Ai chịu trách nhiệm khi tiền ngân sách bị thất thoát?
Phóng to |
Cụ thể, Phú An Sinh chưa trả Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) 33,5 tỉ đồng (chưa tính lãi) và Sở Công thương 12,65 tỉ đồng. Điều đáng nói là tất cả các khoản vay này đều không được thế chấp hay bảo lãnh ngân hàng, dù đây chỉ là một thủ tục đơn giản và hết sức bình thường. Chưa kể hiện tại Phú An Sinh còn vay của nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên tới hơn 20 tỉ đồng.
Sử dụng sai mục đích tiền bình ổn giá
Một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ quan này sẽ có thủ tục kháng nghị hủy quyết định hòa giải giữa Sở NN& PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú An Sinh vào tháng 11-2011 trong vụ Phú An Sinh nợ hơn 33,5 tỉ đồng tiền ngân sách và 2 tỉ đồng tiền lãi, bởi đây là một vụ án hình sự. |
Theo báo cáo tổng kết chương trình bình ổn giá sáu tháng cuối năm 2010 và Tết Tân Mão 2011 của Sở Công thương, trong chương trình này Phú An Sinh đăng ký dự trữ 400 tấn thịt gia cầm, 60 tấn thực phẩm chế biến với giá bán cho đại lý thấp hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Theo báo cáo của Phú An Sinh, tổng doanh thu của công ty này tại địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đạt gần 32 tỉ đồng, tức cao gấp gần 200% so với số tiền doanh nghiệp này được vay 16,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy tổng tiền bán hàng thu được trong chương trình bình ổn giá của Phú An Sinh chỉ hơn 4,7 tỉ đồng. Số hàng bình ổn giá còn lại từ nguồn tiền “hỗ trợ” của Bà Rịa - Vũng Tàu đã được công ty đem bán ở một số địa phương khác với giá thị trường nhằm hưởng chênh lệch cao hơn. Đáng chú ý, sau khi nhận được tiền bình ổn giá, Phú Anh Sinh còn dùng một phần để trả lãi đã vay trước đó cho một số ngân hàng.
Đối với số tiền 35 tỉ đồng được “ưu ái” cho vay để mua heo chưa bị dịch giữa năm 2010, giúp nông dân bớt thiệt hại cũng có nhiều khuất tất. Theo quy định, khi Phú An Sinh mua heo của nông dân phải có cán bộ thú y giám sát và đóng dấu kiểm dịch. Thế nhưng, Phú An Sinh đã báo cáo với Sở NN&PTNT số lượng heo mua vào vượt khoảng 2.500 con so với con số thực tế được kiểm dịch.
Quá tin tưởng vào doanh nghiệp?
Sáng 19-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hường, giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trước khi chọn Phú An Sinh làm doanh nghiệp bình ổn giá, sở đã có sàng lọc và tìm hiểu “lý lịch” kỹ. Bởi doanh nghiệp đã có thương hiệu, lại từng tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Khi được hỏi vì sao không yêu cầu doanh nghiệp thế chấp hay ngân hàng bảo lãnh, bà Hường cho biết trong tiêu chí chọn doanh nghiệp bình ổn giá không đưa ra tiêu chí này.
Bà Hường nói: “Chúng tôi cũng có lo lắng nhưng vì tin tưởng doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín”. Về trách nhiệm của sở, bà Hường thừa nhận có một phần trách nhiệm vì đã không thu hồi được vốn, nguyên nhân là bởi không nắm được “đằng gốc”. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở NN&PTNT giải thích: “Vào thời điểm đó tỉnh đang “nhờ vả” công ty nên yêu cầu thế chấp tài sản để vay cũng khó coi. Vả lại do tình huống cấp bách mà trên địa bàn tỉnh chỉ có Phú An Sinh là đơn vị giết mổ lớn, có hệ thống trữ đông, ngoài ra không có đơn vị nào đủ năng lực nên mới chọn doanh nghiệp này mua heo dự trữ”.
Còn ông Hà Văn Rao, giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định việc tỉnh có chủ trương mua heo chưa bị dịch để tránh thiệt hại cho nông dân là tốt, mang ý nghĩa thiết thực. Tuy vậy, đáng ra và rất cần thiết phải yêu cầu Phú An Sinh thế chấp hay bảo lãnh ngân hàng. Một doanh nghiệp mạnh, làm ăn thật sự thì việc bảo lãnh ngân hàng rất đơn giản và dễ dàng.
Hiện tài sản có giá trị lớn nhất của Phú An Sinh là nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm đặt tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được ông Phan Văn Minh thế chấp vay ngân hàng hơn 13 tỉ đồng. Nhà máy này đi vào hoạt động từ đầu năm 2009 với diện tích 30.000m2, công suất giết mổ từ 16.000-20.000 con gà/ngày và 500 con heo/ngày. Nhưng từ nhiều tháng nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận