Công trường "mổ" máy bay ở làng Quan Độ
Ông Hội cho biết thêm: mổ xác máy bay chỉ là chuyện nhỏ, làng Quan Độ còn mổ... tên lửa, thiết giáp và cả chiến hạm! Ông Hội bảo tôi phải vào vai người đi mua phế liệu mới thâm nhập được bởi người làng cạy răng cũng chẳng kể chuyện nghề.
Hễ "phế liệu" là... mổ!
Dáng người thấp đậm, da ngăm đen và tóc đã ngả màu muối tiêu, thoạt nhìn cứ tưởng ông Nguyễn Thanh Long, 52 tuổi, ngụ tại Quan Độ, làm nghề đồ tể hàng thịt chứ ít ai nghĩ rằng đó là một trong những đại gia của làng Quan Độ, khét tiếng buôn khí tài quân sự cũ và là chỉ huy công trường mổ xác máy bay.
Tại công trường, ông Long chỉ vào những thân máy bay IL18 của Nga đang được các "thợ xẻ" (những người tháo dỡ các chi tiết máy bay) mổ, cười tủm tỉm: "Ông cần 2 tấn nhôm nguyên chất để làm khung nhôm kính chứ gì, muỗi! Riêng con này cũng đủ 4 tấn nhôm cho ông!".
Theo ông Long, nhìn cái máy bay to đồ sộ như ngôi nhà hai tầng thế thôi chứ trông vào nhôm chẳng được mấy hột tiền. Chủ yếu là các chi tiết máy bay gồm các dây dẫn, giắc cắm và một số bộ phận khác không được gọi bằng tên thông thường, ở đó... có những hợp kim khá đắt tiền.
Ông Long cười xòa khi tôi hỏi ai là người đầu tiên đưa nghề về làng Quan Độ để hôm nay phố làng có những ngôi nhà cao tầng ngất nghểu và xe hơi đủ loại lượn trên đường làng:
"Chả ai là ông tổ cả. Dân làng tôi đi lên từ buôn phế liệu, mua từ ống bơ sữa bò, lon bia đã dùng cho đến mua máy bay, xe bọc thép... Chúng tôi mua hết, cứ nhẩm có lãi là mua!".
Theo ông Long, quan điểm buôn bán phế liệu của dân Quan Độ là cứ cái gì hết hạn sử dụng thì được coi là... phế liệu, kể cả tàu vũ trụ.
"Với dân làng tôi, điều quan trọng nhất là thời gian nào thì người ta bán và ai chịu trách nhiệm đứng ra bán chúng, còn chuyện tiền nong không thành vấn đề!".
Ông bảo: "Chuyện làm ăn tế nhị lắm nhưng anh yên tâm, khi các khí tài quân sự cũ được bán ra thì người ta đã vô hiệu hóa nó rồi, chúng tôi chỉ mua được cái vỏ rách bươm mà thôi!".
Giàu mà lo
Phó chủ tịch xã Vân Môn Nguyễn Hữu Hậu cho hay làng Quan Độ phất lên hơn chục năm nay do kinh doanh phế liệu không kém gì làng " mổ xe" ở Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
Năm ngoái, vụ đấu thầu mua lại một nhà máy ximăng lò đứng vùng Đông Bắc đã thành phế liệu, người ta thấy thấp thoáng bóng các đại gia ở Quan Độ miệng ngậm xì gà, mắt đeo kính râm lượn qua lượn lại ở phiên đấu giá.
Chẳng biết có mua được hay không nhưng chỉ nửa tháng sau, đường làng Quan Độ đã có đủ lệ bộ của công nghệ ximăng lò đứng đang được các "thợ xẻ" phá rã, gang đi đằng gang, thép đi đằng thép.
Nguyễn Văn Hùng, một đại gia buôn phế liệu, cho hay mấy năm trước anh còn rước hẳn được... một đoàn tàu gồm mười toa và một đầu máy hơi nước về làng.
Vụ ấy Hùng trúng lớn nhưng sau lại bị "liệt" vì tham mua tên lửa (tất nhiên đã tháo đầu đạn và kíp nổ) vì ngỡ tưởng tên lửa có vạch vàng là mạ vàng, sau khi mua về phân kim mới biết là mạ đồng!
Quan Độ hôm nay có ba công trường cỡ lớn chuyên mổ xác máy bay với công nghệ là búa chim và đèn khò. Những con chim sắt khổng lồ nằm rã rượi dọc đường làng và mùi khói khét lẹt thường ngày bốc lên khiến người nơi xa mới đến tưởng như một bãi chiến trường.
Thành, công nhân mới vào nghề mổ xác máy bay, cho tôi biết sáng nay anh cùng hai người bạn đồng nghiệp vừa "đập" xong một con Mig 21.
"Cứ tưởng phản lực cơ thế nào, em choảng cho hai búa tạ mà thân đã bẹp rúm!" - Thành cười ngoác miệng.
Nhưng không phải không có những tai nạn. Ông Hậu cho hay từng có những vụ nổ đầu đạn, nổ bình khí ở Quan Độ mấy năm về trước.
Cách đây ba năm, một buổi chiều dân Quan Độ kinh hoàng vì hơn 20 người đang làm việc bỗng lảo đảo ngã lăn đùng ra đất. Thì ra một bình khí độc asen vỡ bung do một công nhân quai búa tạ vào, anh này ngỡ tưởng là bình phế liệu trong đó không có gì nên đập bẹp.
Gia đình nhà chủ thuê công nhân đã phải bán hết đồ đạc để đi nuôi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bệnh viện huyện.
Quan Độ hôm nay có gần 400 hộ dân thì có trên 40 doanh nghiệp tư nhân, gần 80 ôtô các loại. "Người dân ở đây lúc vào việc chỉ cần hô một tiếng là có vài tỉ ngay do anh em họ hàng xúm vào cho vay vốn đi "đánh hàng" mà không cần vay ngân hàng".
Bên cạnh đó, đầu ra của những phế liệu này có nơi tiêu thụ ngay... trong xã. Làng Mẫn Xá được mệnh danh là làng nghề cô đúc nhôm nằm sát ngay làng Quan Độ. Cho nên sau khi mổ xác máy bay xong, nhôm lại được dân làng Mẫn Xá mua ngay tắp lự.
Sắt vụn thì đưa sang Đa Hội (Đông Anh, Hà Nội), đồng vụn thì đưa sang Đại Bái (Gia Bình), dây dẫn, động cơ thì cho về chợ trời Hà Nội... và như thế làng Quan Độ "mổ xác máy bay" sẽ ngày càng liên tục phát triển!
"Nhưng giàu thế mà lo đấy!" - ông chủ tịch xã Vân Môn nói. Nghề buôn phế liệu và chế biến phế liệu đã làm nơi đây ô nhiễm khủng khiếp, bệnh hô hấp và bệnh da liễu luôn hoành hành khiến cả thanh niên trai tráng cũng còi cọc, ho hen.
"Anh có biết không, đợt tuyển quân vừa rồi, khối anh thanh niên bị loại vì sức khỏe kém đấy, không khí khét nồng như thế thì hỏi phổi nào chịu được, ngực thằng nào cũng lép kẹp!" - ông Hội thở dài.
Thuê "hoa tiêu" và cả... phi công!
Theo ông Hậu, các đại gia ở Quan Độ có hẳn một mạng lưới "hoa tiêu" chuyên săn tin trên mọi miền đất nước. Các đại gia Quan Độ sẵn sàng cấp tiền cho "hoa tiêu" chu du thiên hạ, miễn là có thông tin chính xác đưa về.
Đơn vị nào thanh lý tài sản cũ, điện thoại về làng ngay! Ai là người chịu trách nhiệm vụ thanh lý này, điện thoại về làng ngay!
Ông chủ Long cho hay hồi đầu đi mua chiếc IL18 thanh lý, ông đã phải thuê một phi công già đã nghỉ hưu từng lái loại này để tìm hiểu thông tin về chiếc máy bay để lượng sức mua!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận