13/03/2014 12:00 GMT+7

Ai chậm cổ phần hóa nên cho nghỉ

Thứ trưởng TRẦN VĂN HIẾU
Thứ trưởng TRẦN VĂN HIẾU

TT - Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 và 2015, đồng thời sẽ cách chức lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành cổ phần hóa, nhiều bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai.

0wqeObJx.jpg
Ảnh: ctv
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hiếu - thứ trưởng Bộ Tài chính, ủy viên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp - nói:

- Theo tôi, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải không làm được mà có quyết tâm làm hay không. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ và mọi người đánh giá cao vì đã đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp dù các doanh nghiệp ngành này bê bết nhất, hay nói cách khác là tài chính doanh nghiệp trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân làm được chả có gì khác là từ người đứng đầu đến các doanh nghiệp phải quyết liệt.

* Hồi ông làm trưởng ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Hải Phòng thì việc triển khai thực hiện cổ phần hóa như thế nào?

- Tôi ra chỉ thị nếu chậm cổ phần hóa thì giám đốc doanh nghiệp phải bàn giao công việc điều hành lại cho một phó giám đốc. Thế là sợ hết. Và chỉ trong sáu tháng, 71 doanh nghiệp Hải Phòng cổ phần hóa xong. Với kinh nghiệm này, khi trao đổi với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi cũng nói cần phải quyết liệt, giao trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp. Không thực hiện cổ phần hóa thì cho họ nghỉ. Chuyện đưa ra kỷ luật và cách chức người đứng đầu nếu chậm cổ phần hóa cũng là do Bộ Tài chính đề xuất.

Hiện nay mọi chính sách để thực hiện cổ phần hóa đã có. Tinh thần là doanh nghiệp thực hiện mà vướng đâu chúng tôi sẽ tháo gỡ ở đó. Không trường hợp nào từ doanh nghiệp hay bộ, ngành, địa phương hỏi về cổ phần hóa mà Bộ Tài chính nợ cả. Tôi chịu trách nhiệm nếu chậm trễ trong việc gỡ vướng chính sách.

* Nhiều ý kiến vẫn cho rằng không nên thoái vốn những ngành mà đang kinh doanh có lãi. Quan điểm của ông?

"Các giải pháp đã rất rõ ràng. Hơn nữa, Chính phủ đã đánh tiếng kẻng mang tên cách chức nếu chậm cổ phần hóa doanh nghiệp. Như thế đã đủ để mọi việc phải răm rắp hết. Chẳng phải kỷ luật ai đâu, tôi đảm bảo như vậy"

- Đúng là cổ phần hóa đã khó nhưng thoái vốn lại càng khó hơn. Chỉ đạo của Chính phủ là hạn chót đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhưng không để thất thoát. Giải pháp đã có. Đó là sẽ có một số trường hợp như đã trích dự phòng rồi thì được bán dưới mệnh giá. Đơn cử, trước đây mua 10 đồng, đã trích dự phòng 2 đồng thì nay được phép bán 8 đồng. Mặt khác, có những trường hợp phải chấp nhận bán 7 đồng, thậm chí bán 6 đồng nhưng phải xử lý cụ thể.

* Có nghĩa là chúng ta chấp nhận cho bán lỗ?

- Tùy từng trường hợp cụ thể mà chúng ta sẽ cho bán cắt lỗ để tập trung vốn vào ngành sản xuất, kinh doanh chính. Nếu để vốn nằm chết ở đó thì càng để lâu càng lỗ nữa, nhưng không có nghĩa là tháo chạy. Còn một số ngành thì phải xét nên thoái vốn lúc nào như vốn đang đầu tư xây dựng đập thủy điện. Hiện mới hoàn thành được 1/3 khối lượng công việc. Nếu bắt thoái vốn ngay thì sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Do vậy, tôi cho rằng không thể áp dụng một cách máy móc là buộc tất cả các ngành phải hoàn thành việc thoái vốn từ nay tới năm 2015.

Cần minh bạch trong cổ phần hóa

Đã có nhiều bình luận hoan nghênh Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai năm 2014-2015. Đồng thời cũng không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về khả năng thực hiện mục tiêu đó, nhất là trước bao vấn đề phức tạp cần giải quyết để không chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, mà quan trọng hơn là đạt được những mục đích chính yếu của CPH: rút bớt sự tham gia trực tiếp của Nhà nước trong các hoạt động thuần túy kinh doanh ở các lĩnh vực không thiết yếu, chuyển một phần tài sản và nguồn lực do khu vực DNNN nắm giữ ra thị trường để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và nguồn lực đó...

Một trong những điều quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng của quá trình này là tính minh bạch. Riêng đối với các DNNN sẽ CPH đợt này cũng có vô số điều cần minh bạch hóa.

Trước hết là minh bạch về từng DNNN sẽ CPH và tài sản gắn với họ. Phải công bố công khai, minh bạch những thông tin tối thiểu cần thiết về DNNN đó cùng tất cả các loại tài sản mà từng đơn vị đang nắm giữ, đã được kiểm toán và có thể kiểm chứng. Bên cạnh những thông tin cơ bản về DN và hoạt động kinh doanh của DN, rất cần làm rõ cả cơ cấu sở hữu, quản trị vốn và tài sản ở DN hiện tại và hướng xử lý khi CPH, đặc biệt trong những trường hợp cơ cấu đó chồng chéo, phức tạp. Người có ý định mua cổ phần của DN không thể yên tâm khi không biết DN mình định mua trên thực tế đang thuộc về những ai; DN có những khoản nợ đồng lần nào, ở đâu, có khả năng gỡ ra không.

Thứ hai, minh bạch về tỉ lệ CPH ở từng DNNN: tỉ lệ Nhà nước sẽ giữ lại, tỉ lệ dành cho người lao động, tỉ lệ dành cho đối tác chiến lược nếu có, tỉ lệ bán ra thị trường cho các nhà đầu tư khác là bao nhiêu. Ba loại tỉ lệ đầu chỉ nên hạn chế ở mức tối thiểu cần thiết, và phải có lý do chính đáng cùng những điều kiện rõ ràng cho chúng. Loại tỉ lệ bán ra thị trường cần đủ lớn và bảo đảm quyền được lưu thông để các nhà đầu tư an tâm mua. Người có ý định mua cổ phần cần biết trong tương lai theo cơ cấu vốn mới ai sẽ nắm quyền quyết định nhất ở DN, liệu mình có thể tin tưởng họ không, mình có thể mua được lượng cổ phần mong muốn không, và cổ phiếu của mình có được quyền tự do lưu thông như một thứ tài sản mà mình có thể bán ra mua vào khi cần không...

Thứ ba, minh bạch các khâu trong quá trình CPH như quy trình đánh giá, thẩm định giá trị DNNN, công bố thông tin, chào bán cổ phần ra thị trường, thương thảo và quyết định mua bán... diễn ra như thế nào. Đặc biệt cần làm rõ những đối tượng không được phép mua (các DNNN trong cùng tập đoàn/tổng công ty, các DNNN khác), các đối tượng bị hạn chế lượng cổ phần (nhà đầu tư nước ngoài, trong những trường hợp cần hạn chế), các đối tượng có thể được ưu đãi hay khuyến khích mua (có công nghệ hoặc năng lực có thể giúp DN phát triển vượt trội)...

Thứ tư, minh bạch về quản trị DN và quản trị nhà nước đối với DN sau CPH. Điều quan trọng nhất là cam kết DN sau CPH sẽ nâng cấp hệ thống quản trị; Nhà nước chỉ có quyền tham gia quyết định ở DN tương ứng với tỉ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ; DN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và chịu sự quản lý của Nhà nước theo luật pháp như mọi DN khác. Cải thiện quản trị DNNN là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của CPH. Sau CPH, DN phải thực hiện hệ thống quản trị tốt theo chuẩn mực quốc tế thông dụng, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường - đặc biệt là nguyên tắc cạnh tranh và “lời ăn lỗ chịu” - cũng như kỷ cương phép nước như mọi DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Cách thức của Nhà nước “quản lý” DN cũng phải thay đổi hẳn, chấm dứt hoàn toàn những biệt đãi hay can thiệp hành chính vào DN.

Thứ năm, minh bạch những biện pháp Nhà nước sẽ áp dụng để thực hiện chương trình CPH, trong đó quan trọng nhất là: sửa đổi các quy định pháp lý và chính sách đang gây trở ngại hoặc có thể làm sai lệch CPH; ban hành các quy định mới cần thiết; tạo thị trường cho việc mua bán DN và cổ phần ở các DN; cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN phát triển trên cơ sở cạnh tranh, bình đẳng; thay đổi hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước áp dụng chung đối với DN mọi loại hình sở hữu theo hướng khuyến khích cạnh tranh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực...

Lẽ dĩ nhiên muốn chương trình CPH thành công thì phải có quyết tâm chính trị thật sự từ lãnh đạo cấp cao nhất thấm xuống các tầng nấc có trách nhiệm, tuy nhiên minh bạch là yêu cầu đầu tiên và cũng là phương cách hữu hiệu để giúp quá trình này.

Thứ trưởng TRẦN VĂN HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên