Phóng to |
Một trong số đó là Tuyết Thu - người được biết nhiều đến những vai diễn trên phim ảnh và sân khấu kịch.
Từ nhỏ, cô bé Liễu Thị Tuyết Thu, sanh năm 1971, đã thích mê mệt các tuồng cải lương và các giọng ca vàng như Thanh Nga, Diệu Hiền, Ngọc Hương… Những lúc ba mẹ vắng nhà, Tuyết Thu thường là người khởi xướng, bày ra hầm bà lằng trò nghịch ngợm. Được sự hợp tác đắc lực của người anh họ biết đàn vọng cổ và anh ruột đang tập chơi guitare tân nhạc nên chuyện tổ chức “lai-sô” tại gia là một trong những trò chơi mà mấy anh em thích nhứt. Dĩ nhiên, sau đó bị bà già mắng tơi bời hoa lá hẹ, đôi khi mấy anh em còn bị roi mây “nhịp” đít vì cái tội làm hư hao đồ đạc trong nhà.
Tốt nghiệp phổ thông, Tuyết Thu vẫn đăng ký thi vào khoa văn trường đại học Tổng hợp cho gia đình an tâm, nhưng trước đó chị đã tự ý (không xin phép gia đình) chọn hướng đi cho mình, đăng ký thi vô trường NTSK2, khóa 13, bộ môn Cải lương năm 1989. Vừa đậu đại học vừa “dính chấu” tại trường NTSK2 khiến chị phân vân, bỏ “ai” và chọn “ai”? Gia đình không hề muốn chị trở thành nghệ sĩ, còn chị lại tiếc hùi hụi vì “thi đậu đại học” chớ phải chi rớt thì còn có cớ để “bơi” theo niềm đam mê nghệ thuật của mình. Suốt ba tháng hè hết khóc lóc, ỉ ôi và cuối cùng được sự trợ giúp của cậu ruột nên bà già đành phải “xìu xìu” chìu theo con gái.
Học xong ra trường làm gì, về đâu? Đó là câu hỏi luôn ẩn chứa trong chị và các bạn cùng khóa sau những tháng năm “mài quần” tại trường NTSK2. Nhưng rồi câu hỏi tự đặt ra đã được giải đáp một cách thỏa đáng khi chị được NSND Thái Ly tuyển vô nhóm múa cùng một số “chiến hữu” trong trường khi ông đang làm chương trình ca múa nhạc cho công ty Saigon tourist. Tuy chẳng ăn nhập gì tới cải lương nhưng đó cũng là một tia hy vọng để chị an tâm tin tưởng về sự nghiệp trong tương lai. Lúc đó chị đang học năm thứ 2.
Tốt nghiệp khoa cải lương năm1991, hàng đêm chị vẫn tiếp tục múa cho chương trình của NSND Thái Ly và sau đó chị chuyển qua vũ đoàn Kim Qui.
Từ khi được xuất hiện ở các vở kịch nói của đài THTP, gương mặt sáng sân khấu của Tuyết Thu đã được các đạo diễn chú ý. Và cũng từ đó cái tên Tuyết Thu trở nên quen thuộc ở các sân khấu kịch như Nhà hát kịch Thành phố (năm 1997-1998), Sân khấu nhỏ 5B (1999-2010) với những vai bi, đào buồn. Hiện nay, chị cũng là một trong số những nghệ sĩ “đinh” đang trụ tại sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng như trong các bộ phim dài.
Trên sân khấu Hoàng Thái Thanh gần đây khán giả rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một Tuyết Thu hoàn toàn mới lạ, khác với cái “e” chuyên đóng khung loại vai bi. Chị lột xác hoàn toàn, “quậy” hơn, táo bạo hơn và cũng đã rất thành công qua các vai: vợ một viện trưởng trong ngành y tế (Đèn không hắt bóng), một người phụ nữ đa tình, lợi dụng thế lực của gia đình, mồi chài cấp dưới để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Vai Bích Hồng (Màu của tình yêu), một người phụ nữ tham phú phụ bần, đầy thủ đoạn nham hiểm, phụ rẫy chồng con lúc bần hàn để rồi 16 năm sau lại quay trở về với âm mưu chia cắt tình yêu của người chồng cũ khi anh ta ăn nên làm ra, trở nên giàu có. Ở vai này, Tuyết Thu diễn rất hay và khiến nhiều khán giả phải “chửi” con vợ mắc dịch phá bĩnh gia đình, tình yêu người ta. Đó là thành công mới nhứt của Thu.
Tự biết mình không có “cửa” diễn hài nhưng Thu lại rất khoái. “Nếu được dịp chị có dám diễn hài không?” Chị lắc đầu le lưỡi: “Khoái thì khoái vậy chớ… em hổng dám đâu, nhưng biết ra sao ngày sau. Nghề tìm Thu chớ Thu hổng có tìm nghề. Tốt nghiệp khóa cải lương lại trở thành diễn viên múa một thời gian rồi lại trưởng thành trên sân khấu kịch, đó cũng là một cái duyên. ai cũng có số!”.
Tuổi Trẻ Cười số 452 (15-05-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận