04/09/2018 11:30 GMT+7

Ai đã bán rẻ cảng Quy Nhơn?

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra một số dự án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Ai đã bán rẻ cảng Quy Nhơn? - Ảnh 1.

Toàn cảnh cảng Quy Nhơn - Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Tháng 4-2017, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa (CPH) 100% cảng Quy Nhơn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ công bố kết luận trong năm nay. 

Trước đó, câu chuyện thí điểm CPH cảng này được dư luận đặc biệt chú ý bởi có quá nhiều bất thường, có dấu hiệu lợi ích nhóm....

Bán vốn thần tốc

Cảng Quy Nhơn, thuộc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines, Bộ GTVT). Theo quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành ngày 4-2-2013, Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn là một trong 9 doanh nghiệp của Vinalines thực hiện CPH, trong đó Nhà nước phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, ngày 4-4-2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản (do ông Lê Hữu Lộc - chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ - ký) đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT và Vinalines cho chủ trương CPH cảng Quy Nhơn theo hướng giảm phần vốn nhà nước nắm giữ xuống còn 49%, với lý do là "để tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn...".

Chưa hết, sau khi Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản (27-5-2013) chấp thuận phương án cho phép Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn sau CPH như đề xuất, tại buổi làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT vào ngày 1-1-2014, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đề nghị cho phép bán hết cổ phần nhà nước nắm giữ tại cảng này!

Ngày 25-2-2014, sau khi được Bộ GTVT đồng ý về mặt chủ trương, ông Lê Hữu Lộc ký văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị bộ sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép Công ty CP Cảng Quy Nhơn được bán hết vốn nhà nước đang nắm giữ tại công ty này. 

Ngày 8-9-2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT, cho phép bán hết vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn.

Ngày 13-7-2015, ông Nguyễn Văn Thiện - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ký văn bản thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, gửi bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh việc bán toàn bộ 49% vốn nhà nước mà Vinalines đang giữ ở cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước.

Đến ngày 8-9-2015, Vinalines thông báo đã bán hết 49% vốn mà tổng công ty này sở hữu tại cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành, nâng tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn lên đến 86,23% vốn điều lệ. 

Như vậy, trong vòng chưa đến hai năm, cảng Quy Nhơn đã về tay doanh nghiệp Hợp Thành.

Ai đã bán rẻ cảng Quy Nhơn? - Ảnh 2.

Toàn cảnh cảng Quy Nhơn - Ảnh: MINH THÀNH

Nhiều bất thường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 13-5-2014, tại hội nghị cán bộ công đoàn để lấy ý kiến về việc bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn theo yêu cầu của Vinalines, tất cả đại biểu dự hội nghị đều biểu quyết đề nghị Nhà nước tiếp tục duy trì tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại cảng Quy Nhơn. 

Theo các đại biểu, đây không chỉ là cảng đầu mối tổng hợp có vị trí chiến lược để phát triển kinh tế mà còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

"Chúng tôi phản đối việc CPH 100% cảng Quy Nhơn nhưng trên không nghe" - một cựu cán bộ cảng Quy Nhơn kể lại. 

Trong văn bản ngày 14-5-2014, do ông Nguyễn Hữu Phúc - tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn - ký gửi Vinalines, có nội dung khẳng định đảng ủy, ban tổng giám đốc và đại diện công đoàn công ty đã họp và đều thống nhất đề nghị Vinalines phải giữ 49% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn, không nên bán hết cho tư nhân.

Cũng theo văn bản này, nếu duy trì tỉ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn, Nhà nước được nhiều lợi ích hơn so với việc thoái vốn toàn bộ. 

Đó là sẽ duy trì được sự quản lý nhà nước đối với cảng biển có vị trí trọng điểm ở khu vực, đảm bảo được mục tiêu an sinh xã hội...

"Nếu bán hết phần vốn nhà nước cũng đồng nghĩa việc thay đổi hoàn toàn mô hình quản lý, những giá trị truyền thống được xây dựng 38 năm qua (của cảng Quy Nhơn) có nguy cơ bị mất đi" - văn bản nêu rõ.

Ông Tô Tử Thanh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - khẳng định cảng Quy Nhơn có giá trị hàng ngàn tỉ đồng, nhưng được CPH 100% với giá chỉ 404 tỉ đồng là rất bất thường. 

"Tôi tính chỉ cần bán hai cái cẩu và thương hiệu của cảng là đã thu được số tiền trên rồi. Việc bán 100% cảng Quy Nhơn cho tư nhân, theo tôi, là đi trái với chủ trương CPH doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước" - ông Thanh bức xúc.

Cùng quan điểm, ông Vũ Hoàng Hà - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng việc Nhà nước thoái toàn bộ vốn khỏi cảng Quy Nhơn nhưng không thông qua đấu giá và định giá quá thấp là rất có vấn đề. 

"Một cảng lớn phát triển mạnh trong top 3 cả nước, có vị trí chiến lược và đặc thù như cảng Quy Nhơn mà sao định giá chỉ có hơn 500 tỉ đồng? Theo tôi, chỉ riêng giá trị sử dụng của cảng Quy Nhơn phải lên đến hàng ngàn tỉ đồng" - ông Hà nói.

Không nắm cảng là mất lợi thế phát triển

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20-1-2018, ông Nguyễn Thanh Tùng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng cảng Quy Nhơn là cửa ngõ của Tây Nguyên, Hạ Lào, đông bắc Thái Lan ra Biển Đông, ra quốc tế.

Không chỉ có vị trí chiến lược để phát triển kinh tế, cảng Quy Nhơn còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, sau khi cảng Quy Nhơn về tay tư nhân, chính quyền địa phương rất lúng túng, không biết quy hoạch ra sao, chỉ đạo phát triển như thế nào.

"Tôi thay mặt cán bộ và nhân dân Bình Định tha thiết và mạnh dạn đề nghị Thủ tướng xem xét, làm sao để Nhà nước nắm giữ 75% cổ phần cảng Quy Nhơn" - ông Tùng đề nghị.

Cũng tại cuộc làm việc này, TS Trần Du Lịch cho rằng Quy Nhơn mà không còn cảng là mất hoàn toàn lợi thế phát triển.

"Vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế mà còn là an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và tầm nhìn dài hạn" - ông Lịch nói.

Tiếp tay ra sao?

Trở lại câu chuyện thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn với giá rẻ trong thời gian ngắn kỷ lục, theo tìm hiểu của chúng tôi, không thể không kể đến "công đầu" của ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định và ông Lê Hữu Lộc - nguyên phó bí thư, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Trong quá trình CPH cảng Quy Nhơn, ông Thiện và ông Lộc đã có vai trò rất tích cực trong việc đẩy nhanh việc thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi cảng này.

Ngày 25-5-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với ông Nguyễn Văn Thiện do đã có một số vi phạm, trong đó có vi phạm liên quan đến quá trình CPH cảng Quy Nhơn.

Cụ thể, ngày 13-7-2015, ông Thiện đã thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ký văn bản đề nghị bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ GTVT về việc thoái hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế làm việc của Tỉnh ủy.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong giải trình với Ban thường vụ Tỉnh ủy, ông Thiện thừa nhận đã có văn bản "thúc" việc bán 100% cổ phần nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư chiến lược nhằm có vốn mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa cảng Quy Nhơn, nhất là trong bối cảnh cảng đang quá tải, xe tải phải xếp hàng dài hàng cây số để chờ làm hàng, gây kẹt xe nghiêm trọng ở Quy Nhơn.

Ngoài ra, ông Lê Hữu Lộc - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (bị Ủy ban Kiểm tra trung ương ra thông báo kỷ luật bằng hình thức khiển trách vào ngày 27-4-2017, do để xảy ra một số sai phạm trên địa bàn) - cũng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu kiểm điểm việc gửi văn bản cho bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị CPH cảng Quy Nhơn, dù không thuộc trách nhiệm của tỉnh.

Ai đã bán rẻ cảng Quy Nhơn? - Ảnh 5.
Cảng Quy Nhơn thay đổi hầu hết nhân sự hội đồng quản trị

TTO - 4/5 thành viên HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn vừa được bầu cho nhiệm kỳ 2018-2023 là những gương mặt "mới toanh".

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên