16/08/2019 12:03 GMT+7

Ai ăn chè Huế kh...ô...ô...ông..., nỗi nhớ đến 'rùng mình'

PHAN QUỐC VINH
PHAN QUỐC VINH

TTO - Gánh chè Huế sẽ làm bạn băn khoăn vì không biết nên ăn món nào trước. Từ chè bắp lấy từ Cồn Hến, chè trôi nước thơm mùi nếp, chè hạt sen và đậu Ngự xưa vua vẫn hay dùng đến chè bột lọc bọc heo quay, chè khoai tía...

Ai ăn chè Huế kh...ô...ô...ông..., nỗi nhớ đến rùng mình  - Ảnh 1.

- Ảnh: Phạm Văn Vũ

Đã xa quê hương xứ Thừa Thiên khá lâu, có một món khoái khẩu cứ khiến tôi nhớ mãi, mà nhớ đến "rùng mình". Đó là .

Chè là món giải khát và là món tráng miệng rất phổ biến trong các bữa ăn, tiệc thết đãi của người dân Cố Đô.

Ngày xưa chè thường được bán bằng quang gánh và tiếng rao của các O, các mệ (người phụ nữ lớn tuổi ở Huế được gọi là "mệ") thường ngân vang và cái đuôi của chữ "ng" ở cuối chữ "không" - một đặc trưng trong cách phát âm của người Huế - phải kéo dài như vô tận để luồn vào trong từng con hẻm nhỏ, đánh thức từng cái dạ dày của những người thích ăn quà vặt bữa ăn "lỡ" (tầm từ 3 giờ chiều trở đi).

Gánh chè Huế này nhìn đơn giản vậy thôi chứ cũng đủ làm bạn băn khoăn vì không biết nên ăn món nào trước.

Từ chè bắp lấy từ Cồn Hến, chè trôi nước thơm mùi nếp, chè hạt sen và đậu Ngự xưa vua vẫn hay dùng đến chè bột lọc bọc heo quay ngọt béo mà không ngấy, chè đậu ván dẻo sánh, chè đậu xanh, đậu đỏ mềm lự, chè khoai tía...

Nhiều O còn "xếp tầng" các mẹt chè đậu cao ngất lên thúng mà gánh nhẹ nhàng cứ như đang chơi đồ hàng vậy!

Cái tình người lúc ấy cũng rất hay là cứ đến bán cho nhà ai đó dù lạ hay quen, người bán đều có thể xin miếng nước sạch đổ vào trong chậu nhôm be bé để rửa ly rửa chén và cứ dăm ba chục nhà lại xin lại lần tiếp theo...

Khi đến Huế, có khá nhiều hàng quán chè với nhiều loại khác nhau tùy vào sự chọn lựa và thói quen của người thưởng thức.

Ai ăn chè Huế kh...ô...ô...ông..., nỗi nhớ đến rùng mình  - Ảnh 2.

Một gánh chè Huế ven đường - Ảnh: Traveloka

Nổi tiếng xưa nay ở Huế vẫn là quán chè "Hẻm" trong một ngõ hẻm nho nhỏ giữa những con đường tấp nập người qua kẻ lại hay quán chè đường Trương Định.

Còn nếu như du khách muốn tản bộ rồi ghé vào một quán chè cóc bình dân để lót dạ thì xin mời đến quán chè nằm lọt sâu trong khu vực đình Thương Bạc trước đây hay dọc đường đi bộ cầu Tràng Tiền vào buổi tối.

Các "nghệ nhân chè" sẽ giới thiệu đến khách quý với bao la các loại chè như: chè thập cẩm, hột sen, trái cây, khoai môn, chè xanh đánh, trôi nước, bột lọc, chè chuối chiên, đậu ván, đậu đỏ, đậu xanh, xôi dừa, chè bắp... với 12.000 - 15.000 đồng mỗi ly (cách đây... hai chục năm chỉ có 1.000 đồng mà thôi!).

Có điều tôi cũng hơi ngại ngần khi phải dịch ra tiếng Anh cho mấy người bạn Mỹ cái tên chè là "Sweet - soup" (súp có đường ngọt).

Diễn tả hoài chúng bạn cứ nhăn mặt nhíu mày vì cái tên của nó nghe cũng ớn hơn cả súp kem mà họ thường ăn! Nên đành phải chờ dịp kéo tụi nó về Huế mục sở thị và nếm tận miệng mới... hả dạ!

Tôi nhớ mãi "ngôi nhà nhỏ trên đường dốc" là quán chè Tí ở đường Trần Phú trên con lộ đạp xe đi học hàng ngày. Quán chè nhỏ ven đường với O chủ cũng tên Tí tính tình cực kỳ dễ thương.

Hồi năm 1995, nhiều khi mẹ tôi đi làm từ sáng sớm và ca xuyên buổi trưa nên không kịp nấu ăn mà chỉ kịp dúi cho tôi 2.000 đồng để "tùy nghi di tản" (nghĩa là tự mua cơm bụi hay ăn gì tùy thích).

Tôi đi học vào buổi chiều nên thường ghé quán chè này ăn tù tì 3 ly với giá 500 đồng mỗi ly, còn 500 đồng dư ra thì mua tờ báo thể thao đọc ngấu nghiến trong khi vừa ăn vừa thưởng thức.

Vậy là nhiều buổi trưa đạm bạc nhưng dồi dào... chất đường của tôi được tự mình "thết đãi" tại quán chè nổi tiếng nơi này.

Món tôi thích nhất là chè trôi nước bởi cái cảm giác rất phiêu, rất trôi... khi cắn vào viên chè mềm mịn quyện với chất bùi bùi của nước dừa sóng sánh.

Còn khi nào có tiết thể dục buổi chiều và đi học thêm sau đó thì tôi "đầu tư" vào ăn 3 ly chè bột lọc bọc heo quay và bột lọc bọc dừa bởi loại chè này sẽ giúp tôi no lâu hơn.

Ai ăn chè Huế kh...ô...ô...ông..., nỗi nhớ đến rùng mình  - Ảnh 3.

Vui nhất là có lần tôi quên mang tiền nên xin được "cầm cố" để lại chiếc đồng hồ điện tử Casio cáu bẩn.

Chị chủ quán phì cười vì khuôn mặt rất "đổ nợ" của mình rồi xua tay cho mắc nợ mà không quên... xúi "Mai cua lui ăn rồi trả chị một lần luôn hí!" (Cua lui = quay lại/ Hí = nhé).

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các gánh chè khắp thành phố Huế được thắp đèn bày biện...

Hồi còn ở nhà, tôi cũng đã vài lần ăn chè ở quán cóc ven đường Trần Hưng Đạo (trước cổng trường Phú Hòa) của một mệ mà mình chưa được biết tên.

Mệ bán chè phúc hậu cứ múc chè bằng vá nhôm thoăn thoắt đều đặn làm cho tôi liên tưởng đến vở diễn Nhã nhạc cung đình Huế có sự trình diễn của một nghệ nhân đang cầm dùi, khua đôi tay tài ba trên từng mặt trống.

Mệ còn kể rằng từ khi 16 tuổi, mệ đã gánh gồng theo mẹ của mình đi bán chè cho đến bây giờ đã mệ... 80 tuổi và đã gắn bó với góc phố này gần 40 năm sau khi ngưng cảnh gánh hàng rong.

Hằng đêm, cứ khoảng 6 giờ chiều, mệ lại soạn gánh, khách đông thì mệ được nghỉ sớm nhưng thường thì cũng quá buổi khuya. Đêm nào cũng như vậy…

Giờ đây, đã gần 10 năm tôi chưa hề trở lại. Chẳng biết mệ có còn bán ở đó hay ở nơi nao?

Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi

Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty NutiFood.

Có món bánh Huế tôi thấy ngon hơn cả bánh bèo, bánh nậm

TTO - Một thời món bánh bìa khá thịnh hành ở Huế, nhưng rồi trong những năm tháng nghèo đói, món ăn cầu kỳ này (cách làm công phu hơn cả bánh bèo, bánh nậm) dần thất truyền.

PHAN QUỐC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chè Huế