Xây dựng năm Giáp Tý (1744), chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại TP.HCM - Ảnh: ÁI NHÂN
Những ngày qua, Thượng tọa Thích Từ Tánh (trụ trì chùa Giác Lâm) và Thượng tọa Thích Từ Trí (phó trụ trì chùa) liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi hỏi mua phần đất cổ tự.
Thượng tọa Thích Từ Trí cho hay vừa qua có người đến chùa trưng ra giấy đặt cọc 10 tỉ đồng để mua một phần đất khoảng 2.000m2 của chùa (chùa có diện tích khoảng hơn 2 ha) với giá 60 tỉ đồng.
"Ngươi đó hỏi nhờ chùa xác nhận đất không có tranh chấp để đi làm thủ tục giấy tờ..." - Thượng tọa Từ Trí nói.
Ngoài người này, còn có nhiều người khác đến chùa trưng ra các giấy đặt cọc với số tiền khác nhau để mua phần đất trên và hỏi thăm pháp lý phần đất.
"Phía nhà chùa đã khẳng định rất rõ ràng đây là phần đất của chùa, do Giáo hội quản lý, không có tranh chấp và không thể đem ra mua bán được..." - Thượng tọa Từ Trí cho hay.
Thượng tọa Từ Trí cho biết sỡ dĩ có sự việc này là do có một người vốn là sư thầy thuộc Giáo hội được giao quản lý phần đất trên trước đó. Phần đất bao gồm văn phòng chùa Giác Lâm, vườn hoa và đất xây bảo tháp của chùa.
"Khi còn thuộc Giáo hội, sư thầy này chỉ được ủy quyền quản lý, đất vẫn là đất chùa, không thể mua bán được. Không hiểu sao nhiều người vẫn đặt cọc mua..." - thượng tọa Từ Trí khẳng định.
Chùa Giác Lâm đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1989 - Ảnh: ÁI NHÂN
Tọa lạc tại số 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình trên diện tích khoảng hơn 2ha, chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại TPHCM, với kiến trúc được xem tiêu biểu cho lối kiến trúc của các ngôi chùa tại Nam bộ.
Chùa được xây dựng năm Giáp Tý (1744), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, là nơi đào tạo về kinh pháp và giới luật đầu tiên cho chư tăng Gia Định và cả Nam bộ, nơi in ấn các sách kinh phát hành cho vùng Nam bộ.
Kể từ lúc thành lập đến nay, chùa đã trải qua 3 lần trùng tu, năm 1798 - 1804, 1906 - 1909 và 1999.
Vào các dịp lễ lớn hàng năm, chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và khách quốc tế đến tham quan, thắp hương và cầu bình an.
Chùa đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1989.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận