TTCT - Đã có những quan ngại trí tuệ nhân tạo (AI) khó có thể đặt chân vào lĩnh vực báo chí, song dù muốn dù không, công nghệ tự động hóa đang tràn vào nghề báo bằng nhiều cách. Robot và con người cùng làm việc trong tòa soạn. Ảnh do AI tạoTheo tường thuật của nhiều tờ báo Mỹ, Google đang thử nghiệm một công cụ AI để hỗ trợ viết tin bài cho báo và đang thu xếp để trình diễn công cụ này cho nhiều tờ báo lớn, kể cả New York Times, Washington Post và Wall Street Journal. Công cụ này được đặt tên Genesis, có thể thu nhận thông tin, chẳng hạn các chi tiết về một sự kiện thời sự, rồi tự mình nhào nặn thành một bản tin đăng báo.Google tin rằng Genesis sẽ đóng vai trò như một trợ lý cho nhà báo, tự động hóa một số công việc thường ngày để họ có thể dành thời giờ cho việc khác. Đại diện Google nói dĩ nhiên công cụ này không nhằm thay thế phóng viên và cũng không thể thay thế họ được - nó chỉ cung cấp các chọn lựa cho họ để tiết kiệm thời gian.Các tờ báo được Google trình diễn công cụ Genesis chỉ đưa tin mà không nhận xét gì thêm. Riêng một nguồn tin giấu tên nói trên tờ New York Times rằng công nghệ viết tin này trông thật đáng ngại.Jeff Jarvis, một giáo sư báo chí, nhận xét Genesis như Google miêu tả vừa có lợi vừa có hại. Ông nói: "Nếu công nghệ này có thể cung cấp thông tin sự kiện một cách đáng tin cậy, phóng viên nên dùng nó. Mặt khác nếu nhà báo và báo chí lạm dụng nó với các đề tài đòi hỏi sự tinh tế hay thông hiểu văn hóa thì Genesis có thể làm tổn hại không chỉ uy tín của công cụ này mà còn cả danh tiếng tờ báo sử dụng nó".Điều thú vị là bên dưới các bản tin tường thuật chuyện Google đem Genesis đi trình diễn, độc giả có nhiều nhận xét rất đáng chú ý. Một người đặt câu hỏi: Genesis có đi dự họp báo không, có phỏng vấn các nhân vật không, có gọi điện hỏi thêm thông tin không? Bản chất của Genesis hay các AI tạo sinh là dựa trên văn bản, hình ảnh do nhà báo viết, chụp trước đó để tạo ra văn bản, hình ảnh mới. Cái đó không thể gọi là tin tức báo chí được.Một độc giả khác mỉa mai: Thế là cái công ty quyết định nội dung nào sẽ xuất hiện trên kết quả tìm kiếm nay lại muốn đẻ ra chính nội dung này luôn. Một người nói mạnh hơn: Tôi bỏ tiền đặt mua báo vì tin rằng những gì tôi đọc được là do con người bỏ công sức ra tìm hiểu, xử lý thông tin và viết nên. Đời nào tôi bỏ tiền ra để đọc những thứ do máy sản sinh!Có lẽ chính vì hiểu mong muốn của người đọc, tổng biên tập tờ Financial Times cách đây không lâu đã viết bức thư ngỏ, khẳng định báo của bà sẽ tiếp tục được viết và biên tập bởi con người, những người giỏi nhất trong lãnh vực họ phụ trách. Bà Roula Khalaf, được bổ nhiệm làm tổng biên tập năm 2020, nhấn mạnh với bà quan trọng nhất là niềm tin của độc giả vào chất lượng báo chí họ làm ra; chất lượng có nghĩa là tính chính xác, tính công bằng và tính minh bạch.Ảnh: ReutersMặc dù thừa nhận AI tạo sinh có tiềm năng to lớn, giúp nâng năng suất nhưng chúng cũng bịa ra thông tin trong các vụ gọi là "ảo giác". Bà cho rằng các mô hình AI, một khi được thao túng, có thể đẻ ra các hình ảnh và các bài báo giả tạo. Vì thế bà cam đoan các bài viết trên Financial Times sẽ do con người viết ra, chứ không dùng AI như một số báo thử nghiệm. Dĩ nhiên bà cũng hứa hẹn tòa soạn vẫn sẽ phải thích ứng với công nghệ mới, nên sẽ thử nghiệm các ứng dụng của AI để hỗ trợ phóng viên như khai thác dữ liệu, phân tích văn bản hay dịch thuật.Nhiều tổ chức báo chí đã và đang thử nghiệm nhiều cách ứng dụng AI. CNET dùng AI để viết tin từ tháng 11-2022, nhưng 77 tin (chiếm 1% tổng số tin xuất bản trong gần 3 tháng thử nghiệm) thì phải đính chính hết 41, khiến kế hoạch nhanh chóng bị dừng. Báo Le Monde năm ngoái cho ra mắt ấn bản tiếng Anh, do AI dịch tự động, có sự giám sát và biên tập của con người. Wired công bố chính sách sử dụng AI trong một số phần việc như gợi ý tít bài, viết các mẩu đăng trên mạng xã hội, gợi ý đề tài nhưng sẽ không đăng tin bài, hình ảnh do AI viết hay tạo ra hoàn toàn. Ngoài ra hiện đã có nhiều trang web chuyên đăng tin bài do AI sản xuất như NewsGPT hay Generative Press.Điều nhiều người lo ngại là công cụ viết tin bằng AI được nhiều người sử dụng sẽ làm Internet tràn ngập vô số tin giả, tin nửa thật nửa bịa, được viết bằng một văn phong báo chí quen thuộc nên sẽ đánh lừa được nhiều người. Một tình trạng như thế sẽ càng làm suy yếu ngay cả các tờ báo đã cam kết chỉ do người viết như Financial Times. Tags: Trí tuệ nhân tạoTự động hóaNew York TimesWall street journalCung cấp thông tinNguồn tin giấu tênKhai thác dữ liệuCông nghệ mớiDịch tự độngMạng xã hộiXử lý thông tinAI
Tổng Bí thư: Cần lập 'quỹ nhà ở quốc gia' để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn THÀNH CHUNG 24/02/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đưa môi trường đầu tư kinh doanh phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Toàn bộ hội đồng quản trị Rạng Đông xin nghỉ, cả em trai và cháu bà Hồ Kim Thoa BÌNH KHÁNH 24/02/2025 Ông Hồ Đức Lam - chủ tịch HĐQT Rạng Đông Holding - cùng con trai Hồ Đức Dũng và ba thành viên còn lại trong hội đồng quản trị đều vừa nộp đơn từ nhiệm.
Cơm, phở sân bay giá trên trời, lẽ nào đi máy bay phải đem theo cơm nắm, thịt rim? HỒNG PHÚC 24/02/2025 Kết quả doanh thu tăng cao và biên lợi nhuận đáng mơ ước của các công ty khai thác dịch vụ ở sân bay khiến nhiều bạn đọc không ngần ngại chỉ ra sự vô lý của giá cả đang được bán ở sân bay trong nước.
Tranh cãi kịch liệt về cách xưng hô khi gặp bác sĩ THANH NGUYỄN 24/02/2025 Lời chia sẻ về cách xưng hô với bác sĩ của một cô gái khi đi khám bệnh đang nhận tranh cãi kịch liệt, người đồng tình nhưng cũng có người phản đối.