14/05/2020 10:04 GMT+7

Ai chấp nhận là 'người khuyết tật'?

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - "Ai cũng gù" - đó là cách nói về chuyện bè phái, địa phương, lợi ích nhóm...

Ai chấp nhận là người khuyết tật? - Ảnh 1.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) rời tòa ngày 13-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Bà Liên nói đã đề nghị các giám khảo chấm "có lợi cho học sinh của tỉnh mình", đặc biệt có nhiều trường hợp được nâng điểm, không làm theo sẽ khó vì "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Việc nâng điểm cho thí sinh tỉnh mình trong một kỳ thi cấp quốc gia vì bất cứ lý do gì cũng là sai, quá sai. Một bạn đọc bình luận trên Tuổi Trẻ Online, rất ngắn gọn: "Sự thật khó tin và đau lòng!". Sự khó tin ở đây có lẽ là nói về câu chuyện tày đình mà cũng có nhiều người cùng dám thực hiện. 

Còn chuyện "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" có lẽ là chuyện không cần phải nêu từng dẫn chứng cụ thể vì không phải là quá cá biệt, nếu chúng ta nhìn đầy đủ vào cách mà cuộc sống đang vận hành.

"Ai cũng gù" - đó là cách nói về chuyện bè phái, địa phương, lợi ích nhóm... Ở nhiều nơi, nhiều lúc, dù mức độ có lớn - nhỏ khác nhau nhưng tệ bè phái, địa phương, lợi ích nhóm... phải khẳng định là có. Thật đáng sợ khi cùng nhau làm chuyện xấu, cùng gật gù bỏ qua lỗi sai, sự gian dối. Kết bè với nhau làm chuyện xấu và kèm với đó là sự đảo lộn mọi thứ trật tự xã hội, cương thường đạo lý đến đau lòng.

Có thể là nể nang. Nhưng vì sao nể nang đến mức bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm của chính mình? Vì sao cuộc sống và cả một hành lang pháp luật, quy tắc luôn hướng người ta đến cái thiện, thậm chí là có chế tài, bắt buộc để duy trì cái thiện mà đến lúc người hướng thiện, đứng thẳng lại bị xem là bất bình thường, là "khuyết tật" của cuộc sống?

Đặt ra câu hỏi này không cần chỉ rõ ai, tổ chức, địa phương nào. Chỉ ước sao mỗi người đứng trong mọi hàng ngũ cùng công việc được giao tự mình đưa ra câu trả lời mỗi ngày, chứ không phải chờ đến khi phải dắt díu nhau đối diện với sự phán xét của pháp luật lại trả lời theo kiểu bất thường của bị cáo Liên. 

Với ngành giáo dục, vốn được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc hàng dọc - hàng ngang rất tốt thì từ những vụ án gian lận thi cử như Hòa Bình, đã có nhiều băn khoăn về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trả về cho các địa phương làm "chủ xị". Kỳ thi chưa đến, nhưng nhắc lại chuyện này để mong cuộc thi diễn ra công bằng, đúng pháp luật.

Và dù có rơi vào "cảnh gù", nhưng vì lương tâm và đạo đức, vì tinh thần thượng tôn pháp luật, vì cuộc sống phải tốt đẹp để đi tới vẫn phải đứng thẳng và cổ động cho nhiều người cùng đứng thẳng, được không?

Cựu trưởng phòng khảo thí nói nâng điểm vì Cựu trưởng phòng khảo thí nói nâng điểm vì 'ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật'

TTO - Bị cáo Bùi Thanh Trà (giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn) nói học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình học lực rất yếu nên chấm 'nới tay', việc này không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên