Những tuần gần đây, bạo lực liên tục xảy ra dọc theo biên giới giữa Afghanistan và Iran, bởi những tranh chấp về việc chia sẻ nguồn nước từ sông Helmand của Afghanistan chảy vào Iran, theo Đài CNBC.
Cụ thể, Tehran cáo buộc chính quyền Taliban của Afghanistan đang cố tình tước đoạt nguồn nước của Iran.
Trong khi đó, phía Taliban lại nói lượng nước thậm chí còn không đủ để chạy xuống hạ lưu do lượng mưa và lượng nước sông giảm mạnh.
Đặc biệt, cuộc đụng độ hôm 27-5 giữa lực lượng biên phòng Iran và Afghanistan càng khiến “cuộc chiến nước” trở thành tâm điểm chú ý.
“Tranh chấp nguồn nước với Afghanistan không phải là điều mà Iran có thể xem nhẹ”, ông Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích về Trung Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft, một công ty tư vấn rủi ro và chiến lược toàn cầu có trụ sở ở Anh, nói với Đài CNBC.
Theo ông Torbjorn, những căng thẳng về nguồn nước cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn dân sự quy mô lớn trong những năm gần đây tại Iran.
Năm 2021, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra ở khu vực phía tây Iran và nhanh chóng lan ra những thành phố khác, trong đó có cả thủ đô Tehran bởi tình trạng thiếu nước và mất điện kéo dài do các nhà máy thủy điện khô cạn.
Thậm chí những cuộc biểu tình lớn đến mức Chính phủ Iran đã gọi đây là “cuộc nổi dậy của những kẻ khát nước”.
Ngoài ra ông Kamal Alam, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Nam Á của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết khu vực biên giới giữa Afghanistan và Iran luôn là nơi dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là nơi có nguồn cấp nước quan trọng nhất.
Biến đổi khí hậu dẫn đến xung đột
Theo Đài CNBC, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh và khủng hoảng người tị nạn bởi ai cũng cần tranh giành nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho sự sống.
Ông Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi, cho biết những mâu thuẫn về việc phân bổ lưu lượng nước từ sông Helmand là rất khó khắc phục bởi đây là một khu vực cực kỳ khô hạn.
Hơn nữa, các vấn đề như biến đổi khí hậu và canh tác nông nghiệp quá mức cũng khiến con sông này càng trở nên cằn cỗi hơn.
Cũng theo ông Ryan, việc con sông Helmand thiếu nước cũng là một nguyên nhân kinh điển dẫn đến xung đột giữa Iran và Afghanistan. Bởi hai quốc gia này đều cần phải tranh giành nguồn tài nguyên cả hai đều cần nhưng lại đang dần trở nên khan hiếm.
Cuộc chiến của những kẻ khát nước
Theo Đài Arab News, con sông Helmand dài hơn 1.000km chảy từ phía đông bắc Afghanistan đến khu vực khô cằn ở phía đông Iran.
Để giải quyết nhu cầu chung, năm 1973, hai nước đã ký một hiệp ước về việc chia sẻ nguồn nước chảy từ con sông ở khu vực biên giới này.
Thế nhưng kể từ khi Afghanistan khánh thành một đập thủy điện ở tỉnh Helmand để phục vụ tưới tiêu, đảm bảo các hoạt động nông nghiệp và nguồn điện thì những cuộc xung đột ngày càng bùng nổ hơn.
Hồi giữa tháng 5, Taliban phát thông cáo báo chí nói họ vẫn tôn trọng hiệp ước về vấn đề sử dụng nước có từ năm 1973, nhưng họ cũng không thể bỏ qua tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Afghanistan.
Đáp lại, Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi cũng đề nghị các nhà lãnh đạo Afghanistan hãy “nghiêm túc” trong lời nói của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận