TTCT - Tiếp theo ký sự kỳ trước: “Nước Nga trước tháng 3-2012”, TTCT đã gặp giáo sư - tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov, trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Saint Petersburg, người vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Cuộc trò chuyện xoay quanh tình hình nước Nga trước cuộc bầu cử tổng thống 2012, về mối quan hệ Việt - Nga. Phóng to GS.TS khoa học V.Kolotov trong cuộc nói chuyện tại Đại học KHXH&NV TP.HCM tháng 2-2012 - Ảnh: T.T. Cái mai và con rùa... * Trong bài giảng về ”Cuộc chiến tranh thông tin” cho sinh viên, ông kể câu chuyện con rùa từ bỏ cái mai cứng vốn là tấm khiên che chở mình chỉ vì... nghe theo quảng cáo. Nhưng cuộc chiến thông tin hiện nay có vẻ đa dạng hơn nhiều? - Vâng, tôi thường bắt đầu bài giảng về nghệ thuật của chiến tranh thông tin cho sinh viên bằng câu chuyện ngụ ngôn mới về con rùa. Con rùa mang cái mai cứng rất nặng. Dĩ nhiên rùa rất mệt, nhưng nếu cáo xuất hiện thì rùa có thể nấp ngay dưới cái mai, cáo không sao ăn thịt được. Thế rồi một ngày đẹp trời, thế giới toàn cầu hóa. Cáo đề nghị mua đứt mai rùa. Rùa nhất quyết không bán. Một hôm nọ, nhân lúc không có cáo, rùa thò đầu ra khỏi mai và bắt gặp một quảng cáo trên tivi màn hình phẳng. Tivi nói cáo đã chuyển sang ăn chay rồi, không nguy hiểm nữa. Thế là rùa bán mai lấy tiền đi du lịch bằng máy bay, vì từ lâu rùa đã mơ được bay. Và rồi ngày rùa bán mai cho cáo cũng chính là ngày cuối cùng của đời rùa. Trong lý thuyết chiến tranh thông tin, điều đầu tiên là phải làm sao để đối thủ tự phá vỡ hệ thống bảo vệ mình. Công nghệ “cách mạng màu sắc” phần nào dựa trên nguyên tắc này. Phải nói cuộc chiến thông tin hiện nay mang tính toàn diện. Internet tạo điều kiện cho ta sống trong một không gian ảo, và trong thế giới đó ai biết nắm nhiều thông tin hơn có thể điều khiển người biết ít hơn, nhất là những người quen sống trong thế giới ảo; thậm chí có thể điều khiển cả thế giới. * Ở nước Nga, cuộc chiến tranh thông tin này có vẻ vô cùng ác liệt. Cứ vào đọc các trang web Nga là sẽ thấy. Người Nga “xoay xở” như thế nào giữa những dòng thông tin này? - Cuộc chiến này đúng là diễn ra không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà còn trên các mạng xã hội, các diễn đàn. Người ta xoay xở theo trình độ học vấn và trí tuệ của mình, nhưng thật ra cũng có những chiến lược tuyên truyền và phản tuyên truyền. Tôi có thể đơn cử nhiều: thí dụ chuyện một đài truyền hình nước ngoài chiếu một phóng sự về bạo loạn ở Matxcơva, quay cảnh thủ đô Nga trong đó dân chúng đụng độ với lực lượng cảnh sát, thế nhưng bối cảnh phía sau là những loại cây cối không có ở Matxcơva. Nghiên cứu kỹ, người ta phát hiện đây là phóng sự ghép hình: các tác giả đã đưa cảnh đánh nhau tại... Hi Lạp vào phóng sự về “bạo loạn” ở thủ đô Nga (1). Trước đó, năm 2008, cũng đài truyền hình đó phỏng vấn một cô bé 12 tuổi thoát khỏi cuộc chiến ở Nam Ossetia. Cô bé cho biết người tấn công là lính Gruzia, không phải lính Nga, và tỏ lời cảm ơn người Nga vì “lính Nga đến để cứu chúng tôi”, nhưng chưa kịp nói hết thì cô bị ngắt và... màn hình chuyển sang quảng cáo (2). Ông Putin từng bình luận về chuyện này là “trên cả xấu hổ”. Trên mạng xã hội Nga từng lan truyền một đường link (3) với ảnh của cuộc biểu tình ở quảng trường Manezhnaya chống V. Putin năm 2012. Thực tế, đây là ảnh biểu tình năm 1991 chống ông Gorbachev (4). Hơn nữa, ảnh còn bị làm sai lệch, vì nếu xem kỹ sẽ thấy quần chúng được “nhân bản” bằng đồ họa vi tính (5)... * Nói gì thì nói, từ nước ngoài, vào các trang tin tức ở chính nước Nga chúng tôi thấy nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Thế nhưng những cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy trên 60% cử tri ủng hộ ông Putin. Ông lý giải thế nào về những ”nghịch lý” này? - Dễ hiểu thôi, có những người bình thường ủng hộ ông Putin hoặc không ủng hộ ông ấy, nhưng có ai chịu mất thời gian để viết bài ủng hộ hoặc chỉ trích không? Tất nhiên không, người ta sẽ nói bằng phiếu. Còn truyền thông? Chị đừng quên ở Nga truyền thông đã được tư nhân hóa và chúng tôi có câu: “Ai trả tiền ăn tiệc, người đó sẽ đặt nhạc”. Thí dụ người ta tìm hiểu tác giả của bức ảnh biểu tình chống Putin nêu trên, Paul Smalley (6). Đó là ai, và có phải là tên thật? Đây là vấn đề kỹ thuật, khi người ta có phần mềm để giấu IP thật nhưng cũng có phần mềm phát hiện địa chỉ IP thật. Mấy năm trước người ta phát hiện một số bài trên Wikipedia bị sửa chữa và bổ sung rất nhiều từ một số IP, kiểm tra cho thấy IP này là của các máy tính từ... CIA và FBI (7). Gần đây hơn, ở Nga xuất hiện một “chiến sĩ chống tham nhũng” là Navalnyi. Đây cũng là tác giả viết các bài báo kết tội các quan chức Nga tham nhũng. Nhưng một tin tặc có nick là Hell đã phá mã email của Navalnyi và chứng minh người này nhận chỉ thị và tiền từ nước ngoài (8). Đấy, chiến tranh thông tin đang “ác liệt” như thế đó! * Theo logic của ông thì có vẻ như ta cũng phải kiểm chứng cả những thông tin phản biện này, trước khi tin? - Dĩ nhiên. Tôi cho rằng để đánh giá một chính khách, mỗi người chúng ta cần chọn một tần số thật khách quan. Để tìm hiểu hiệu quả hoạt động của một nhà lãnh đạo quốc gia phải dựa vào thành tích cầm quyền của chính khách đó. Thí dụ, trong lúc nhiều nước trên thế giới lao đao vì các loại nợ, thì nợ quốc gia Nga có xu hướng giảm (xem biểu đồ). Đó là một trong các lý giải cho tỉ lệ 60% ủng hộ mà chị hỏi. Tất nhiên tôi cũng quan tâm đến các công nghệ của cuộc chiến tranh thông tin. Cách đây không lâu chúng tôi tổ chức một seminar để phân tích công nghệ của cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập” và nhận định chiến trường chính của cuộc chiến tranh thông tin là đầu óc của độc giả! Phóng to Kinh tế... chợ chống kinh tế thị trường * Đã nhiều lần đi về Việt Nam, lần trở lại Việt Nam vừa rồi để lại trong ông những ấn tượng gì? Đâu là điều ông đắc ý nhất và điều gì làm ông thất vọng nhất? Vì sao? - Để trả lời câu hỏi này, chắc phải viết cả cuốn sách! Đúng là tôi đã đi về Việt Nam nhiều lần kể từ thập niên 1990 và nếu trả lời ngắn gọn có thể nói là Việt Nam thay đổi nhiều lắm, và chưa bao giờ Việt Nam phát triển mạnh như hiện nay. Việt Nam cũng là nước ổn định chính trị trong khu vực, vừa hòa nhập với khu vực, vừa duy trì quan hệ đa phương với thế giới. Cũng có những điều đáng lo là vấn đề an ninh, xã hội (vẫn còn nhiều người ăn xin, phân biệt giàu nghèo rõ rệt). Hiện tượng nói thách và “chém đẹp” vẫn phổ biến, tôi gọi điều này là kinh tế... chợ, làm ảnh hưởng hình ảnh kinh tế thị trường của các bạn, gây khó chịu cho nhiều người. Còn nữa, nhiều lần đi Việt Nam còn giúp tôi nhận thấy món ăn Việt rất ngon, đặc biệt là ở các quán bình dân. Nhưng nếu vào khách sạn hoặc nhà hàng thì không hiểu sao chất lượng của các món ăn giảm xuống. Phải chăng đây là nghịch lý cho du khách về ẩm thực Việt Nam? Nhưng điều đáng buồn hơn là hợp tác giữa hai nước - từng có truyền thống quan hệ lâu đời - vẫn chưa đáp ứng mức độ thực tế. Hợp tác Việt Nam - Nga chỉ trị giá 2 tỉ đôla là không thể chấp nhận. Vì sao? Chỉ riêng hợp tác giữa thành phố Saint Petersburg nơi tôi đang sống với Hàn Quốc cũng đã trị giá 2 tỉ đôla rồi! * Theo ông, làm sao để nâng lượng và chất mối quan hệ này với tiềm năng sẵn có và trong khi, may thay, chúng chưa mai một hết? - Câu trả lời hiển nhiên thôi. Về kinh tế, phải nâng tầm hiệu quả quản lý của các quan chức Nga lẫn Việt! Còn để tăng cường hợp văn hóa - mà giữa hai nước đang còn âm ỉ những tiềm năng cũ - theo tôi biết hiện Nga đã có Dự án văn hóa thế giới với Quỹ Thế giới Nga. Tháng 11-2011 quỹ đã mở thêm trung tâm tiếng Nga tại Đà Nẵng, và đang có chương trình tài trợ cho những người dịch tác phẩm văn học Nga. Các bạn có thể tìm hiểu thêm tại địa chỉ http://www.russkiymir.ru/russkiymir/ru/rucenter/. Tôi thấy ở cả hai nước đều có Hội hữu nghị Nga - Việt, Việt - Nga hoạt động rất mạnh và mang lại kết quả rất tốt, là cầu nối không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn cả lĩnh vực kinh tế. Rất nhiều doanh nhân, nhà khoa học, nhà kinh tế là thành viên của hai hội này. Nếu lãnh đạo của hai nước biết sử dụng nguồn nhân lực này, sẽ mang lại kết quả khả quan hơn. * Trong cuộc nói chuyện tại Đại học KHXH&NV tháng 2 vừa qua, ông có đề cập sự quan tâm trở lại của người Nga về châu Á. Ông đồng thời là thành viên của Ủy ban quốc gia Nga trong Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương. “Sự trở lại” này thể hiện như thế nào qua hoạt động của hội đồng nói trên? - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Nga của hội đồng này là ông Vyacheslav Nikinov đã trình lên Tổng thống Dmitry Medvedev bản báo cáo: “Hướng đông: chiến lược của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” với phương châm: “Dựa vào phương Tây, ổn định phía nam và hướng sang phía đông”. Người ta nói Nga giống như cầu nối giữa châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng đến giờ tiềm năng này được sử dụng rất ít. Chiến lược của Nga là tìm cách thông cầu nối tiềm năng này, để nó trở thành cầu nối thực tế càng nhanh càng tốt. Chúng tôi cho rằng Nga cần phải tăng cường hợp tác với các nước tại châu Á - Thái Bình Dương trước hết trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2012, Nga sẽ tổ chức tại Vladivostok hội nghị Diễn đàn an ninh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là một bước quan trọng trong việc tìm khả năng hợp tác với đối tác trong khu vực, trở thành một bộ phận không tách rời của sự phát triển và góp phần duy trì an ninh khu vực. * Xin cảm ơn ông. __________ (1) http://piter.tv/event/Fox_News_pugaet_telezrit/(2) http://journalisti.ru/?p=446.(3) http://www.facebook.com/photo.php?fbid=2901530590923&set=a.2901526870830.131246.1640191739&type=3&theater(4) http://platon2.livejournal.com/1123924.html(5) http://www.facebook.com/photo.php?fbid=2723532130630&set=a.2110167476897.2109340.1326922052&type=1&theater....(6) http://www.facebook.com/rev.paul.smalley(7) http://news.bigmir.net/technology /2651(8) http://cuamckuykot.ru/trololo-map-of-golos-3896.html Tags: Thị trườngKinh tếKý sựĐối thoạiGặp gỡViệt Nga
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).