Afghanistan: Tới phiên Trung Quốc?

DANH ĐỨC 20/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Giữa cảnh rối loạn từ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bay sang Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan để bàn về vấn đề Afghanistan. Phải chăng sẽ có một sự “thay nài giữa cuộc đua” nữa ở xứ sở “chiến lược địa chính trị này”, sau khi Liên Xô và Mỹ đã bỏ đi?

Tình hình hết sức khẩn trương. Hôm thứ sáu tuần rồi (ngày 9-7), một chiếc máy bay thân rộng của Hãng hàng không Xiamen được thuê bao bay sang thủ đô Kabul đón 210 công dân Trung Quốc về nước bởi tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại Afghanistan, Global Times loan báo.

Quở trách ông Biden!

Trong cuộc họp báo thường ngày hôm 8-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chĩa mũi dùi vào Hoa Kỳ vì tình hình rối loạn hiện nay ở Afghanistan: “Mặc dù về cơ bản Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, họ vẫn có trách nhiệm giúp quốc gia này duy trì sự ổn định, ngăn chặn bất ổn, hiện thực hóa hòa bình và tái thiết”.

Trang bìa báo Pakistan Tribune: Taliban rao bán xe quân sự thu được của Mỹ trên Twitter. Ảnh: Twitter

 

Thật ra, việc Mỹ đổ quân vào nước khác, rồi không làm được bất cứ việc gì trong những việc ông Uông nêu - duy trì ổn định, ngăn chặn bất ổn, thực hiện được hòa bình và tái thiết - đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Bằng không, Hoa Kỳ đâu có phải chạy vắt giò lên cổ như bây giờ!

Tình hình Afghanistan hôm đó được The Economist gọi là “bên bờ sụp đổ”, kèm một mô tả từ thành phố lớn thứ tư nước này là Mazar-i-Sharif: “Sự hoảng loạn nhanh chóng quét qua thành phố". 

"Những ngày trước đó, hết huyện này đến huyện khác ở tỉnh Balkh đã tuột khỏi sự kiểm soát của chính phủ và rơi vào tay Taliban. Những vùng đất phía bắc Afghanistan mấy tuần gần đây cũng chịu chung số phận. Điều này càng đáng báo động khi Balkh nổi tiếng là một pháo đài của lực lượng chống Taliban”. 

Qua hôm sau 9-7, trong cuộc họp báo hằng ngày ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tờ Thanh niên Bắc Kinh nêu một câu hỏi “chuyền banh lên lưới” cho Uông phát ngôn viên: “Quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi sân bay Bagram trong đêm mà không báo trước". 

"Sự bỏ đi đột ngột khiến Chính phủ Afghanistan gặp khó khăn trong việc tiếp quản cơ sở và dẫn đến mất mát nhiều vật dụng, không còn kiểm soát được chiến trường sau khi quân đội Mỹ rút đi. Cách tiếp cận vô trách nhiệm của Mỹ đã bị chỉ trích ở Afghanistan và trên các diễn đàn quốc tế. Phát ngôn viên có bình luận gì?”.

Ông Uông chỉ chờ có thế: “Như thực tế đã nhiều lần chứng minh, giữa điều đúng đắn cần làm về mặt đạo đức và lợi ích ích kỷ, Hoa Kỳ luôn chọn điều sau". 

"Mỹ đã cố gắng áp đặt cái gọi là tự do và dân chủ của mình lên người khác và thúc đẩy những thay đổi chế độ khắp thế giới. Điều này đã dẫn đến xung đột, chiến tranh, khủng bố, người tị nạn, trong số những phức tạp khác vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay”.

Những lời lẽ này từ Bắc Kinh gợi nhớ đến nhân vật Hamid Karzai - thủ lĩnh chống Taliban đóng ở căn cứ Quetta (Pakistan), trở về sau khi quân Mỹ tiến vô Afghanistan từ tháng 10-2001, lên làm tổng thống và tái cử hai lần các năm 2004 và 2009. 

Nhân vật Karzai là hình mẫu của chính sách “(dựng vương) lập quốc” (nation-building) của Mỹ. Có điều hôm 9-7, ông Biden phủ nhận điều đó. Ông bảo rằng Hoa Kỳ không đến Afghanistan để “lập quốc”, mà chỉ để “tiêu diệt những kẻ khủng bố đã tấn công Hoa Kỳ trong vụ 11-9, thực thi công lý với Osama Bin Laden và giảm đi mối đe dọa khủng bố biến Afghanistan thành một căn cứ mà từ đó có thể tiếp tục tấn công Hoa Kỳ”. 

Giờ ông ra lệnh rút quân do các mục tiêu đó đã hoàn thành.

Kẻ thế chân?

Việc Trung Quốc tố Mỹ hoàn toàn dễ hiểu: Từ mấy năm nay, Trung Quốc đang nhảy vô Afghanistan và được gián tiếp che chắn bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ. 

 
 Hành lang Wakhan và biên giới Afghanistan - Trung Quốc. Ảnh: The Washington Post

 Afghanistan và Trung Quốc có biên giới chung dài 76km, bắt đầu từ ngã ba biên giới của hai nước với vùng Kashmir do Pakistan quản lý và kết thúc tại ngã ba biên giới với Tajikistan.

Nhìn trên bản đồ thì đoạn biên giới chung ở cuối hành lang Wakhan này rất nhỏ, nhưng trên thực tế 76km là đủ để làm mọi chuyện rồi. 

Dù muốn thừa nhận hay không, Afghanistan yên bình trong sự che chở của quân đội Mỹ cùng NATO và liên quân cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc ổn định tình hình khu vực Tân Cương phức tạp của họ, và quan trọng không kém là thúc đẩy dự án “Vành đai con đường” (BRI) ở Pakistan và các nước Trung Á.

Nhìn lên bản đồ sẽ thấy các dự án hạ tầng lớn hầu như đều giao cắt ở thành phố Mazar-i-Sharif, sát biên giới Trung Quốc - Afghanistan. 

Lần cuối phe Taliban kiểm soát thành phố này là cách đây 20 năm. Nay thì Mỹ dứt khoát rút quân, 50 huyện trên toàn lãnh thổ Afghanistan đã lọt vào tay Taliban. 

Cùng lúc, các khu vực biên giới với Tajikistan và Uzbekistan bắt đầu rối ren. Một Afghanistan trong tay Taliban sẽ trở thành mối đe dọa an ninh với Trung Quốc trên ba bình diện: các hoạt động ly khai, tôn giáo cực đoan và nạn khủng bố.

Về kinh tế, viễn tượng Taliban cũng rất đáng ngại với công cuộc đầu tư ồ ạt vào Trung Á lâu nay của Bắc Kinh. Từ năm 2016, chuyến xe lửa chở hàng đầu tiên đã khởi hành từ tận miền đông Trung Quốc đến Mazar-e-Sharif. 

Năm 2018, Bắc Kinh đã thiết lập một hành lang thương mại với Kabul giúp thương nhân Afghanistan xuất khẩu trực tiếp hàng nghìn tấn hạt thông sang thị trường Trung Quốc hằng năm, và ngược lại nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào nước này.

Trung Quốc cũng đang thực hiện các dự án hạ tầng lớn ở khu vực, bao gồm tuyến đường nối Kabul với thành phố miền đông Jalalabad và đường nối thành phố Bamiyan ở miền trung Afghanistan với Mazar-e-Sharif. 

Cùng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), các dự án này là huyết mạch của BRI, nằm ngay giữa đại dự án nhằm kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Riêng phần đi qua Pakistan 8 năm qua đã thu hút hơn 20 tỉ USD đầu tư của Trung Quốc.

Đã có chuẩn bị

Ngoài miệng Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tiếp la lối chuyện Mỹ “đột ngột” rút quân, song thực tế Trung Quốc đã có chuẩn bị cho viễn tượng nay thành sự thật này. 

Từ năm 2018, họ bắt đầu mở các khóa huấn luyện cho binh sĩ Afghanistan tại Trung Quốc. Nhật báo SCMP loan tin Trung Quốc đã xây dựng trung tâm huấn luyện ngay trên hành lang Wakhan ở vùng biên giới. Trung tâm huấn luyện này cần một lực lượng khoảng một tiểu đoàn để làm “cán bộ khung”.

Chuyện Mỹ bỏ đi cũng không bất ngờ lắm. Hôm 30-4 vừa rồi, nhóm “bộ tam mở rộng” - gồm đại diện các chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc - và Afghanistan đã ra thông cáo chung về việc tái lập hòa bình tại Afghanistan. 

Điều 3 thông cáo ghi nhận Mỹ và NATO sẽ bắt đầu rút quân “có trách nhiệm” khỏi Afghanistan bắt đầu từ ngày 1-5 và kết thúc vào ngày 11-9-2021.

Trung Quốc còn chuẩn bị thế chỗ bằng một chuỗi bốn cuộc họp ba bên cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan, trong đó cuộc họp trực tuyến ngày 3-6 đã đi đến một tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Trung Quốc và Pakistan với việc “tái thiết hòa bình và sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với Afghanistan, hỗ trợ Afghanistan nâng cao năng lực phát triển độc lập”.

Ẩn số duy nhất về Afghanistan hiện giờ là thái độ của “ông chủ” 1/3 lãnh thổ nước này: Taliban. 

Tuyên bố của một viên chức cấp cao Taliban tại Doha rằng “Chúng tôi quan tâm đến sự đàn áp người Hồi giáo, dù là ở Palestine, Myanmar hay Trung Quốc, và chúng tôi quan tâm đến sự áp bức những người không theo đạo Hồi ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng những gì chúng tôi sẽ không làm là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” đáng tin được bao nhiêu thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận