Theo Hãng tin Reuters, viện trợ cho Gaza từ một số quốc gia đang tập trung ở bán đảo Sinai của Ai Cập, do các bên không đạt được thỏa thuận cho phép vận chuyển hàng hóa an toàn tới vùng đất này.
Theo các nguồn tin an ninh, 8 máy bay chở đầy hàng viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Jordan, Tunisia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hạ cánh xuống sân bay Al Arish ở Sinai những ngày gần đây.
Việc sơ tán một số người mang hộ chiếu nước ngoài qua cửa khẩu Rafah vào Ai Cập cũng chưa đạt được thống nhất. Rafah là cửa khẩu chính để người tị nạn thoát khỏi Dải Gaza, đi vào Ai Cập.
Các cuộc bắn phá của Israel ở phía Gaza của cửa khẩu Rafah đã làm gián đoạn các hoạt động ở đó.
Ngày 14-10, Giám đốc viện trợ Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths cho biết tình hình nhân đạo ở Gaza đang trở nên không thể giải quyết được.
Ai Cập đang cảnh giác trước viễn cảnh người dân ở Dải Gaza có thể phải sơ tán do cuộc bao vây và bắn phá của Israel, nhằm trả đũa cuộc tấn công tàn khốc của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine.
Giống như các quốc gia Ả Rập khác, Ai Cập cho rằng người Palestine nên ở lại vùng đất của họ khi chiến tranh leo thang. Cairo đang nỗ lực để đảm bảo việc cung cấp viện trợ cho Dải Gaza.
Văn phòng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đưa ra tuyên bố mới sau cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia. Theo đó, Ai Cập bác bỏ bất kỳ kế hoạch di tản người Palestine nào "gây bất lợi cho các nước khác", đồng thời nhấn mạnh an ninh của chính Ai Cập là một lằn ranh đỏ.
Theo tuyên bố, ông Sisi cũng đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngày 14-10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói với Đài CNN rằng cửa khẩu Rafah đã mở nhưng những con đường dẫn đến đó ở Gaza "không thể hoạt động" do cuộc bắn phá của Israel.
Ông Shoukry nói nếu công dân nước ngoài có thể qua biên giới thì Ai Cập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ khởi hành về nước.
Ngày 15-10, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để giúp đỡ những người đang bị bao vây ở Dải Gaza. Giáo hoàng cũng một lần nữa kêu gọi Hamas thả các con tin bị bắt giữ.
"Tôi mạnh mẽ yêu cầu trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả dân thường không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột...
Cầu mong các quyền nhân đạo được tôn trọng, đặc biệt ở Dải Gaza, nơi việc đảm bảo các hành lang nhân đạo để giúp đỡ toàn bộ người dân là điều cấp thiết và cần thiết", Giáo hoàng Franicis nói trong bài phát biểu hằng tuần trước hàng ngàn người ở Quảng trường Thánh Peter.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận