Luật sư Paul Reichler trong một phiên tranh tụng tại Tòa án quốc tế về Luật biển - Ảnh: ITLOS |
“Chúng tôi đang tham vấn với đội ngũ luật sư để gửi đề xuất lên tòa xem có thể đẩy nhanh quy trình hay không” - ông Jose nói.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tái khẳng định quyết tâm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không muốn thách thức Trung Quốc hoặc khiêu khích họ, nhưng tôi tin rằng họ phải thừa nhận việc chúng tôi cũng có quyền bảo vệ lợi ích của nước mình. Người dân Philippines tin rằng đó là cách thức đúng đắn”.
Những luật sư đến từ Mỹ
Philippines đã thành lập đoàn ra tranh tụng. Công tố trưởng Francis H. Jardeleza sẽ đại diện Philippines tại Tòa án trọng tài thường trực. Luật sư Paul Reichler của Công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại Washington D.C sẽ lãnh đạo biện hộ cho Philippines.
Luật sư Paul Reichler được “Tố tụng toàn cầu 2010” đánh giá “là một trong những người hành nghề luật được kính trọng nhất và giàu kinh nghiệm nhất thế giới trong lĩnh vực công pháp quốc tế. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc đại diện quốc gia trong các tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác, và trong các tranh chấp với các nhà đầu tư nước ngoài, với nhiều kinh nghiệm khởi kiện thay mặt các nhà nước“.
Nhìn vào hồ sơ sự nghiệp của luật sư Reichler có thể thấy ông dành gần như cả đời để đại diện nhiều nước nhỏ đối chọi với những nước lớn. Tỉ như vụ Nicaragua kiện Mỹ (1984-1986) liên quan đến việc sử dụng bất hợp pháp vũ lực trong quan hệ quốc tế. Ông Reichler từng được tổng thư ký của Tổ chức các nước châu Mỹ bổ nhiệm làm hòa giải viên trong vụ tranh chấp biên giới trên đất liền và trên biển giữa Guatemala và Belize (2000-2002). Gần đây ông giúp Nicaragua kiện Colombia (2007-2012), Bangladesh kiện Myanmar trước Tòa án quốc tế về Luật biển (2009-2012), Mauritius kiện Vương quốc Anh (2010 đến nay)...
Dấu ấn gần đây của luật sư Reichler chính là vụ Bangladesh giành thắng lợi trước Myanmar trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền tại vịnh Tây Bengal. Vào tháng 3-2012, Tòa Luật biển quốc tế (ITLOS) đã công nhận tuyên bố chủ quyền của Bangladesh với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tại khu vực trên. Đây là phán quyết cuối cùng trong vụ tranh chấp kéo dài hàng chục năm giữa hai nước.
Năm 2009, Bangladesh quyết định kiện Myanmar ra ITLOS và ông Reichler đã đóng vai trò chủ chốt trong nhóm luật sư đại diện cho Dhaka. Sau chiến thắng vang dội, Bangladesh hi vọng có thể giải quyết tranh chấp tương tự về lãnh hải với Ấn Độ vào năm 2014 và tất nhiên ông Reichler sẽ tiếp tục được lựa chọn.
Cùng luật sư Reichler còn có luật sư Lawrence Martin cũng thuộc Công ty luật Foley Hoag LLP, cũng đầy kinh nghiệm ra trước Tòa án quốc tế (ICJ), Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), Tòa trọng tài thường trực (PCA), ITLOS. Lawrence Martin nổi tiếng trong các vụ xử liên quan đến tranh chấp Luật biển.
Đặc biệt Lawrence Martin thông thạo cả tiếng Quan thoại, tức ngôn ngữ của Bắc Kinh. Các luật sư lão luyện trên rất cần thiết để “biên kịch” và dàn dựng kịch bản ra tòa tranh luận vốn không chỉ là nơi đấu lý mà còn là nơi đấu kỹ năng tranh luận, thậm chí kỹ xảo gài bẫy, điều mà không phải cứ là giáo sư, luật gia đều có năng khiếu.
Tuy các luật sư trên đã vào hàng lão luyện, song như trong mọi vụ tranh tụng khổng lồ khác, còn cần đến một đội ngũ chuyên gia pháp lý là những giáo sư luật lão thành để làm rường cột pháp lý.
Đứng đầu danh sách chuyên gia này là giáo sư Bernard H. Oxman, tốt nghiệp luật khoa Đại học Columbia từ năm 1965, đã từng kinh qua vị trí phụ tá cố vấn pháp lý về đại dương, môi trường và khoa học ở Bộ Ngoại giao Mỹ, từng là đại diện thường trực của Mỹ tại hội nghị Luật biển Liên Hiệp Quốc lần thứ ba, cùng chủ tọa nhóm dự thảo văn kiện Luật biển bằng tiếng Anh.
Giáo sư Oxman chuyên dạy chuyên đề xung đột Luật biển, hiện là giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ về Luật biển và bờ biển của Trường luật Miami. Giáo sư Oxman không chỉ là một pho luật biển “sống” mà còn từng là thẩm phán ở ITLOS, từng thụ lý vụ tranh tụng giữa Malaysia và Singapore.
Ông là luật gia người Mỹ duy nhất được bổ nhiệm làm chánh án tại cả hai tòa án quốc tế ICJ và ITLOS. Thành ra với giáo sư Oxman, các “ngóc ngách” của Công ước Luật biển như thế nào, nước nào đã từng “lách” như thế nào, được hay không, lý lẽ thế nào, đáp trả ra sao, các thẩm phán sẽ chất vấn những gì... như trong lòng bàn tay ông.
Tinh thần luật pháp
Bên cạnh đó, báo chí Philippines cùng các chính trị gia và học giả Philippines, trên các ấn bản tiếng Anh, cũng góp phần tích cực vào cuộc tranh luận này, chứ không chỉ “ta chửi, ta nghe”.
Có thể nêu tên giáo sư Renato de Castro của ĐH De la Salle, mà tuần rồi đã đến dự hội thảo ở Đà Nẵng để chia sẻ kinh nghiệm hơn một năm theo đuổi vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Hoặc học giả Noel M. Moradan, nguyên giáo sư Viện đại học Philippines Diliman, hiện là giám đốc khảo cứu của Viện đại học Queensland (Úc). Danh sách này còn dài.
Đó chính là một lợi thế cạnh tranh rất “đặc sắc Philippines” so với Trung Quốc, “bên bị” của vụ kiện trọng tài này. Điều này tương phản hoàn toàn với “đặc sắc Trung Hoa” qua phát biểu của phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Manila, Zhang Hua, sau khi Philippines nộp xong hồ sơ xin trọng tài: “Việc sở cậy đến trọng tài không đáp ứng mong mỏi hữu nghị của nhân dân cả Trung Quốc lẫn Philippines. Tranh chấp lãnh thổ trên biển không (chiếm trọn) mối quan hệ Trung - Philippines. Đối với người Trung Quốc, tránh kiện tụng là một phần của văn hóa và truyền thống của Trung Quốc. (Thành ra) Chúng tôi thấy có đủ lý do để cho cả hai bên ngồi lại và giải quyết vấn đề thông qua thương lượng thay vì đưa vụ này ra tòa”.
Quả là phát ngôn viên Zhang Hua rất thành thật khi nhắc tới nhắc lui rằng “tránh kiện tụng là một phần của văn hóa và truyền thống của Trung Quốc”. Tập quán “tránh kiện tụng” phản ánh tinh thần “vô phúc đáo tụng đình”. Nếp suy nghĩ “cổ truyền” ấy phải chăng do cầm chắc rằng ra tòa là “trảm”, hoặc do không tin tưởng vào sự ngay thẳng của những người cầm cân nảy mực?
Trong khi đó ở Philippines, muốn hay không muốn, mấy trăm năm đô hộ của thực dân Tây Ban Nha và Mỹ cũng đã để lại một di sản tinh thần luật pháp rất bén rễ nơi người Phi, thậm chí còn vững chãi hơn cả khu phố cổ Intra Muros trong thủ đô Manila. Hai hệ thống pháp lý và luật học đó đã bắt đầu bắt rễ ở đất nước này từ năm 1733 với các khoa giáo luật và dân luật của Đại học Santo Tomas.
Di sản thực dân đó ngày nay là một hệ thống pháp lý và tư pháp gần gũi hệ thống luật pháp quốc tế, từ luật La Mã (thừa kế từ luật Tây Ban Nha) đến luật Anh - Mỹ (từ luật Mỹ) và cả luật Shariah Hồi giáo (do có một cộng đồng Hồi giáo trong nước và kề cận các nước láng giềng theo Hồi giáo) cùng một đội ngũ luật sư rất quen và thạo tranh tụng, kể cả tranh tụng quốc tế.
Tôi nghĩ rằng các quốc gia công khai bất chấp luật lệ quốc tế, các thủ tục pháp lý quốc tế hay công khai bất chấp các nghĩa vụ đã đồng ý khi ký tham gia công ước sẽ phải trả giá đắt. Cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Công ước đó trao cho các nước tham gia các quyền lợi nhưng cũng gắn với các nghĩa vụ. Ít ra Trung Quốc đã công khai lên tiếng phản đối chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa đơn phương và ủng hộ luật pháp quốc tế, các hiến chương của Liên Hiệp Quốc, các hiệp ước quốc tế cũng như ủng hộ quyền chủ quyền của các nước nhỏ hơn. Giờ họ ở trong tình thế phải chứng tỏ họ thật sự tin tưởng vào các nguyên tắc đáng trân trọng đó. Bất kỳ nước nào phớt lờ các cam kết và nghĩa vụ theo luật pháp và hiệp ước quốc tế mà họ đã ký thì họ sẽ đánh mất uy tín và sự tôn trọng của quốc tế. Luật sư PAUL REICHLER |
Kỳ tới: Khi Bắc Kinh ve vãn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận