27/06/2021 11:19 GMT+7

Afghanistan trước thách thức tự quyết

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã khiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nhận ra sự thật tất yếu, ông sẽ sớm phải tự chủ trong mọi quyết sách khi không có nhiều hỗ trợ quân sự từ Washington.

Afghanistan trước thách thức tự quyết - Ảnh 1.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Tại cuộc gặp ngày 25-6 giữa hai lãnh đạo, ông Biden nhấn mạnh sẽ không thay đổi kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan sau gần 2 thập kỷ chiến đấu tại đây.

Bất kể thông điệp trấn an "binh lính của chúng tôi có thể rời đi nhưng sự ủng hộ dành cho Afghanistan không chấm dứt" của ông Biden, ông Ghani vẫn sẽ đối mặt thách thức rất lớn khi một số báo cáo cho rằng Taliban có thể chiếm thủ đô Kabul chỉ trong vòng sáu tháng sau khi Mỹ rút quân.

Cuộc chiến không thể thắng

Vào thời điểm ông Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ có khoảng 2.500 binh lính và 16.000 nhà thầu dân sự tại đây. Ông Biden đặt ra hạn chót cho việc rút quân là 11-9, tức kỷ niệm 20 năm loạt tấn công khủng bố vào Mỹ, và Lầu Năm Góc cho biết quá trình rút quân đã thực hiện được một nửa.

Lực lượng của Mỹ hiện đang tập trung ứng phó với Taliban và sơ tán những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ. Washington cũng đã bàn giao 5 căn cứ cho Kabul và sẽ để lại khoảng 650 binh lính bảo vệ các nhà ngoại giao.

Trong chuyến công du châu Âu mới đây, ông Biden nói Washington đã xem xét kỹ lưỡng tình hình tại Afghanistan, nhưng dù thế nào Mỹ vẫn sẽ phải rút quân.

"Tổng thống đã đưa ra quyết định phù hợp với quan điểm của ông rằng đây không phải một cuộc chiến có thể thắng được và sẽ đưa binh lính về nước" - người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói ngày 25-6.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận Afghanistan có thể lại rơi vào chiến tranh sau khi Mỹ ra đi. Nhưng cũng nói nếu ở lại, binh lính Mỹ sẽ thành mục tiêu cho các cuộc tấn công có thể khơi mào một cuộc chiến khác.

"Việc mời ông Ghani đến đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy chúng tôi đang ủng hộ ông ấy" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Ronald Neumann, cựu đại sứ Mỹ tại Kabul, bình luận. Afghanistan vẫn có thể nhận hàng tỉ USD hỗ trợ cũng như 3 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 từ Mỹ.

Thực tế, Washington hi vọng ông Ghani có thể đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban.

"Bộ Quốc phòng (Mỹ) đang dồn tâm huyết rất lớn cho an ninh và sự ổn định của Afghanistan, và đang theo đuổi một thỏa thuận thông qua đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói tại cuộc gặp với ông Ghani.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và chính trị Mỹ lo ngại nếu Taliban trỗi dậy trở lại, điều đó sẽ làm đảo ngược những tiến bộ đã đạt được tại Afghanistan, nhất là trong các vấn đề liên quan tới phụ nữ và trẻ em.

Người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của đất nước. Nhưng chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người đồng cấp Ashraf Ghani của Afghanistan tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 25-6

Nguy cơ tái bất ổn

Trên thực tế, Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Afghanistan. Hiện lực lượng này đã kiểm soát 1/3 đất nước, chiếm nhiều khu vực quan trọng và đang nhắm vào các cơ quan chính phủ.

Đài NBC News gần đây dẫn lời một chỉ huy Taliban cho biết chính họ còn thấy ngạc nhiên khi dễ dàng chiếm được nhiều mục tiêu ở Afghanistan vì không còn lính Mỹ yểm trợ.

"Taliban đang gây áp lực lớn lên chính quyền Afghanistan với các hoạt động ở miền bắc" - nhà bình luận Bill Roggio nói. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nước phương Tây lo ngại chính quyền và quân đội của Kabul sẽ sớm sụp đổ sau khi Mỹ rời đi.

Thậm chí, người phát ngôn Suhail Shaheen của Taliban trong phỏng vấn với Đài Al Jazeera ngày 25-6 đã tuyên bố lực lượng này "có quyền phản ứng" nếu Mỹ để lại bất cứ binh lính nào tại Afghanistan sau ngày 11-9.

"Chúng tôi đã ký một thỏa thuận Doha được đàm phán với phía Mỹ trong 18 tháng. Họ đã đồng ý và cam kết sẽ rút khỏi Afghanistan mọi lực lượng quân sự, cố vấn và nhà thầu" - người phát ngôn nói, nhắc lại thỏa thuận ký với Mỹ tại Doha, Qata, năm 2020.

Trong khi đó, trên tạp chí Foreign Policy hồi đầu tháng 6-2021, Taliban khẳng định sẽ "tiếp tục cuộc chiến" sau ngày 11-9. "Chúng tôi sẽ xem các mục tiêu của mình có đạt được cho tới ngày 11-9 hay không.

Chúng tôi có hai mục tiêu. Thứ nhất là mọi binh sĩ nước ngoài rời khỏi Afghanistan. Thứ hai, đây là điều rất quan trọng, chúng tôi cần tạo ra một chính phủ Hồi giáo bao gồm mọi người dân Afghanistan" - đại diện của Taliban nói.

Đôi bên cùng thiệt

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 25-6 cảnh báo người đồng cấp Mỹ Joe Biden về hệ lụy từ động thái rút quân nhưng ông tôn trọng quyết định của Washington.

"Quyết định của Tổng thống Biden là quyết định sẽ gây ảnh hưởng cho cả người dân Afghanistan lẫn người Mỹ sống tại khu vực" - Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Ghani nói tại cuộc gặp ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên ông phủ nhận những lo ngại cho rằng Taliban sẽ chiếm quyền tại Afghanistan. Ông cho biết Kabul đã điều chỉnh lực lượng để đối phó. Quyết định rút quân của Mỹ là quyết định mang tính chủ quyền và nhiệm vụ của Kabul là "kiểm soát những hậu quả".

Mỹ gặp nguy vì chần chừ rời Afghanistan Mỹ gặp nguy vì chần chừ rời Afghanistan

TTO - Ngày 1-5 đánh dấu hạn chót quân Mỹ phải rút hết khỏi Afghanistan, theo một thỏa thuận năm 2020 với Taliban. Việc Tổng thống Joe Biden đơn phương kéo dài thời hạn thêm 4 tháng đã đặt quân Mỹ ở Afghanistan vào thế nguy hiểm.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Afghanistan