29/07/2024 05:45 GMT+7

Ai có công sáng tạo chữ quốc ngữ?

'Công sáng tạo chữ quốc ngữ thường được gán cho các thừa sai, nhưng nếu không có người Việt dạy tiếng, chỉnh âm cho các thừa sai thì công cuộc sáng tạo chữ quốc ngữ không thể thành công'.

Ai có công sáng tạo chữ quốc ngữ?- Ảnh 1.

Từ trái qua: TS Phạm Thị Kiều Ly, PGS.TS Trần Quốc Anh, TS Vũ Thị Phương Anh - Ảnh: HỒ LAM

TS Phạm Thị Kiều Ly nói tại tọa đàm ra mắt bộ sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919), Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ, diễn ra vào sáng 28-7 tại Đường sách TP.HCM. 

Ngoài tác giả sách - TS Kiều Ly, sự kiện còn có sự tham gia của PGS.TS Trần Quốc Anh và TS Vũ Thị Phương Anh.

Sự đóng góp của người Việt

Ông Trần Quốc Anh cho rằng trước Kiều Ly, đã có những nhà nghiên cứu chuyên sâu về chữ quốc ngữ như nhóm Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên có bài đăng trên các tạp chí ở miền Nam cuối những năm 1950 đầu 1960; Lịch sử chữ quốc ngữ (1620 - 1659) của cố linh mục Đỗ Quang Chính. 

Hay Từ điển Annam-Lusitan-La-tinh do nhóm Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt dịch năm 1978 và các công trình ngữ học của Ronald Jacques trong thập niên 1990. 

Đến năm 2007, có thêm cuốn Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ của học giả Hoàng Xuân Việt. Năm 2013, nhà báo Trần Nhật Vy ra mắt sách Chữ quốc ngữ, 130 năm thăng trầm.

"Kiều Ly tiếp nối các học giả đi trước, đặc biệt bà đã đi tìm văn khố của Hội Thừa sai Ba Lê để có thêm tư liệu mới, đồng thời phác thảo gần như trọn vẹn các thời kỳ của chữ quốc ngữ ở thời Dòng Tên, thời Hội Thừa sai, thời thuộc địa", ông nói.

Theo Kiều Ly, sự ra đời của chữ quốc ngữ nằm trong trào lưu ngữ học truyền giáo từ thế kỷ 16. Các giáo sĩ Dòng Tên học tiếng Việt để giao tiếp với người Việt. Có lần, Alexandre de Rhodes kể nhờ học tiếng Việt với một cậu bé mà chỉ sau ba tuần ông đã có thể phân biệt được các thanh điệu tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng.

"Thời kỳ đầu trong công cuộc sáng tạo chữ quốc ngữ, các giáo sĩ đã học cùng người bản xứ, còn người Việt chỉnh cách phát âm cho các thừa sai. Sau này, các thừa sai dạy chữ viết hệ Latin cho các thầy giảng người Việt và chính họ là những người gìn giữ, chỉnh lý chữ quốc ngữ".

TS KIỀU LY
Ai có công sáng tạo chữ quốc ngữ?- Ảnh 3.

Bộ sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919), 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ - Ảnh: HỒ LAM

Chữ quốc ngữ có khiến người Việt bị lạc hướng?

Những chương cuối của sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) nói về việc đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy và trở thành một phần của kỳ thi truyền thống. 

Bà Vũ Thị Phương Anh đánh giá việc sử dụng những công cụ ngôn ngữ thuận tiện khiến việc học tiếng trở nên dễ dàng hơn.

Xuất phát từ chủ trương của người Pháp, cộng với sự ủng hộ của giới trí thức Việt, chữ quốc ngữ dần thay thế chữ Hán. Cũng trong cuốn sách, GS.TS Liam C. Kelly nhận định sự phổ biến chữ viết mới ở Việt Nam đã gây ra một đứt gãy thế hệ trong giới trí thức. 

Ai có công sáng tạo chữ quốc ngữ?- Ảnh 4.

Sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) - Ảnh: HỒ LAM

Nhà nghiên cứu này cho rằng "những người Việt mới" không còn suy nghĩ như người Việt thế hệ trước. Phần lớn họ không đủ sức hiểu truyền thống văn hóa và tinh thần của cha ông. 

Song nghiên cứu của Kiều Ly nghiêng về giả thuyết thay đổi chữ viết không có ảnh hưởng lớn bằng thay đổi chương trình học với những môn học mới trong hệ thống giáo dục. Sự đứt gãy nếu có, chắc chắn phải gồm nhiều giai đoạn.

"Nếu ủng hộ lập luận chữ quốc ngữ đôi khi khiến người Việt thời Pháp thuộc bị lạc hướng thì nên nhớ rằng khi đó phần lớn dân chúng mù chữ. 

Chính những người yêu nước, những nhà cách mạng Việt Nam đã ủng hộ đưa chữ viết Latin hóa này vào giáo dục để xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí", Kiều Ly cho hay.

Theo bà, mọi dân tộc đều tìm thấy bản sắc trong những gì cấu thành nền văn hóa của họ - dù biết chữ hay mù chữ.

Như văn khấn tổ tiên có giá trị biểu tượng to lớn, đó là giá trị của một thông điệp mà người sống gửi tới người quá cố. Nhưng nghi lễ có linh thiêng hay không là ở tự thân nó, ở cách thức bày tỏ chứ không phải ở kiểu chữ.

Viết lại lịch sử chữ quốc ngữ: Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm độngViết lại lịch sử chữ quốc ngữ: Đọc bằng tiếng mẹ đẻ luôn khiến tôi cảm động

TTCT - TS Phạm Thị Kiều Ly, tác giả công trình Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) bản tiếng Việt trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên