ liệu quý báu để đưa ra những kết luận khí hậu đáng tin cậy.

Ông nói: “Việc nghiên cứu lõi băng (mẩu đất đá) cho thấy các kỷ nguyên lạnh dần và ấm dần trên Trái đất luân phiên nhau. Không có sự tham gia nào của con người.

Trong 450.000 năm qua đã có sáu chu kỳ khí hậu. Chúng ta đang sống trong giai đoạn kết thúc gian băng và theo quy luật đang chuyển vào giai đoạn “lạnh dần vĩ đại”. Trái đất đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta”.

Trong số những tín hiệu toàn cầu của việc lạnh dần này, theo nhà khoa học, có việc mát dần “bếp lò” Đại Tây Dương, hay dòng chảy ấm của Gulf Stream.

Hay hiện tượng “Minimum Maunder” về việc giảm bớt đáng kể số vệt đen trên Mặt trời mà đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích. (“Minimum Maunder” còn được biết như độ tối thiểu kéo dài của vệt đen Mặt trời, là tên gọi cho thời kỳ từ 1645 đến 1715, khi các vệt đen trên Mặt trời cực kỳ hiếm như ghi nhận của các nhà thiên văn học mặt trời thời kỳ này.

Đây cũng là giai đoạn mà nhiệt độ châu Âu được ghi nhận xuống thấp hơn trung bình. Đôi vợ chồng Annie Russell Maunder (1868-1947) và E. Walter Maunder (1851-1928) đã nghiên cứu cách vết đen Mặt trời thay đổi theo thời gian, bao gồm nửa cuối thế kỷ 17).

Theo NASA, năm ngoái các nhà quan sát ghi nhận được “dĩa” Mặt trời hoàn toàn sạch các vệt đen trong suốt 32 ngày. Năm 2017, từ tháng 5, các nhà khoa học đang bắt đầu tìm xem có bao nhiêu ngày Mặt trời không có vệt đen.

Và theo tiến sĩ Vladimir Polevanov, thật may mắn khi, không giống trong phim Hollywood, Trái đất sẽ không lạnh ngay lập tức trong chỉ một vài giờ, mà đây là một quá trình dần dần, chậm chạp.

Nơi đầu tiên cảm thấy lạnh hơn sẽ là Bắc Mỹ, sau đó sẽ đến lượt Nga chừng 100-150 năm nữa. Nhưng những hiện tượng thời tiết cực đoan thì sẽ diễn ra thường xuyên hơn, như bão tố hay những mùa hè lạnh...

Giám đốc chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Quỹ thiên nhiên hoang dã toàn thế giới Aleksei Kokorin-KP
Giám đốc chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Quỹ thiên nhiên hoang dã toàn thế giới Aleksei Kokorin-KP

 

Một nhà khoa học Nga khác, giám đốc chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Quỹ thiên nhiên hoang dã toàn thế giới Aleksei Kokorin cho rằng thời tiết, khí hậu không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới đang ngày càng “không đồng đều, lởm chởm, thậm chí một số người còn bảo là nó “cáu bẳn””, tức những giai đoạn nhiệt độ ấm dần được thay bằng những giai đoạn nhiệt độ thấp dần.

Lý do là vì sự di động lớn của các khối không khí theo hướng kinh tuyến. Như ta đã biết, tác động vào các biến thể của khí hậu ngoài các yếu tố đại dương (chẳng phải tự nhiên người ta nói đại dương là nhà bếp chính của thời tiết), còn có các yếu tố con người.

Chỉ một sự gia tăng rất nhỏ của hiệu ứng nhà kính, chừng 3% thôi, đủ để thay đổi hệ thống và dẫn tới việc chuyển giao khối không khí sang kinh tuyến lớn hơn, mà cụ thể là tình trạng tuyết, lạnh bất thường ở Matxcơva cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua là do một phần thừa thãi của khối không khí lạnh từ vùng Murmansk.

Theo nhà khoa học này, hơn 90% năng lượng của hệ thống khí hậu Trái đất tập trung ở các đại dương. Vì thế nên ở tất cả các đại dương thế giới, các lớp trên của nước, khoảng vài trăm mét, đều ấm áp hơn. Khá đồng đều và đồng bộ, đó là một thực tế.

Tuy nhiên, sự ấm lên của khí quyển hiện nay đặc trưng bởi những thay đổi đột ngột, bất thường. Năm 2015-2016 vừa qua đã ấm kỷ lục trên toàn thế giới. Đó là do El Nino - một hiện tượng của khí quyển đại dương toàn cầu ở nam bán cầu, sự dao động của nhiệt độ ở tầng nước trên bề mặt ở vùng xích đạo Thái Bình Dương.

Hai năm qua, El Nino đặc biệt mạnh và ấm, do đó đã diễn ra việc bơm hơi ấm vào khí quyển. Giờ đây El Nino đang yếu dần, sự ấm áp sẽ, ngược lại, chuyển từ không khí vào đại dương.

Vì thế, giám đốc chương trình “Khí hậu và năng lượng” của Quỹ thiên nhiên hoang dã toàn thế giới Aleksei Kokorin tiên đoán rằng năm nay sẽ lạnh hơn trên toàn hành tinh!■

Chúng ta chưa quên vụ động đất kinh hoàng gây sóng thần ở Nhật ngày 11-3-2011 khiến 27.000 người chết và mất tích, bị thương. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy dẫn tới ô nhiễm phóng xạ quy mô lớn ở khu vực và nước ven biển.

Thiệt hại kinh tế ước tính 309 tỉ USD. Về chính thức, nguyên nhân vụ động đất được cho là việc giải phóng năng lượng bị tích lũy ở nơi giáp nhau của những mảng vỏ Trái đất.

Tuy nhiên, có giả thuyết âm mưu cho rằng tổ hợp HAARP (High Frequency Active Auroral Research Program) ở Alaska của Hoa Kỳ có liên can! Trạm này được đưa vào hoạt động năm 1997 với mục đích hòa bình: nghiên cứu các cực quang bằng tác động tần số cao.

Nhưng những người theo thuyết âm mưu đặt vấn đề: Vì sao Lầu Năm Góc lại được giao lãnh đạo nghiên cứu này và việc bảo vệ trạm nghiên cứu “hòa bình” này cực kỳ nghiêm ngặt?

Chẳng bao lâu HAARP bị cáo buộc đã gây ra động đất, lũ lụt, hạn hán, mặc dù không thể chứng minh. Cụ thể, như chính HAARP thống kê, HAARP từng bị cáo buộc gây ra động đất ở Haiti, hay dự phần vào việc sửa đổi thời tiết toàn cầu.

Từ năm 2015, cơ sở này được giao lại cho University Alaska Fairbanks quản lý. Để xua tan “màn sương mù” của những giả thuyết âm mưu, HAARP từ năm 2016 từng mở cửa cơ sở của mình vào một số ngày để mời khách tự do tham quan. Năm nay lời mời được đưa ra vào tháng 8-2017.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận