09/10/2015 06:00 GMT+7

Ai chịu trách nhiệm tai nạn từ trường học?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Vụ quạt trần rơi làm hai học sinh bị thương một lần nữa làm phụ huynh lo lắng cho an toàn của con em mình ở trường học. Trách nhiệm nhà trường đến đâu?

Cánh quạt bị bung và rơi do mất ốc vít nối cánh và trục quay mà nhà trường không biết - Ảnh: Quốc Nam

Theo một thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các tai nạn hi hữu trong trường học xảy ra trong năm 2014 có thể kể đến một số vụ như một em học sinh lớp 3 bị cổng trường đổ đè tử vong, cây cổ thụ 40 năm tuổi bật gốc đổ lên 6 em học sinh hay vụ sập bồn chứa nước làm 2 em học sinh tử vong…  

Gần đây nhất là vụ sập mái che sân trường khiến 9 học sinh tiểu học nhập viện.

Nghi ngờ khâu bảo dưỡng

Nhiều ý kiến bạn đọc hốt hoảng với hiện tượng vật dụng trong lớp học, dưới sân trường con mình học có thể đổ ập bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Giang ở Q.Gò Vấp, TP.HCM cho rằng vụ tai nạn quạt trần rơi trong lớp học là lời cảnh báo cho tất cả các trường học trên toàn quốc về vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh.

Nhiều ý kiến nghi ngờ việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị trong trường học có bị làm qua loa, làm cho có hay không và tại sao vừa mới kiểm tra đã xảy ra sự cố.

“Năm nào trường cũng có kinh phí sửa chữa trang thiết bị, hội phụ huynh cũng giúp sức, nếu thiết bị hay vật dụng, cây cối cũ quá, già quá, có nguy cơ gây hại thì phải thay thế ngay” - chị Lương Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ.

Một khảo sát được thực hiện vào năm 2009 của ThS Vũ Yến Khanh và các cộng sự chỉ ra rằng ở trường mầm non, những tai nạn thương tích thường gặp nhất là ngã, ngạt nước, tắc đường thở, bị tai nạn thương tích do vật sắc nhọn, ngộ độc, đuối nước…

Những nguyên nhân mà nhóm khảo sát thu thập được là do cơ sở vật chất, đồ chơi không đảm bảo an toàn cho trẻ, trình độ của giáo viên và nguyên nhân từ sự hiếu động của trẻ.

Ở lứa tuổi học sinh, các loại tai nạn thương tích thường gặp bao gồm: tai nạn giao thông, phỏng, điện giật, ngã, đuối nước, ngộ độc, động vật cắn, bị thương bởi vật sắc nhọn.

Em Lê Quang Đoàn, học sinh lớp 7A, bị cánh quạt cắt một vết dài từ tai ra trước thái dương - Ảnh: Quốc Nam

Trách nhiệm thuộc về nhà trường

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), đồng ý rằng những tai nạn xảy ra trong trường học chỉ là hi hữu, tuy nhiên vẫn phải xem xét lại trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh. 

“Khi phụ huynh đã tin tưởng gửi con cho nhà trường thì trách nhiệm của nhà trường là phải đảm bảo an toàn cho đứa trẻ, kể cả về sức khỏe, thực phẩm hay là cơ sở vật chất”, bà Hiền cho biết.

TS Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc thứ nhất Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), khẳng định những vụ tai nạn trong trường học trách nhiệm rõ ràng thuộc về nhà trường.

“Trẻ con đã đến trường thì sự an toàn thuộc về nhà trường. Dù nguyên nhân có là thế nào đi chăng nữa, do học sinh đùa nghịch hay thậm chí là đánh nhau thì vẫn là do nhà trường không quản lý được học sinh”, bà Tuyên thẳng thắn.

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cũng đồng tình rằng vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh phải được nhà trường và các trung tâm giáo dục đặt lên hàng đầu.

“Trước khi dạy chữ thì phải đảm bảo an toàn”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

Chiếc tủ đựng mền gối trong phòng ngủ của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Quý Đôn, nơi xảy ra tai nạn làm chết 1 học sinh  - Ảnh: L.T

Hiện trường vụ một học sinh tiểu học bị cột gạch đè chết tại Phú Thọ năm 2009

Phải có đội ngũ chuyên trách

TS Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS - THPT dân lập Lạc Hồng (Q.12, TP.HCM), cho rằng để phòng tránh những tai nạn hi hữu trong trường học, không có cách nào hơn là phải thường xuyên bảo dưỡng kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật.

Theo ông, trong việc này, sự sâu sát chỉ đạo của người điều hành và ý thức của nhân viên thừa hành là hai yếu tố quan trọng nhất.

“Sở giáo dục cũng thường xuyên có các văn bản chỉ đạo các trường thực hiện các biện pháp an toàn. Tùy theo quy mô của mỗi trường mà bố trí một hay nhiều người chuyên trách bộ phận kỹ thuật để đảm bảo vấn đề an toàn cho học sinh”, ông Ngọc nhận định.

Trong việc thuê các cơ sở dạy bơi cho học sinh, ông Ngọc cho rằng nhà trường cũng phải có trách nhiệm chọn những cơ sở có đủ điều kiện, đảm bảo an toàn để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu bất cẩn trong chọn lựa, khi xảy ra sự cố, sai sót thuộc về nhà trường, ông Ngọc nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sở hữu đội ngũ kỹ thuật có trách nhiệm để kịp thời phát hiện và sửa chữa những hỏng hóc về cơ sở vật chất trong nhà trường.

Tại Trường Đoàn Thị Điểm, bà Hiền cho biết có nhân viên chuyên trách về điện - nước, có nhân viên chuyên về bảo quản cây cối, có cả nhân viên có tay nghề thợ nề… Mỗi người một việc để đảm bảo những trang thiết bị, cơ sở vật chất trong trường được kiểm tra, bảo quản tối ưu nhất.

Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng như nhân viên phụ trách các khu vực trong trường học phải thường xuyên báo cáo kịp thời những hư tổn để sửa chữa.

TS Ngô Thị Tuyên cho rằng mỗi trường đều phải có kế hoạch thường xuyên bảo dưỡng cơ sở vật chất, có thể tổ chức kiểm tra, tu sửa vào mỗi dịp hè hoặc cuối tuần chứ không phải khi xảy ra tai nạn rồi mới đi kiểm tra.

“Những tai nạn như vậy không phải nằm ở vấn đề kinh phí. Thiết nghĩ việc chặt bỏ một cái cây đã quá già hay tu sửa quạt trần cũ thì có đáng bao nhiêu”, bà Tuyên nhận định.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền

>> TS Ngô Thị Tuyên

>> TS Trương Quang Ngọc

>> TS Nguyễn Tùng Lâm

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục