TTCT - Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã đi tới một kết cục xấu xí, ở một vùng đất dữ bất trị với các thế lực ngoại bang. Đại úy Mitch Nelson leo lên ngựa, giật dây cương, hô tiến lên, và biệt đội 595 của Lực lương đặc biệt Mỹ 12 người do ông chỉ huy băng suối, râu phất phơ trước gió, súng bắn đì đoàng. Sau khi xâm nhập Afghanistan chỉ 23 ngày, họ đánh bại Taliban và giải phóng thành phố lớn thứ 3 đất nước Mazar-i-Sharif, nơi có nửa triệu dân. Người dân Afghanistan leo qua tường rào sân bay Hamid Karzai để chạy trốn Taliban. Ảnh: Getty Images Họ mang an vui đến mọi nhà, các bé gái được đến trường và trẻ con lần đầu được nếm kẹo sôcôla. Đó là năm 2001, và Afghanistan bước vào một kỷ nguyên phát triển hoan ca kèn trống thay vì bị cấm nghe nhạc như thời Taliban. Đèn bật trong rạp.Tiếc thay, “Thập nhị dũng sĩ” (12 Strong, đạo diễn Nicolai Fuglsig, 2018) chỉ là một bộ phim hư cấu. Đại úy Nelson là nhân vật dựa trên thành tích “thật” của một nhóm quân nhân Mỹ. Khán giả xem phim ghi nhận được 3 điều. Đó là đeo một cây AK, để râu xồm xoàm và dùng phương tiện rất rẻ tiền là ngựa, 12 lính Mỹ trong 23 ngày đánh bại khủng bố Taliban mà không chết một người. Lịch sử, tức chuyện thật ngoài màn hình, thì có khác. Đó là hỏa lực kinh hoàng của đệ nhất siêu cường với bom GBU-43 sức công phá 11 tấn, bằng vũ khí nguyên tử hạng nhẹ. Đó là liên minh 60 nước, gồm 37 nước gửi quân tham chiến. Đó là 130.000 lính nước ngoài hiện diện vào lúc cao điểm, chưa kể 120.000 lính đánh thuê (được gọi trại đi là “nhân viên hợp đồng quốc phòng”). Đó là 3.800 quân nhân nước ngoài và khoảng 1.700 lính đánh thuê Hoa Kỳ bỏ mạng, là ngân quỹ chiến tranh lên đến 1.000 tỉ USD. Và nếu chỉ cần 23 ngày để chiếm Afghanistan thì mất 20 năm vẫn không giữ được. Tháng 8 này Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ, kể cả sứ quán. Lịch sử thì rất khác phim truyện.Nguồn gốc TalibanNhắc lại trong thập niên 1979 - 1989, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan, vào lúc cao điểm có đến 115.000 quân. Chống lại Liên Xô và chính quyền Afghanistan là các lực lượng Mujahid (chiến sĩ của đức tin) Hồi giáo. Họ được Saudi Arabia và Hoa Kỳ trợ giúp qua ngả Pakistan, được tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan gọi là “chiến sĩ tự do” và giúi cho một nắm tên lửa phòng không.Đây là vũ khí thay đổi cuộc chiến vì đe dọa được trực thăng của Hồng quân. Osama bin Laden lúc đó còn tuyển mộ được mấy ngàn chí nguyện quân Hồi giáo quốc tế sang tận nơi tham chiến. Trong một nửa thời gian so với Mỹ, với nửa số quân, Liên Xô tiêu tốn ngân quỹ (theo CIA) bằng khoảng 1/5 của Hoa Kỳ và mất 15.000 nhân mạng. Cuộc chiến này được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô hai năm sau đó.Sau khi Liên Xô rút về thì chính quyền Najibullah do họ hậu thuẫn còn tồn tại thêm được 3 năm. Thậm chí khi Liên Xô đã sụp đổ, lãnh đạo Afghanistan lúc đó Mohammad Najibullah (biệt danh “đồ tể thành Kabul”) vẫn tại vị lâu hơn Gorbachev được 5 tháng!Tiếp đó, 1992 - 1996 là giai đoạn hết sức hỗn loạn, các lực lượng kháng chiến cũ choảng nhau chí chóe. Ngay tại thủ đô Kabul, bộ quốc phòng pháo kích phủ thủ tướng và các địa phương rơi vào cảnh “loạn 12 sứ quân”. Địa hình trắc trở, Afghanistan còn có tới 7 dân tộc đông người, trong đó tộc Pashto đông nhất cũng chỉ chiếm 42%. Về tôn giáo cũng nhiều mâu thuẫn, tuy tuyệt đại đa số (99,7%) là Hồi nhưng 15% theo hệ Shia và 85% theo hệ Sunni.Vì là đức tin của 1/4 nhân loại với 1,8 tỉ tín đồ khắp thế giới, nên khó mà quy được Hồi giáo về một thứ gì duy nhất. Mâu thuẫn giữa Shia (13%) và Sunni (87%) là mâu thuẫn căn bản và trầm trọng có ngay từ lúc kế vị thiên sứ đạo Hồi 13 thế kỷ trước. Shia theo thời gian và địa lý còn phân ra nhiều nhánh, trong khi Sunni có 4 phái chính, mỗi phái lại có nhiều ngành khác biệt.Hồi giáo “khủng bố” và khắc nghiệt từ vài ba thập niên nay là thuộc phái Wahabi của Saudi, giờ được biết đến nhờ tiền và quyền lực mềm của nước đại gia dầu mỏ này trong thế giới Hồi Sunni. Dĩ nhiên, khi chống Liên Xô trước đây thì nó mỹ miều với Mỹ, còn sau 11-9-2001 thì nó lại thành xấu xa với Tây phương.Trở lại Afghanistan năm 1992, sau khi các phe Mujahid vào thủ đô, tam thập lục phái quay sang đánh nhau để giành ngôi minh chủ. Người dân những năm đó đi 30 bước không yên. Saudi, UAE và Pakistan là đồng minh khu vực của Hoa Kỳ thành lập một phong trào tên gọi Taliban (sinh viên Hồi giáo), gồm thành phần theo học tại các trường Hồi Pakistan do Saudi đài thọ.Lực lượng này là con đẻ của ISI (quân báo Pakistan) và tướng Pervez Musharraf (sau này làm tổng thống Pakistan). Trong nội chiến 1992 - 1996, trong 25.000 quân Taliban có đến 8.000 là người Pakistan, cộng thêm 20.000 quân Pakistan, tức lực lượng Taliban gồm 17.000 người Afghanistan và 28.000 người Pakistan.Các sinh viên này, lý tưởng tôn giáo và dũng cảm (hay cuồng tín, tùy quan điểm), nghiêm khắc nhưng liêm khiết, chiếm thủ đô năm 1996 và kiểm soát 75% lãnh thổ. Họ bắt đầu áp dụng một chế độ thần quyền còn khắt khe hơn cả Saudi nuôi dưỡng họ lớn khôn. Con hơn cha là nhà có phúc! Chánh quyền của họ chỉ được 3 quốc gia trên thế giới công nhận là Pakistan, Saudi và UAE.Al Qaeda và cuộc phiêu lưu của Hoa KỳPhong trào Al Qaeda của Osama bin Laden do Hoa Kỳ và Saudi lập ra với mấy ngàn chí nguyện quân Ả Rập, Bắc Phi, Trung Á... sau khi Liên Xô rút đi thì “nhàn cư vi bất thiện”. Nuôi chó dữ, hết trộm chó quay sang cắn chủ nhà, thành ra có vụ 11-9. Hoa Kỳ đòi Taliban giao bin Laden. Với một xứ văn hóa kỹ nghệ, thương mãi và vụ lợi như Mỹ thì đồng tiền đi trước. Nhưng với một xứ văn hóa bộ lạc, đoàn kết để sống còn trong hoàn cảnh khó khăn thì tình nghĩa là trên hết. Taliban nhất định không nộp bin Laden mà họ coi bạn, là khách được che chở trong nhà. Điều này người Mỹ không chịu hiểu. Mày không giao nó thì tao đánh! Mày biết tao là ai không? Liên minh chống khủng bố bèn thành lập, với 60 nước tham gia cho bề thế phần chính nghĩa cuộc xâm lăng Afghanistan, tống cổ Taliban xách dép đứt quai chạy về lại núi đá và đồi sỏi.Tuy dung túng và che chở cho Al Qaeda nhưng “nhân sinh quan” của Taliban rất khác biệt. Các chiến binh Al Qaeda thi hành nghĩa vụ đoàn kết người Hồi khắp dưới gầm trời, một số từng sinh sống tại Tây phương, từng trải nghiệm áp bức và kỳ thị ở đó, không hẳn chỉ vì tôn giáo mà còn vì dân tộc, màu da, và nhất là giai cấp xã hội. Ai chẳng biết cứ nhiều tiền là vui vẻ thôi, bất kể màu da hay tôn giáo gì. Do đó Al Qaeda chống Mỹ hay Nga là chống trên toàn thế giới. Taliban ngược lại, là tư duy trong làng, tầm nhìn không quá tầm đạn AK và đồi sỏi. Họ không cần biết đến thế giới bao la, mà chỉ muốn duy trì tập tục ông cha và cuộc sống bộ lạc ngàn năm. Nếu người Nga hay người Mỹ không đến những thung lũng này mà quấy rầy, họ cũng không cần biết tư bản hay cộng sản là gì.20 năm sau20 năm sau khi người Mỹ đến, Afghanistan trở thành cuộc chiến tranh dài và tổn phí nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là tiền bạc không chỉ đổ xuống núi đá và đồi sỏi, nó chủ yếu đổ vào kỹ nghệ quốc phòng Mỹ. Năm 2011, khi số binh sĩ Mỹ đạt đỉnh là gần 100.000 thì số nhân viên hợp đồng quốc phòng, tức lính đánh thuê, lên đến 117.000, gồm cả người Mỹ và người nước ngoài. Bởi thế mới có câu đùa nếu trước đây Afghanistan là “mồ chôn đế quốc”, thì nay là “mồ chôn nhân viên hợp đồng quốc phòng”.Trong nội bộ Hoa Kỳ, nếu ông George W. Bush (Cộng hòa) là người xâm lăng thì ông Barack Obama (Dân chủ) là người tăng quân. Nếu ông Donald Trump (Cộng hòa) là người thương thuyết rút quân thì ông Joe Biden (Dân chủ) là người thực hành. Taliban không cần biết. Họ cũng không có ý thức hệ tầm “Quốc gia Hồi giáo” như ISIS.Về mặt hợp tác kinh tế, năm 1997, lúc ông Bush còn làm thống đốc bang Texas, phái đoàn Taliban được Công ty dầu khí Unocal (nay là Unocal-Chevron) mời sang thăm để nói chuyện đường ống dẫn dầu Trung Á. Cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, rồi đặc sứ Hoa Kỳ và cựu “phó vương” Iraq Zalmay Khalizad, đều từng là nhân viên Unocal-Chevron, chứ không phải nhà cách mạng gì sất. Taliban lúc đó vui vẻ lắm và sẵn sàng hợp tác nếu không có sự cố 11-9 và không có chuyện siêu cường duy nhất còn lại của thế giới nghĩ rằng tay giáo sĩ chột mắt chạy xe máy dầu - lãnh tụ Taliban Mohammed Omar - là dễ ăn hiếp.Phải đợi tới 15-8 vừa qua thì mới rõ kết quả và chính sách can thiệp 20 năm, 83 tỉ USD đổ vào xây dựng một quân đội “chính quy” bốc hơi chỉ trong vài tuần lễ. Hoa Kỳ dự tính là Tổng thống Ashraf Ghani sẽ còn tại vị được một năm sau khi họ rút đi, hay là giằng co thương thuyết cũng được vài tháng để “bàn giao”. Nào ngờ tình hình diễn biến dồn dập và Taliban vào thủ đô hai tuần trước khi người Mỹ kịp rút hết, gây ra cảnh tượng vô cùng náo loạn.Hoa Kỳ tức tốc đổ thêm 6.000 quân để lo triệt thoái và lớn tiếng đe dọa Taliban là nếu mày không để yên cho tao chạy, tao sẽ đánh mày chết! Cấm đuổi theo! Cho tới ngày 16-8, sau khi Tổng thống Biden lên tiếng, Taliban không dám bén mảng đến khu vực phi trường nữa, mà ngồi yên uống trà tại dinh tổng thống.20 năm sau, có lẽ phong trào này đã bớt phần sắt máu. Ít ra theo hứa hẹn ban đầu của họ thì “vương triều” (Emirate) Hồi giáo Afghanistan sẽ bao gồm và hòa nhập tất cả các thành phần và sắc tộc. Nếu không muốn lâm vào nội chiến như trong thời gian họ cầm quyền trước đây, thì Taliban phải nhường nhịn các sứ quân để đất nước này ít ra có lấy đôi ngày hòa bình sau 42 năm chiến tranh liên tục.■Quân báo Hoa Kỳ, tình báo bộ ngoại giao, lẫn CIA không hề dự kiến được sự sụp đổ nhanh chóng và toàn diện này. Chính Taliban còn không dự kiến được thì khó trách tình báo Mỹ?! Tuy nhiên, giờ đã có thể tưởng tượng cảnh tướng Lloyd Austin, bộ trưởng quốc phòng, phải ra điều trần trước Quốc hội.Năm 2015, lúc làm tư lịnh Chỉ huy Trung phần (Centcom), ông Austin từng phải giải thích thành tích dùng 500 triệu USD để xây dựng một sư đoàn kháng chiến chống chính quyền Syria. Ông cho biết “sư đoàn” này lúc đó còn quân số... 4 - 5 người gì đấy, nhưng không liên lạc được! Ông không chơi Facebook nên không biết thôi, chứ đại tá tư lệnh sư đoàn mới lên đã post thông báo từ chức trên Face rồi. Tương tự, giờ này không ai biết ông cựu tổng thống Ghani ở phương trời nào. Ông ra đi, theo lời ông là để tránh đổ máu, mà trước hết có lẽ là máu của chính ông. Năm 1996 khi vào Kabul, Taliban từng hoạn luôn cựu tổng thống Najibullah, kéo lê sau xe trên phố trước khi gia ân hành quyết và treo xác ngoài đường. Tags: MỹAfghanistanJoe BidenMỹ rút khỏi AfghanistanTaliban
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo ra 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Ô tô vừa mua bốc cháy trên cao tốc HOÀI THƯƠNG 23/12/2024 Tài xế cho hay chiếc xe này vừa mua tại một cửa hàng ở tỉnh Bến Tre với giá 100 triệu đồng, khi đang trên đường về nhà thì xe bốc cháy.