AI & bài học 'thay đổi thế giới' 40 năm trước

HOA KIM 09/11/2024 14:18 GMT+7

TTCT - Cách Excel và những phần mềm xuất hiện trước nó làm thay đổi thế giới và bền bỉ với thời gian là một gợi ý cho tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI).

AI & bài học "thay đổi thế giới" 40 năm trước - Ảnh 1.

Ảnh: How-To Geek / Shutterstock

Khái niệm bảng tính (spreadsheet) xuất hiện cách đây gần nửa thế kỷ và đến ngày nay vẫn còn quan trọng. Đại diện tiêu biểu của phần mềm dạng này, Microsoft Excel, vừa bước sang tuổi 40 hồi tháng 10. Cách Excel và những phần mềm xuất hiện trước nó làm thay đổi thế giới và bền bỉ với thời gian là một gợi ý cho tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI).

Excel không phải phần mềm bảng tính đầu tiên được viết cho máy tính cá nhân. Vinh dự đó thuộc về một phần mềm mà có lẽ ngày nay ít người biết đến hơn mang tên VisiCalc (1979), sau đó là Lotus 1-2-3 (1983). 

Nhưng sau 40 năm, Excel mới là phần mềm tin học văn phòng dễ tiếp cận với hầu hết những người biết sử dụng máy tính và được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Đó là phần mềm mà CEO Satya Nadella tự hào gọi là "sản phẩm tiêu dùng tốt nhất" mà Microsoft từng tạo ra.

Ứng dụng đột phá đầu tiên

Một ngày bình thường năm 1978, sinh viên Dan Bricklin ngồi trong giảng đường theo dõi giảng viên môn kế toán của anh tại Trường kinh doanh Harvard điền từng con số vào những ô kẻ chi chít trên bảng đen. Mỗi lần con số trong một ô nào đó thay đổi, giảng viên lại cặm cụi thực hiện lại phép tính và sửa những ô khác sao cho khớp với công thức.

Công việc nghe có vẻ thủ công và nhàm chán, nhưng đó lại là kỹ năng rất thực tiễn đối với dân kế toán thời ấy. Thuật ngữ spreadsheet trong tiếng Anh bắt nguồn từ cách mà các kế toán thời xưa mở (spread) cuốn sổ cái ra để biến 2 trang liền kề nhau thành 1 trang lớn (sheet) và kẻ trên đó nhiều hàng và cột thành một bảng có từng ô dùng để tính toán. Với cách làm thủ công này, thay đổi một thông số bất kỳ có thể mất hàng giờ để tính toán lại các ô khác bằng tay.

Từng làm lập trình viên tại 2 công ty điện toán lớn trước khi nhập học Harvard, Bricklin tự hỏi tại sao người ta lại phải làm những phép tính phức tạp này bằng giấy bút trong khi máy tính có thể làm điều đó nhanh hơn nhiều. Nghĩ là làm, Bricklin bắt tay vào viết một phần mềm bảng tính điện tử dành cho máy tính cá nhân Apple II cùng với sự trợ giúp của người bạn Bob Frankston.

Ngày 17-10-1979, phần mềm VisiCalc do Bricklin phát triển chính thức được chào bán và chỉ sau một đêm đã trở thành hiện tượng trong giới mộ điệu. Nhiều người đánh giá VisiCalc là "ứng dụng đột phá" (killer app) đầu tiên của thế giới - biệt danh thường dùng để gọi những phần mềm thiết yếu đến mức người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua một thiết bị chỉ vì thiết bị đó có thể chạy được phần mềm mà họ muốn. 

Chính nhà sáng lập Apple Steve Jobs từng thừa nhận VisiCalc là phần mềm đã "đưa máy tính Apple II đến thành công mà nó có" - đài BBC dẫn lời kể của Bricklin trên trang web cá nhân.

Hơn cả một bảng tính

Đến năm 1983, Lotus 1-2-3 vượt mặt VisiCalc để trở thành phần mềm bảng tính phổ biến nhất thế giới. Nhưng ngôi vương chỉ tồn tại được 2 năm. Năm 1985, Microsoft ra mắt Excel với tốc độ thực hiện các phép toán nhanh hơn đáng kể hai phần mềm tiên phong, nhờ vào một cải tiến mang tính bước ngoặt: thay vì phải tính lại giá trị toàn bộ các ô mỗi khi có một ô thay đổi, Excel chỉ cập nhật những ô nào bị ảnh hưởng.

Cải tiến này đặc biệt có nhiều ý nghĩa khi sức mạnh phần cứng của những chiếc máy tính cá nhân giai đoạn này còn rất giới hạn. Hơn nữa, Microsoft Excel còn trình làng một giao diện đồ họa thân thiện với người dùng thay cho việc phải tương tác qua giao diện dòng lệnh thường thấy ở những phần mềm trước đây.

AI & bài học "thay đổi thế giới" 40 năm trước - Ảnh 2.

Dan Bricklin và phần mềm VisiCalc

Theo The Economist, sau khi ra mắt Excel đã nhanh chóng trở thành một trong những công cụ doanh nghiệp phổ biến nhất. Khó có con số thống kê chính xác dành cho riêng Excel vì phần mềm này thường được bán chung theo gói với các sản phẩm khác của Microsoft, nhưng năm 2023 công ty này cho biết có gần 400 triệu người dùng trả phí đang sử dụng phiên bản trực tuyến trên đám mây của Excel.

Google Sheets, một sản phẩm cạnh tranh trực diện với Excel do đối thủ Google phát triển, đang trỗi dậy trong những năm gần đây nhưng vẫn còn kém Excel về cả lượng người dùng lẫn khả năng xử lý các phép tính phức tạp hơn, theo The Economist.

Nhưng Excel và những phần mềm bảng tính ra đời trước nó đã vượt lên trên một công cụ tin học hữu dụng đơn thuần. Nhìn lại lịch sử, nhiều người cho rằng có thể chia thế giới thành hai thời kỳ - trước khi có các phần mềm bảng tính, và sau khi chúng ra đời - đơn giản bởi vì sự xuất hiện của những phần mềm này đã làm thay đổi mạnh mẽ cách mà đa số chúng ta làm việc.

Bảng tính có cướp việc con người?

Người ta thường nói sự trỗi dậy của máy móc với khả năng tự động hóa sẽ cướp đi việc làm của con người, nhưng bài học về sự phát triển của phần mềm bảng tính cho thấy câu chuyện không chỉ đơn giản là phép toán cộng trừ, giao việc cho máy nghĩa là con người hết việc để làm. Trong trường hợp của VisiCalc hay Excel, sự ra đời của những phần mềm "robot kế toán" này quả là đã khiến hàng trăm nghìn người mất việc, nhưng sự thật không dừng lại ở đó.

Theo số liệu được dẫn trong một tập podcast Planet Money của đài NPR, chỉ tính riêng ở nước Mỹ số lượng nhân viên giúp việc kế toán (accounting clerk - những người chủ yếu làm công việc tính toán bằng tay) ngày nay đã giảm 400.000 người so với năm 1980 khi VisiCalc vừa mở bán. Ngược lại, số lượng kế toán viên đã tăng 600.000 so với năm 1980, theo cùng một nguồn.

AI & bài học "thay đổi thế giới" 40 năm trước - Ảnh 3.

"Trong thời đại của phần mềm bảng tính, những phần việc mang tính lặp đi lặp lại của nghề kế toán đã biến mất. Những việc còn sót lại - và phát triển mạnh mẽ - đòi hỏi nhiều khả năng phán đoán và kỹ năng con người hơn - cây bút Tim Harford viết cho BBC - Phần mềm bảng tính đã tạo ra những ngành nghề hoàn toàn mới".

Ngày nay, có vô số vị trí chuyên môn trong lĩnh vực tài chính yêu cầu khả năng khám phá những kịch bản khác nhau dựa trên số liệu sẵn có: điều chỉnh các con số và xem các ô trong bảng tính tự tính toán lại số liệu dự báo. Những công việc này hầu như không tồn tại trước khi bảng tính điện tử ra đời, đơn giản bởi vì sức người có hạn.

Nói cách khác, phần mềm bảng tính không lấy đi công việc của con người, mà chỉ lấy đi những đầu việc có thể dễ dàng tự động hóa để chúng ta có thời gian đào sâu hơn ở những khía cạnh của công việc đòi hỏi khả năng tư duy cao.

Từ bảng tính đến AI

Sự phát triển của phần mềm bảng tính còn có thể giúp chúng ta hiểu hơn về những cơn sốt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), theo Financial Times. Có một điểm tương đồng giữa phần mềm bảng tính và AI tạo sinh: cả hai đều là những ứng dụng máy tính giúp tiết kiệm thời gian, biến một tác vụ có thể từng mất hàng giờ hoặc nhiều ngày bỗng nhiên được hoàn thành trong vài giây.

Chính thành công vượt thời gian của Excel cho ta "bài học" đầu tiên về AI: một công nghệ mới nếu gặp đúng thời điểm và bối cảnh có thể làm thay đổi mọi thứ ta nghĩ ta biết về công việc của mình một cách chóng vánh. 

Chỉ trong khoảng thời gian đủ để đào tạo một nhân viên kế toán trước đây, bảng tính điện tử đã thay thế hoàn toàn nhu cầu tuyển dụng họ - những người "thợ tính" hằng ngày cần mẫn tính vật lộn với từng con số trong cuốn sổ cái dày cộm. "Khả năng tính toán số học của nhân viên duy nhất tăng lên hàng nghìn lần - rồi hàng triệu lần - gần như chỉ sau một đêm" - Financial Times giải thích.

AI & bài học "thay đổi thế giới" 40 năm trước - Ảnh 4.

Bài học thứ hai là câu hỏi chưa có đáp án dành cho AI: liệu công nghệ mới sẽ nâng những người yếu lên, hay chắp cánh cho kẻ tài giỏi càng bay cao hơn? Trong trường hợp của bảng tính điện tử, công việc của những nhân viên "ong thợ" đã bị loại bỏ không thương tiếc, còn những nghề vốn được trả lương cao như phân tích tài chính thì được giải phóng sức lao động để trở nên chuyên hóa hơn. Ở thời điểm hiện tại, AI tạo sinh có vẻ đang đi theo hướng tương tự.

Điều cuối cùng là những rủi ro của việc một công cụ quá mạnh mẽ trở nên dễ tiếp cận với số đông. Không ít sai lầm trong sử dụng phần mềm bảng tính đã dẫn đến hậu quả lớn, từ nghiên cứu khoa học đã xuất bản hẳn hoi nhưng sử dụng số liệu không chính xác vì tác giả chọn thiếu ô khi áp dụng công thức Excel, cho đến thống kê số bệnh nhân COVID-19 không đầy đủ vì vượt quá số dòng giới hạn của phần mềm.

"Khi một công cụ có mặt ở khắp mọi nơi và quá tiện lợi, ai cũng nhảy vào mà không thực sự hiểu công cụ đó đang làm gì hoặc tại sao nó làm như vậy. Và ở điểm này - nếu so sánh với AI tạo sinh - chúng giống nhau đến đáng báo động" - Financial Times kết luận.

Một nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả đến từ Úc và Hong Kong đưa ra con số đáng kinh ngạc: 94% các bảng tính được sử dụng trong quá trình đưa ra quyết định của các doanh nghiệp có mắc lỗi, theo trang Phys.org. Excel đã góp mặt trong không ít sai lầm thương mại và chính sách (những người bảo vệ nó sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho lỗi của con người).

Thế giới tài chính đầy rẫy những câu chuyện về các sai lầm bảng tính đắt đỏ. Excel cũng bị đổ lỗi cho việc làm sai lệch tên gene trong hơn một phần ba các bài nghiên cứu về hệ gene (do nhầm lẫn tên gene thành ngày tháng), báo cáo thiếu số ca nhiễm Covid-19 ở Anh (do số hàng bị giới hạn), và gián đoạn phiên tòa xét xử vụ bạo loạn 6-1-2021 ở Mỹ (do thông tin nhạy cảm bị ẩn trong các ô).

Những sự cố như vậy vẫn không làm giảm đi sự thống trị của Excel. Theo The Economist, các công cụ mới dựa trên AI hứa hẹn giúp phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, song thay vì thay thế bảng tính, AI có thể khiến chúng tốt hơn. Microsoft vừa giới thiệu trợ lý AI cho Excel, cho phép người dùng xử lý dữ liệu bằng các câu lệnh ngôn ngữ tự nhiên. "Excel và những người dùng trung thành của nó vẫn chưa sẵn sàng bị đào thải" - The Economist kết luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận