Phóng to |
Thành viên phong trào Anh em Hồi giáo biểu tình tại Cairo yêu cầu phục chức cho cựu Tổng thống Morsi - Ảnh: Reuters |
Trong thông cáo phát đi qua hãng thông tấn quốc gia MENA, thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem Beblawi lần đầu tiên gọi phong trào này bằng cụm từ “Tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo”.
Trước đó một ngày, một vụ đánh bom xe xảy ra tại trụ sở cảnh sát Daqhaleya - thành phố Mansoura, phía bắc Cairo khiến 15 người chết, hơn 100 người bị thương. Giới chức Ai Cập lập tức quy trách nhiệm cho phong trào Anh em Hồi giáo đã gây ra vụ tấn công kinh hoàng này.
Phản ứng ngay sau đó, chính quyền Cairo nhấn mạnh: “Cả Ai Cập kinh hoàng trước vụ tấn công đồn cảnh sát Daqhaleya do Anh em Hồi giáo gây ra ngày 24-12. Chính phủ quyết định tuyên bố Tổ chức Anh em Hồi giáo, từ nay là tổ chức khủng bố”. AFP dẫn thêm câu “kết luận” quan trọng của chính quyền lâm thời “những thành viên nào vẫn còn tiếp tục theo phong trào này sẽ bị trừng phạt theo pháp luật”.
Như vậy, chính quyền Cairo đã sử dụng chiêu trừ khử phong trào Anh em Hồi giáo - một “cái gai” trong mắt bấy lâu bằng cách vịn vào sự kiện đánh bom đồn cảnh sát làm cớ liệt phong trào này vào nhóm “khủng bố”.
Khi đã là “khủng bố”, Cairo dễ thanh trừng thẳng tay bằng các biện pháp cưỡng chế theo luật hình sự, thậm chí là bắt bớ, tiêu diệt các thành viên của phong trào này vì “an ninh quốc gia”. Đây là một nỗ lực để “đóng khung” Anh em Hồi giáo vào tầm giám sát để dễ điều khiển - AFP nhận định.
Hôm nay (26-12), phản ứng lại quyết định của Cairo, phong trào Anh em Hồi giáo khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình trên diện rộng khắp Ai Cập phản đối quyết định của chính phủ lâm thời. AFP dẫn lời Ibrahim Munir - một thành viên của phong trào này đang sống lưu vong tại London (Anh) cho biết “những cuộc biểu tình chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra. Hành động của Cairo là “bất hợp pháp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận