TTCT - Siết chặt nhập cư vào Hà Nội bằng biện pháp hành chính tiếp tục gây tranh cãi khi dự thảo Luật thủ đô tái khởi động (trình Quốc hội kỳ họp thứ 4, khai mạc ngày 22-10) - một dự luật mà Quốc hội khóa trước đã không thông qua. Câu chuyện dân nhập cư cũng từng nổ ra tranh cãi tại nhiều nước. Có thể rút ra những gì từ các cuộc tranh cãi đó? Phóng to Nếu hạn chế người nhập cư, kinh tế các thành phố có đột quỵ? Cứ mỗi khi kinh tế suy thoái là người ta thường đem chuyện dân nhập cư ra bàn luận. Đó cũng là lẽ thường tình vì khi nhà bạn gặp khó khăn về kinh tế, điều đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là xem ai cần vắng mặt trong bữa cơm, mà đứng đầu danh sách chính là những người khách không mời mà đến. Ai tạo nên cái hồn bản sắc một thành phố? Cách suy nghĩ đó khi đưa vào luật rất dễ thuyết phục cử tri, rằng nên giới hạn dân nhập cư thì cuộc sống sẽ văn minh hơn, đô thị hiện đại hơn, con người đỡ chật chội hơn. Nhưng thật ra thì giới hạn dân nhập cư có cấm được họ đi ngang qua thủ đô giờ tan tầm, dành thêm tiền cho việc chống ngập sau cơn mưa, hay giảm được tỉ lệ tội phạm vốn có trong thành phố hay không? Chưa kể là dân nhập cư luôn sẵn sàng gánh lấy những công việc mà người ở lâu trong thành phố không muốn làm, mà nếu từ nay cấm tuyển thêm ôsin, cấm thuê thêm lao động tay chân thời vụ, cấm thợ từ quê ra thi công các hạng mục đang cần nhiều nhân công giá rẻ, thì kinh tế của thành phố có đột quỵ vì liều thuốc quá độc này hay không? Đó là những điều mà hệ thống làm luật ở các nước phát triển luôn cân nhắc. Ba Lan là một trong số ít những nước ở Liên minh châu Âu còn duy trì chế độ hộ khẩu, nên ngân sách khoa học quan tâm rất nhiều đến cuộc sống của người dân ở các thành phố lớn. Chúng ta có thể tưởng tượng chỉ cách nay chừng một thế kỷ thôi, thủ đô Warsaw chỉ là một khu đô thị sầm uất nhưng nhỏ bé nằm cạnh cung điện nhà vua, nối với khu mua bán của người Do Thái, và ngoài rìa là sân bay nho nhỏ. Nay sân bay đã là công viên Pole Mokotowskie, đường băng thành một vạt cây xanh làm ranh giới giữa quận Centrum và quận Mokotów, cả hai đều là quận trung tâm. Sân bay chính dời ra ngoại ô vùng Okecie bây giờ có nguy cơ thành một quận trung tâm của thành phố, khi đường vành đai tiếp tục kéo ra xa hơn và sân bay mới ở Modlin bắt đầu hoạt động. Nhìn lịch sử phát triển thành phố qua những con đường và khu nhà xây lên, ta có thể nói không ngoa rằng tất cả dân Warsaw chẳng qua đều là người nhập cư, qua nhiều thế hệ dần mang cảm giác mình là bản địa. Người Ba Lan rất quan tâm đến những câu chuyện về nơi chốn mình đang sống vì đó là những cột mốc tạo nên bản sắc trong cuộc đời họ, và rằng khi nhìn lại thì mỗi người đều ý thức được rằng mình (từng) là dân nhập cư. Một trong những chuyên gia hàng đầu của Ba Lan về di cư là GS Zdzisław Mach, từ Đại học Jagielon ở Kraków, hàng chục năm qua đã hướng dẫn rất nhiều khóa sinh viên áp dụng khái niệm liminaire để hiểu quá trình thay đổi bản sắc ở người nhập cư. Khi đến vùng đất mới, gặp và giải quyết những cú sốc văn hóa do khác biệt môi trường sống và quy tắc xã hội mới chỉ là một chặng đường ngắn trên con đường hội nhập, nắm bắt và làm chủ mảnh đất mới, không chỉ với thiên nhiên mà cả với những định chế chính trị xã hội vốn có nữa. Người nhập cư có giai đoạn hoạt động tích cực và có quyền lực còn hơn dân bản địa và có những thời điểm họ cực đoan ngăn cấm người mới đến còn hơn những người đã ở đó trước họ rất nhiều. Sự thay đổi nhanh chóng về đủ mọi thứ do đô thị hóa đem đến nhiều lúc biến chính những người bản xứ ngơ ngác và trở nên xa lạ trên mảnh đất mà cha ông mình đã sống. Vẫn là cái thành phố đó, nhưng dân nhập cư đã làm thay đổi nó hoàn toàn và nay họ mới là số đông, và - theo họ - mới là người bản địa. Đó cũng chỉ là một giai đoạn phát triển trên con đường bản sắc mà thôi, theo đúng quy luật. Điều đó có can hệ gì đến luật giới hạn người nhập cư? Ngoài nguy cơ làm nghẽn nguồn sống cho cả một bộ máy kinh tế đồ sộ nơi đô thị là nguồn lao động giá rẻ không chọn lựa công việc từ quê ra, một biện pháp hành chính thiếu cân nhắc có thể đánh mất cái hồn bản sắc của một thành phố mà bản thân vốn đã, đang và sẽ được tạo dựng qua các thế hệ dân nhập cư. Thành phố thiếu người mới đến lập nghiệp cũng dễ biến thành một khu bảo tàng ngoài trời như Venice của Ý vậy. Buổi tối khi khách du lịch về hết chỉ còn lại leo lét vài căn nhà sáng đèn, là nơi những dân cư cuối cùng đang cố gắng duy trì những hơi thở cuối cùng cho khu đô thị sầm uất từng là trung tâm thương mại của thế giới. Cân nhắc những cái giá phải trả Chính quyền Thượng Hải đang sốt vó lên bất động sản đóng băng. Tình trạng đó không chỉ làm nền kinh tế đột quỵ mà ngay cả chính quyền thành phố cũng thất thu thuế nếu những ngôi nhà đầu tư để cho thuê thiếu khách hàng là dân nhập cư. Theo thống kê sơ bộ của trang tin kinh doanh FoxBusiness, có trên 50 thành phố lớn của Trung Quốc đang phải áp dụng các loại biện pháp khác nhau để ngành bất động sản tăng trưởng trở lại, mà một số nơi gây áp lực lên chính quyền trung ương đòi tháo lỏng chính sách phân biệt đối xử với dân nhập cư. Ở nước Anh không có quyển sổ hộ khẩu và hễ cứ ai đóng tiền thuế địa phương (Council tax) đầy đủ là được coi là cư dân trong quận, kể cả là người nước ngoài từ EU cũng có quyền bầu cử chọn hội đồng địa phương để giải quyết những lợi ích sát sườn, từ sửa đường, đổ rác cho đến an ninh trật tự, trường học, và cả tổ chức Olympic London 2012 nữa. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, vấn đề di dân cũng trở thành đề tài quan trọng nhất để bàn cãi. Thế nhưng các biện pháp hạn chế không phải là cấm đơn thuần mà đặt ra những yêu cầu về diện tích tối thiểu của căn hộ cho thuê, đồng thời với bài toán giảm tải cho hệ thống trường học. Trước khi đưa ra thành chính sách có những cuộc hội thảo khoa học và khảo sát ý kiến dân chúng. Di dân cũng là vấn đề mang tính quốc tế nếu nhìn vào số lượng gia tăng của các cuộc hội thảo có liên quan. Tìm ra điểm tối ưu giữa các nhóm quyền lợi và luồng tư tưởng khác nhau luôn là nhiệm vụ của cơ quan lập pháp của mỗi quốc gia và mỗi cấp đại diện địa phương. Có thể thấy suy nghĩ của người dân “bản địa” tại mỗi thành phố lớn của VN khác nhau do quá trình phát triển lịch sử văn hóa và điều kiện môi trường có khác. Nếu các nhà lãnh đạo ở Hà Nội phải chịu sức ép mà thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi về dân bản địa và dân nhập cư, thì lãnh đạo ở các thành phố đang phát triển tại đồng bằng sông Cửu Long lại có nhu cầu cần thêm người để phát triển. Ngay cả quy hoạch vừa được trung ương thông qua hồi tháng 8 mà chính quyền TP.HCM đang triển khai cũng thể hiện rõ xu hướng mở đó, với phân cấp chính quyền thành khu vực trung tâm - Sài Gòn và bốn vùng đông - tây - nam - bắc như chuỗi thành phố trung tâm và thành phố vệ tinh, giúp giảm áp về dân cư nhưng lại tăng độ gần gũi cho toàn hệ thống nhờ đường tàu điện ngầm. Có thể thấy chính sách này trong quá trình xây dựng đã được tham khảo nhiều từ những thành phố phát triển trên thế giới, cho nên hi vọng theo thời gian tư duy mở hiện đại đó sẽ ảnh hưởng dần đến các trung tâm kinh tế chính trị khác của Việt Nam. Các nhà làm luật luôn cần đi theo một chủ thuyết rõ ràng và ý thức được về quyền năng của biện pháp hành chính khi tác động vào xã hội. Trước khi một đạo luật tạo ra được ảnh hưởng đối với xã hội như thiết kế thì bản thân nó đã tạo ra một sự xáo trộn vô cùng lớn trong xã hội đó. Có người ra luật thì có người lách luật và có kẻ lợi dụng quyền lực của đạo luật đó để kiếm lợi riêng cho bản thân, mặc kệ xã hội thêm mất trật tự và đi xuống. Vì nhu cầu cuộc sống, nhiều người sẵn sàng bám lấy nơi đang ở và chấp nhận hối lộ để duy trì cuộc sống bất hợp pháp nhưng là nguồn sống duy nhất cho cả nhà. Nhờ có luật mà nhiều kẻ sẵn sàng cho thuê hộ khẩu hay làm đăng ký hộ khẩu “khống” cho rất nhiều người đang có nhu cầu. Một người làm chủ một biệt thự to mà không có giấy tờ nhập cư, lại đăng ký hộ khẩu ở một khu ổ chuột nào đó không chỉ làm sai lệch số liệu thống kê kéo theo kế hoạch phát triển sai lầm của chính quyền địa phương, mà còn tạo ra những nguy cơ xã hội tiềm ẩn không dễ gì giải quyết bằng luật lệ. Những khu vực thiếu quản lý tự phình ra khi luật lệ quá cứng nhắc và không thực tế như các khu dân cư “bãi liều”, “xóm liều”... không phải là hiện tượng đơn lẻ ở VN trong những năm qua. Tags: Hà NộiQuốc hộiNhập cưTranh cãiTiêu điểmLuật thủ đôBản địa
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao đến Đà Lạt M.V 26/11/2024 Mùa nắng lạnh, Đà Lạt lung linh những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao tìm đến.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.