Chương trình diễn ra từ ngày 25-10 đến 1-11-2020, nằm trong chuỗi hành động hưởng ứng "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" do Bộ Y Tế phát động.
Phụ nữ trên 50 tuổi dễ bị thừa cholesterol
Tham gia hoạt động thăm khám, người dân được xét nghiệm cholesterol trong máu, tư vấn về tình trạng và giải pháp kiểm soát cholesterol trong cơ thể.
Sau khi kiểm tra, bà Tô Thị Phượng (56 tuổi, sống tại TP.HCM) khá bất ngờ khi biết mình bị cao huyết áp và thừa cholesterol: "Tôi ăn uống cũng ít nhưng thực tế là mình cũng không biết được các loại thực phẩm ăn vào có khiến mình bị thừa cholesterol hay không! Bác sĩ cũng khuyên nên ăn nhiều rau, hạn chế thịt mỡ và phải thường xuyên vận động hơn".
Chương trình thu hút nhiều người dân đến thăm khám
Hoạt động thăm khám ghi nhận khá nhiều phụ nữ trên 50 tuổi bị thừa cholesterol. Một số là nhóm bệnh nhân đã có bệnh lý nền sẵn như tăng huyết áp, tiểu đường. Một phần nữa là các bệnh nhân thừa cân, kèm theo độ tuổi càng cao sẽ làm tăng tỉ lệ rối loạn mỡ máu, bác sĩ CKI Trịnh Thị Linh - Bệnh viện Xuyên Á nhận định.
Người dân được xét nghiệm tình trạng cholesterol trong cơ thể
Còn bác sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội thì nhấn mạnh: Đối với những người có bệnh lý nền mà bị thừa cholesterol thì họ cần phải chú ý hơn người bình thường. Vai trò của việc kiểm soát cholesterol trong những bệnh nền là vô cùng quan trọng. Đặc biệt với người sau bệnh nhồi máu cơ tim, dùng thuốc để giảm mỡ trong máu…
Chương trình tư vấn, đo khám và xét nghiệm miễn phí tình trạng cholesterol trong cơ thể
"Tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm, điển hình nhất là xơ vữa mạch, dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ", bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - phụ trách chuyên môn Y học gia đình của bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội - cảnh báo.
Người trẻ cũng cần kiểm tra cholesterol
Chia sẻ về thời điểm đi tầm soát cholesterol, bác sĩ Hoa cho biết, những người từ 40 đến 50 tuổi nên đi khám định kì, khoảng từ 3 đến 6 tháng/ lần. Còn với những người trẻ hơn thì nên đi khám khi có những dấu hiệu bất thường do mình tăng cân hoặc giảm cân đột ngột, hay cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ không yên.
Như trường hợp của chị Huỳnh Thị Kim Phượng - 46 tuổi: "Bản thân nghĩ mình đã có chế độ ăn uống và lối sống khoa học rồi nhưng khi ra kết quả lại bị thừa cholesterol, vì vậy mình cũng khá bất ngờ. Với kết quả như vậy, mình sẽ duy trì luyện tập thể dục mỗi ngày và bỏ luôn thói quen ăn nội tạng động vật. Nhờ có chương trình mà mình đã phát hiện ra bệnh sớm để có những điều chỉnh kịp thời".
Người trẻ nên kiểm tra cholesterol khi có những dấu hiệu bất thường – bác sĩ Kim Hoa khuyến cáo
"Đối với những người đang có mức cholesterol bình thường, mình vẫn khuyên họ nên duy trì một lối sống lành mạnh. Tuổi ngày càng tăng sẽ làm tăng nguy cơ bị thừa cholesterol vì vậy người bình thường cũng nên duy trì lối sống, ăn uống lành mạnh, vận động tốt ngay từ khi còn trẻ" - lời khuyên từ bác sĩ CKI Trịnh Thị Linh - Bệnh viện Xuyên Á.
Kiểm soát và cân bằng cholesterol bằng chất béo có lợi
Để kiểm soát và cân bằng lượng cholesterol trong máu, người bình thường cần áp dụng các biện pháp tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tránh stress, cuộc sống lành mạnh và tránh xa thuốc lá, khói thuốc. Đây là những giải pháp đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng minh là làm giảm các tỷ lệ bệnh lý chuyển hóa về tim mạch, ung thư - bác sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Đặc biệt, trong buổi hội thảo về các yếu tố, nguy cơ bệnh tim mạch do PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tham gia chia sẻ trước khi thăm khám tại Hà Nội và Hải Phòng, có đưa ra thông tin đáng lưu ý về vấn đề chất béo.
Bà cho biết, quan điểm cứ thừa cholesterol là phải loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi cơ thể, chế độ dinh dưỡng là chưa đúng.
Chất béo cũng là một dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phải nạp vào hằng ngày nhưng vấn đề là cần chọn lọc, thay thế chất béo có hại bằng nhóm chất béo có lợi. Cụ thể tăng cường bổ sung nhóm chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) như omega 3-6-9 có trong một số loại cá biển sâu; dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt.
Đặc biệt dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol đã được khoa học chứng minh không những là nguồn chất béo có lợi mà còn có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm; góp phần đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol.
PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ trước buổi thăm khám
Trong khuôn khổ của "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể", Bộ Y Tế đã triển khai các chương trình hành động với quyết tâm khống chế tốc độ gia tăng, và tiến tới làm giảm tỉ lệ người bị thừa cholesterol ở Việt Nam. Trong các hoạt động này, Bộ Y tế ưu tiên việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận