Bên lề hội thảo Hong Kong Laureate Forum, ông đã có cuộc trò chuyện riêng cùng Tuổi Trẻ về chặng đường gắn bó với y khoa. Ông bắt nhịp câu chuyện:
- Cha tôi mua rất nhiều sách khoa học và tôi có cơ hội tiếp xúc với chúng từ lúc còn rất nhỏ. Khi đến trường, tôi cũng bắt gặp rất nhiều tạp chí khoa học, đồ chơi, hình ảnh các nhà khoa học treo khắp tường... Có lẽ nhờ môi trường như vậy mà niềm đam mê khoa học được thắp lên trong tôi từ sớm.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác sướng đến run người khi qua Anh du học, được gặp một nhà khoa học thần tượng mà trước đó chỉ nhìn thấy ảnh trên tường. Tuy rất phấn khích nhưng tôi cũng hoang mang lắm vì kiến thức của ông ấy quá rộng và phức tạp, chắc chỉ hiểu chừng 40% điều ông ấy nói. (cười)
EQ càng cần khi AI lên ngôi
* Người ta nhắc nhiều đến EQ (trí tuệ cảm xúc) của những người làm nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay. Với ông, điều này thế nào?
- Cá nhân tôi cho rằng EQ là một yếu tố rất quan trọng, nhất là trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) đã có thể làm nhiều thứ tốt hơn hẳn con người. Hầu hết các lĩnh vực hiện cần người có kiến thức bổ trợ, có tinh thần làm việc nhóm bên cạnh kiến thức chuyên môn.
Đơn cử như nếu một cá nhân đầy tài năng trong lĩnh vực y sinh nhưng lại vụng về trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chẳng có sự hỗ trợ về kiến thức luật, tâm lý, đạo đức... các dự án nghiên cứu sẽ khó đạt tính ứng dụng cao.
* Ông đang nói đến nghiên cứu và hiện thực hóa kết quả vào thực tiễn?
- Chúng ta cần viết nghiên cứu khoa học như thế nào để không chỉ bản thân hiểu mà những người khác đọc cũng hiểu. Một nghiên cứu công phu nhưng quá khó hiểu có thể sẽ bị hiểu sai, làm sai, thậm chí lãng quên hẳn nghiên cứu đó trong 20 năm kế tiếp, gây lãng phí lớn.
Hay để thương mại hóa công trình nghiên cứu một cách hiệu quả, chúng ta phải giải thích thật sự dễ hiểu về tính khả thi, hữu dụng cho cộng đồng, nhà đầu tư.
Dĩ nhiên việc đơn giản hóa các kiến thức hàn lâm không phải luôn dễ dàng nhưng tôi cho rằng với các công nghệ, nghiên cứu quá phức tạp, chúng ta chỉ cần tập trung vào điều cốt lõi nhất, mổ xẻ để mọi người hình dung rõ nét nhất, không giải thích cặn kẽ cái ít quan trọng giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, bớt dài dòng, đảm bảo không sai về bản chất.
Ý nghĩa hơn khi học được từ thất bại
* Làm sao để vượt qua những khó khăn trong hành trình nghiên cứu, thưa ông?
- Chúng ta biết làm khoa học chưa bao giờ dễ dàng, thất bại luôn sẵn sàng ập tới, nhất là với các nhà nghiên cứu trẻ. Nhưng thất bại sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta học được gì từ đó.
Hiện hầu hết các nghiên cứu đều là thành quả từ một nhóm nên đôi khi thất bại là cơ hội để mỗi thành viên thật sự lắng nghe, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thành viên khác trong nhóm.
Tôi có một thói quen là thường lôi giá vẽ ra để đắm chìm trong thế giới hội họa. Điều này thật sự hiệu quả để đầu óc thư giãn, từ đó lóe lên những cách tiếp cận, giải thích vấn đề một cách nhẹ nhàng.
* Trong nhiều giải thưởng danh giá đoạt được, giải thưởng nào có ý nghĩa nhất với ông? Hẳn là ông cũng có tham vọng của riêng mình?
- Sẽ rất khó chọn ra giải thưởng nào quan trọng hay ý nghĩa nhất với tôi. Nhưng tôi đang nghĩ về The Lasker Award, giải thưởng đã 75 tuổi đời và danh giá nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh. Tôi thật sự choáng ngợp khi biết thành tích của những cá nhân đoạt giải những năm trước đây.
Thông qua giải thưởng, tôi cũng có dịp gặp, học hỏi nhiều từ các nhà khoa học vang danh thế giới. Những điều ấy khiến giải thưởng này có lẽ là đặc biệt nhất trong những thành tựu tôi đạt được. Nói ngắn gọn về tham vọng, tôi nghĩ mình cố gắng để làm sao các công nghệ của mình có thể phục vụ với giá rẻ nhất.
* Ông đã từng đến Việt Nam, hay có từng dõi theo, làm việc cùng các nhà nghiên cứu người Việt chưa?
- Tôi đã tới Việt Nam ba lần, hai lần đến TP.HCM và một lần tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Tất cả đều là những trải nghiệm đẹp, đáng nhớ. Tôi cũng biết ở Việt Nam có giải thưởng khoa học danh giá với giải thưởng đến hàng triệu USD.
Việt Nam là một quốc gia trẻ và năng động. Tôi nghĩ các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam hoàn toàn có thể vươn cao, bay xa khi có những cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ các bộ óc ưu việt trên thế giới, tham gia các hội thảo khoa học quốc tế...
Người "tạo bước đột phá cho y học hiện đại"
Đây là danh xưng nhiều tờ báo trên thế giới nói về giáo sư Dennis Lo khi ông tìm ra phương pháp xét nghiệm tiền sản cho bào thai về hội chứng di truyền, tạo bộ gene hoàn chỉnh, tầm soát ung thư giai đoạn sớm.
Ông còn được nhắc đến với các nghiên cứu xét nghiệm máu cho người trưởng thành để chẩn đoán các dạng ung thư gan, mũi và vòm họng từ sớm.
Giáo sư Dennis Lo là thành viên Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ và là thành viên sáng lập Viện hàn lâm Khoa học Hong Kong (Trung Quốc). Hiện là lãnh đạo tại ĐH CUHK (The Chinese University of Hong Kong), ông tốt nghiệp ĐH Cambridge và tiến sĩ y khoa ĐH Oxford (Anh).
Ông sở hữu hàng chục bài báo khoa học công bố trên các tạp chí y khoa quốc tế. Đồng thời đoạt nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng quốc tế về y học King Faisal 2014, giải thưởng Khoa học tương lai, Khoa học đời sống 2016, giải thưởng Đột phá 2021...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận