Ảnh minh họa. Nguồn: asthmafoundation.org.nz
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được coi là "sát thủ vô hình" đối với con người bởi nó diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì nhưng để lại hậu quả lâu dài.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xuyên bị khó thở dẫn đến thiếu ô xy trong máu, tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ho, suy nhược...
Đặc biệt, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ dẫn đến các biến chứng bệnh phổi khác như viêm phổi, tràn khí màng phổi, ung thư phổi, tâm phế mạn, suy tim... Đối với người bị bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ khiến bệnh ngày càng nặng thêm
Những người có nguy cơ mắc bệnh
Người có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những người trên 35 tuổi có tiền sử hút thuốc lá nhiều; người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, có sức đề kháng kém, có người thân trong gia đình bị bệnh.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm có: Hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít phải khói thuốc; tiếp xúc với khói (bếp than, củi, rơm…); tiếp xúc với bụi, hóa chất nghề nghiệp; nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại vv…
Dấu hiệu nhận biết của bệnh
Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ho, khạc đờm kéo dài vào buổi sáng. Tiếp đó là khó thở khi gắng sức, lúc bệnh nhân leo cầu thang, khi đi nhanh trên đường bằng.
Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các biểu hiện nặng hơn, người bệnh có sốt, đau ngực, nhịp tim nhanh, phù chân, khó thở và khạc đờm nhiều hơn, đờm đục màu. Những đợt cấp này ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu, sau một thời gian tiến triển âm thầm, đến lúc phát hiện ra thì chức năng hô hấp đã bị tổn thương quá nặng. Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ là nên đi khám ngay khi thấy có các triệu chứng như: ho có khạc đờm kéo dài, khó thở, để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh cần:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với khói thuốc. Nếu có hút thuốc thì cần bỏ thuốc ngay; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bụi, giữ ấm cổ ngực khi lạnh;
- Tuân thủ phác đồ điều trị: Dùng đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian; khi muốn dùng các thuốc khác cần có ý kiến bác sĩ; phát hiện sớm các biểu hiện của đợt cấp để điều trị kịp thời; tuân thủ chế độ ăn uống, tập ho, tập thở sâu; khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi và quản lý bệnh.
Cần chủ động phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận