Trẻ em vất vả mưu sinh ngoài đường phố - Ảnh: T.T.D
Vụ việc này thêm một lần nữa cảnh báo những bất an khi trẻ mưu sinh trên đường.
Khi trẻ phải kiếm tiền quá sớm
"Trời đất ơi, sao nỡ làm vậy với một đứa trẻ!", bạn tôi nhắn đường link báo Tuổi Trẻ Online về vụ cướp tiền, đánh gãy tay em L. (13 tuổi, ở Quảng Nam) cho tôi xem kèm bình luận như vậy.
Ở nông thôn xưa nay, chuyện trẻ phụ giúp việc nhà, việc ruộng đồng vẫn được ngợi khen. Không ít thiếu niên thức khuya dậy sớm phụ mẹ bán buôn ngoài chợ.
Những câu chuyện này vẫn được ngợi khen vì lòng hiếu thảo khi trẻ sớm biết đỡ đần cha mẹ. Nhưng chuyện trẻ vào đời sớm, lao động kiếm tiền, buôn bán cầm tiền lại là chuyện khác...
Bị đánh, giật mất tiền và gãy tay. Nhìn em kể trong nước mắt khiến bao người càng phẫn nộ với hành vi của nghi phạm đã bị bắt.
Cái ác trỗi lên trong cách hành xử tàn nhẫn với cả trẻ con của nghi phạm này là một trong những khía cạnh của sự nguy hiểm mà trẻ nhỏ mưu sinh gặp phải trên đường.
Tôi từng ngồi ở công viên 30-4 ngay trung tâm TP.HCM và chứng kiến nhiều em nhỏ mưu sinh bằng nghề bán hoa tươi, kẹo cao su, vé số... tới mời khách mua giúp.
Nhiều em đứng có khoảng cách và mời, nhưng một số em thì kỳ kèo bằng cách dựa sát vào người đang được mời.
Không biết các em học "chiêu" lấy lòng khách kiểu này từ đâu, nhưng tôi thấy lo và trộm nghĩ với cách tiếp cận khách hàng như vậy rất dễ dẫn đến những rủi ro, bị xâm hại chẳng hạn.
Chưa có con số thống kê về việc trẻ em phải một mình mưu sinh ngoài đường. Thực tế trẻ đi bán hàng rong khắp nơi cho thấy con số này không hề nhỏ.
Sự ngây thơ và không thể lường được trước những việc bị lợi dụng, lừa đảo, thậm chí đánh đập dã man của kẻ ác.
Trẻ vào đời mưu sinh quá sớm, tiếp cận sớm với công việc và các kiểu hành vi ứng xử ngoài đời của người lớn (khi tâm trí và sức lực của các em vẫn chưa đủ lớn, đủ khỏe) tiềm ẩn các kiểu rủi ro, nguy hiểm khác.
Những va chạm với cuộc sống quá sớm chắc chắn không phải là điều tốt cho tâm hồn non nớt của các em.
Chúng ta nói nhiều về quyền trẻ em, có rất nhiều chương trình hướng đến việc bảo vệ trẻ em.
Nhưng có bao nhiêu bài học tình huống cụ thể ứng phó với những cạm bẫy quanh cuộc sống các em? Với những em vào đời kiếm tiền sớm càng khó có cơ hội tiếp cận với những hoạt động này.
Câu chuyện "quyền trẻ em" còn xa xôi quá với các em, đó là cái quyền được bảo vệ. Quyền ấy không ít trẻ chưa được hưởng, trước nhất trong gia đình mình.
Không ít người lớn vẫn nghĩ con cháu nhà mình thì mình có quyền đánh trẻ, khi có cơ hội thì nhiều người đẩy con vào cuộc kiếm tiền khi còn quá nhỏ.
Thậm chí đây đó vẫn còn việc dạy con bằng bạo lực hay dạy con "chiêu thức" kiếm tiền, kiếm nhiều tiền hơn.
Đừng xem là bình thường!
Ở công viên, lề đường, hàng quán ăn ở các đô thị, các điểm du lịch... không khó để tìm thấy những đứa trẻ bán bưng vất vả trên đường mưu sinh giữa khói bụi thị thành. Có em bán vé số, em bán trái cây, kẹo bánh...
Tôi từng gặp những em từ tỉnh xa vào thành phố bán vé số từ sáng sớm đến tối, có em học một buổi, đi bán một buổi.
Có những trẻ đêm hôm khuya khoắt nhưng tay vẫn cầm xấp vé số rong ruổi hàng quán để bán thêm vài tờ.
Rồi ngay cả những đứa trẻ tật nguyền cũng phải ra ngã tư đường xin tiền hoặc bán tăm bông bất kể nắng mưa, ngày này tháng nọ.
Chuyện này không có gì mới, mọi người qua lại nhìn thấy, có lẽ cũng đã quen mắt nên thấy bình thường.
Vẫn còn quá nhiều trẻ em phải đi buôn bán ngoài đường, đó là điều bất thường trong xã hội. Báo chí từng phản ánh những vụ việc trẻ 14-15 tuổi phải làm việc vất vả ở những cơ sở sản xuất nhỏ, đây được xem là góc khuất trong việc thuê nhân công vị thành niên.
Thuê mướn trẻ em là sai phạm. Vậy việc trẻ một mình lang thang đi buôn bán mỗi ngày giữa thanh thiên bạch nhật thì sao? Việc này ai cũng nhìn thấy nhưng rồi ai xử lý, xử lý ai?
Thanh niên kia đánh gãy tay, cướp tiền em nhỏ bán vé số, đó là tội ác. Nhưng chuyện đẩy trẻ ra đường mưu sinh chuyên nghiệp với nhiều hiểm họa cho thân thể, tinh thần và sự phát triển của các em, nghĩ sâu xa là sự vô cảm với trẻ.
Câu chuyện em L. thêm một lần để người lớn xem lại mình và nhìn lại thực trạng xã hội mình khi không ít trẻ phải đi kiếm tiền ngoài đường hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận