24/08/2021 11:57 GMT+7

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 2: Các cuộc đảo chính đẫm máu

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 17-3-2009, chính phủ Afghanistan đã tổ chức lễ tang cố Tổng thống Mohammad Daoud Khan theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước. Hài cốt người quá cố được cải táng đến ngôi mộ mới trên đồi cỏ ở ngoại ô thủ đô Kabul.

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 2: Các cuộc đảo chính đẫm máu - Ảnh 1.

Lễ tang cố Tổng thống Mohammad Daoud ngày 17-3-2009 tại Kabul - Ảnh: AFP

Tổng thống Daoud bị sát hại cùng em trai Naim Khan và 15 người nữa trong gia đình vào đêm xảy ra đảo chính 30 năm về trước. Các thi thể được bí mật chôn trong ngôi mộ tập thể. 

Phải đến năm 2009, cuối cùng tổ điều tra của chính phủ đã tìm thấy các hài cốt sau nhiều tháng tìm kiếm. Các bác sĩ pháp y phải xem xét răng, quần áo và nhiều dấu vết khác để nhận dạng từng người trước khi cải táng.

Vụ đảo chính tháng 4-1978 là một vụ ứng biến vội vàng.

RODRIC BRAITHWAITE

Tổng thống đầu tiên Mohammad Daoud

Trở lại giai đoạn lịch sử thời Afghanistan dưới chế độ quân chủ lập hiến. Năm 1932, Mohammad Daoud lúc mới 23 tuổi đã được nhà vua Mohammad Zahir Shah (anh em họ của Daoud) phong tướng. 14 năm sau ông giữ chức bộ trưởng quốc phòng rồi làm thủ tướng 10 năm kể từ năm 1953 cho đến khi từ chức.

Ngày định mệnh 17-7-1973, lợi dụng lúc nhà vua Zahir Shah vắng mặt, Daoud tiến hành đảo chính với hậu thuẫn của quân đội. Nguyên nhân dẫn đến lật đổ là các vấn đề kinh tế lớn liên quan đến hạn hán và kết quả yếu kém của công cuộc cải cách dân chủ. 

Từ năm 1969, Afghanistan đã trải qua nhiều năm hạn hán và đói kém. Cảnh chết đói đã xảy ra. Sau đảo chính, vua Zahir Shah phải sống lưu vong sau 40 năm trị vì. Chế độ quân chủ lập hiến cáo chung. Daoud trở thành tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Afghanistan.

Theo tài liệu của Đại học Sherbrooke (Canada), trong thời gian cầm quyền, Tổng thống kiêm thủ tướng Daoud đi theo con đường không liên kết truyền thống của Afghanistan, giữ khoảng cách đồng thời với Mỹ và Liên Xô. 

Về đối nội, Daoud đối xử với các kẻ thù chính trị (phe Hồi giáo và phe cánh tả - bản thân hai phe này cũng kình chống nhau) theo chính sách vừa trấn áp, vừa hợp tác. 

Một số gương mặt Hồi giáo như Ahmad Shah Massoud (bộ tộc Tajik) và Gulbuddin Hekmatyar (bộ tộc Pashtun) vấp phải thái độ thù địch ngày càng gia tăng nên chạy sang Pakisan sống lưu vong. Hai nhân vật này sẽ còn tiếp tục giữ vai trò trong nội chiến Afghanistan sau này.

Mohammad Daoud cầm quyền chỉ được năm năm. Ngày 17-4-1978, một đảng viên có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan (PDPA theo xu hướng cánh tả) tên Mir Akbar Khyber bị ám sát trên đường phố. Mọi nghi ngờ đổ dồn về phía chính phủ. 

Hai hôm sau, PDPA tổ chức biểu tình phản đối quy tụ gần 15.000 người. Cảnh sát ra tay giải tán. Lo ngại đây là màn dạo đầu cho chiến dịch trấn áp lớn, ngày 27-4-1978 các sĩ quan cánh tả tấn công dinh tổng thống. Trong vụ lật đổ này, ngoài Tổng thống Daoud và gia quyến còn có hàng ngàn người khác thiệt mạng.

Nước Cộng hòa Afghanistan được đổi tên thành nước Cộng hòa dân chủ Afghanistan. Lãnh đạo PDPA Mohammad Taraki giữ vai trò nguyên thủ quốc gia với chức vụ chủ tịch Hội đồng Cách mạng. 

Sau đó, 40 tướng lĩnh và đồng minh chính trị của Tổng thống Daoud, trong đó có hai cựu thủ tướng đã bị xử tử. 

Trong số những người bị bỏ tù hoặc bị sát hại có những người theo Hồi giáo, người theo chủ nghĩa Mao và cả đảng viên Đảng Parcham.

Theo tác phẩm Afgantsy: Những người Nga ở Afghanistan năm 1979-1989 (Oxford University Press, 2011) của Rodric Braithwaite - đại sứ Anh tại Matxcơva từ năm 1988-1992, và tác phẩm Bóng ma Afghanistan: Chiến trường ma ám của nhà báo Anh Jonathan Steele (Portobello Books, 2012), vụ đảo chính tháng 4-1978 là "một vụ ứng biến vội vàng". 

Ngay cả các nhân viên KGB của Liên Xô hoạt động tại Kabul cũng rất ngạc nhiên vì họ nhận định PDPA chưa đủ chín muồi để cầm quyền tại Afghanistan.

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 2: Các cuộc đảo chính đẫm máu - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng cách mạng Mohammad Taraki - Ảnh: Corbis

Cải cách vội vàng và nổi dậy bùng phát

Với đường lối cực đoan và những sai lầm trong quản lý của chính quyền mới, một bộ phận người dân đã bất bình dù chính quyền mới tiến hành nhiều cải cách như cấm tảo hôn, giảm của hồi môn, hủy bỏ các khoản vay bất động sản ở nông thôn, xóa mù chữ, cải cách ruộng đất. Một số sai lầm kỹ thuật đã góp phần làm trầm trọng thêm tình hình. 

Ví dụ chính quyền chủ trương phân phối lại đất đai nhưng không phân phối nguồn nước. Chính quyền bãi bỏ chế độ cho vay cắt cổ nhưng lại không có chương trình tín dụng nào thay thế để giúp đỡ dân nghèo.

Các chính sách cải cách vội vàng được tiến hành trong bối cảnh hố sâu ngăn cách lâu đời giữa thành thị và nông thôn. Cư dân thành phố trẻ, có học và lý tưởng không hiểu thế giới nông thôn nhưng lại muốn định hình lại nông thôn trong khi cư dân nông thôn sống trong những bức tường đất khô không thiện cảm với bộ máy quan liêu đô thị.

Ngoài ra, các chính sách cải cách còn đe dọa đặc quyền của các giáo sĩ, trưởng làng (malik) và các ông chủ đất lớn ở nông thôn. Rắc rối hơn là tầng lớp nông dân Hồi giáo bác bỏ nền kinh tế tiến bộ. Họ thường có mối quan hệ khăng khít về tôn giáo, bộ tộc và gia đình với chủ đất. 

Họ cảm thấy bị đe dọa nên dần chuyển sang phản kháng vũ trang, gia nhập các đảng Hồi giáo chạy sang Pakistan hoạt động do bị đàn áp dưới thời Tổng thống Daoud.

Tháng 3-1979, các sĩ quan Hồi giáo ở Herat (miền tây Afghanistan) nổi dậy. Chắc chắn họ được truyền cảm hứng từ cách mạng Iran một tháng trước đó khi quốc vương Iran bỏ trốn và giáo sĩ Khomeini trở về Tehran. Sau Herat, nhiều đơn vị đồn trú khác cũng nổi dậy.

Liên Xô không ngừng kêu gọi Afghanistan nên từ bỏ hoặc trì hoãn một số cải cách quá triệt để. Trong khi đó, xung đột trong Đảng PDPA leo thang. Thật ra trong nội bộ PDPA có hai phe gồm Đảng Khalq (Nhân dân) chiếm đa số theo xu hướng cực đoan đã tổ chức vụ đảo chính tháng 4-1978 và Đảng Parcham (Ngọn cờ) theo xu hướng ôn hòa. 

Mâu thuẫn bộc phát giữa hai phe cũng như trong nội bộ phe Khalq. Phe Parcham công khai chống lại phe Khalq của Taraki.

Ngày 14-9-1979, Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Mohammad Taraki bị trói vào giường và đè bằng gối đến chết ngạt. Vụ ám sát này đã nhận được hậu thuẫn của Thủ tướng Hafizullah Amin, người vừa là chiến hữu vừa là đối thủ của Taraki trong Đảng Khalq. Liên Xô vốn đánh giá Taraki là con người mềm dẻo hơn nên đã bày tỏ thái độ phẫn nộ về vụ ám sát.

Thậm chí có người lo sợ thủ phạm vụ ám sát chính là đặc vụ Mỹ. Trong những năm 1960, Amin đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Columbia (New York), nơi ông đứng đầu Hội Sinh viên Afghanistan, một tổ chức bị nghi có quan hệ với CIA Mỹ. 

Cựu đại sứ Anh Rodric Braithwaite kể ngay cả đại sứ Mỹ Adolph Dubs đã hỏi thăm CIA liệu có phải Amin là người của CIA hay không. Riêng bản thân Amin thừa nhận có nhận tiền của CIA trước khi PDPA lên cầm quyền.

Tình hình ổn định của Afghanistan là vấn đề then chốt đối với an ninh khu vực Trung Á thuộc Liên Xô. Liên Xô quan tâm đến Afghanistan từ thập niên 1920 khi đánh phiến quân Hồi giáo ở khu vực giáp Trung Á.

Thập niên tiếp theo, Liên Xô đã phối hợp với quân đội Hoàng gia Afghanistan tiêu diệt quân phiến loạn này. Đầu những năm 1950, Afghanistan thuộc bốn nước nhận viện trợ nhiều nhất từ Matxcơva.

Mỹ cũng không bỏ qua vị trí chiến lược của Afghanistan. Trong thế cạnh tranh, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô rộng tay hào phóng viện trợ cho Afghanistan. Mỹ xây đập trên sông Helmand để tưới tiêu và cung cấp điện cho các vùng sa mạc miền nam.

Liên Xô xây dựng hầm đường bộ Salang nối liền các vùng miền bắc và miền nam. Mỹ cung cấp thiết bị điện tử, hệ thống thông tin liên lạc và rađa cho sân bay Kabul, còn Liên Xô cung cấp cơ sở hạ tầng.

----------------------

Ngày 27-12-1979, lực lượng đặc nhiệm Liên Xô tấn công cung điện Tajbeg ở Kabul để bắt sống nguyên thủ Afghanistan. Vì sao Liên Xô can thiệp vào Afghanistan?

Kỳ tới: Chiến dịch mang mật danh Cơn bão-333

Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 1: Chuyến di tản hỗn loạn Afghanistan, ngã tư châu Á rền tiếng súng - Kỳ 1: Chuyến di tản hỗn loạn

TTO - Thời điểm cả thế giới quan tâm Afghanistan đổi thay về tay Taliban, hãy nhìn lại những biến cố đánh dấu lịch sử thăng trầm của một quốc gia chìm đắm triền miên trong bất ổn, chia rẽ, xung đột, chiến tranh.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên