Hội nghị thường niên thứ 57 của ADB, sự kiện lớn nhất trong năm 2024 của định chế tài chính này, đã khép lại tại Tbilisi (Georgia) ngày 5-5. Sau 4 ngày diễn ra với dày đặc các hoạt động, hội nghị năm nay đã chứng kiến những con số kỷ lục.
Việt Nam gọi, ADB sẵn sàng trả lời
Nhiều tọa đàm, hội thảo bên lề các cuộc họp chính của hội nghị thường niên ADB nhận được sự chú ý lớn vì tính thời sự của vấn đề. Đó là tình trạng nắng nóng tác động đến an ninh lương thực, tài chính khí hậu, xe điện, trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu nói chung,...
Tại cuộc trao đổi với báo chí, ông Warren Evans - cố vấn cấp cao đặc biệt về biến đổi khí hậu của ADB - khẳng định với Tuổi Trẻ sự sẵn sàng hỗ trợ của ngân hàng này cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
"Nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu, tôi chắc chắn rằng ADB sẽ rất vui lòng tham gia và hỗ trợ các dự án chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu", ông Evans chia sẻ.
Thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo cho thế giới, ông Evans chỉ ra những thách thức hiện nay đối với lĩnh vực này. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính của đất nước - đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán bất thường.
Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cùng các cam kết giảm phát thải của Việt Nam đặt ra nhu cầu phải quản lý và sử dụng đất, nước, phân bón cũng như giống lúa hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Evans, việc giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, như Việt Nam đang theo đuổi là một nỗ lực quan trọng. Tuy nhiên, một điều khác cũng quan trọng không kém là quản lý nguồn nước sao cho hiệu quả.
"Chúng tôi có nhiều sáng kiến ở Việt Nam liên quan đến quản lý tài nguyên nước. Đây là những sáng kiến rất quan trọng đối với Việt Nam nhằm đối phó với tình trạng hạn hán gia tăng trong tương lai", vị cố vấn của ADB chia sẻ.
Được biết tại Đồng bằng sông Cửu Long, ADB đã tài trợ cho dự án khôi phục và quản lý bền vững rừng ngập mặn tại 5 tỉnh nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, theo ông Evans, ADB cũng đã và đang làm được nhiều việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển xe điện trong khu vực tư nhân cũng như kho lưu trữ pin ở Việt Nam.
Với vai trò là ngân hàng khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã cam kết 2,1 tỉ USD cho Việt Nam để thực hiện JETP cũng như ETM - công cụ tài chính mới để các nhà máy nhiệt điện than sớm ngừng hoạt động, sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.
Đề xuất ADB cấp tài chính khí hậu ưu đãi quy mô lớn
Trong ngày 5-5, ngày cuối hội nghị thường niên thứ 57 của ADB, Hội đồng thống đốc ADB đã phê duyệt báo cáo tài chính năm 2023 và khoản phân bổ 1,42 tỉ USD thu nhập ròng từ nguồn vốn thông thường của ngân hàng.
Quyết định này được đưa ra trong phiên họp làm việc của các thống đốc ngày 5-5, đánh dấu mức phân bổ thu nhập ròng cao nhất trong lịch sử của ADB. Trong đó, hơn 1 tỉ USD sẽ được phân bổ vào dự trữ thông thường của ADB để hỗ trợ tăng trưởng vốn của ngân hàng.
Số còn lại phân bổ cho Quỹ phát triển châu Á, Quỹ ứng phó thảm họa châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật dành cho các quốc gia thành viên đang phát triển và dễ bị tổn thương nhất của ADB.
Trong bài phát biểu tại phiên họp Hội đồng thống đốc ADB ngày 5-5, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã đề cập một số lĩnh vực mà ông tin rằng ADB có thể làm nhiều hơn nữa.
Đầu tiên là tài chính khí hậu ưu đãi ở quy mô lớn. Ông Tú đề nghị ADB cần có những nỗ lực liên tục nhằm huy động ngày càng nhiều nguồn tài trợ ưu đãi cho các hoạt động về khí hậu.
"Với kinh nghiệm dày dặn của mình trong việc thực hiện đầu tư xanh, ADB nên liên kết rõ ràng những ưu đãi đó với các kết quả xanh có thể đo lường được, cùng khả năng thu hồi ưu đãi nếu không đạt được những kết quả đó. Điều này sẽ tạo ra một mô hình để các nước xem xét áp dụng các sáng kiến cấp quốc gia", ông nói thêm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức như ADB trong giúp hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô khu vực, trước sự biến động của nền kinh tế toàn cầu.
"ADB đang ở vị thế thuận lợi để tổ chức các diễn đàn khu vực nhằm thảo luận về những tác động đa dạng lên nền kinh tế của các nước, chia sẻ kinh nghiệm về các lựa chọn và phản ứng chính sách, đồng thời có khả năng đề xuất các cơ chế khu vực nhằm tăng cường khả năng phục hồi tổng thể", ông Tú nêu.
Trong tương lai, Việt Nam cam kết thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định tài chính, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác và các bên liên quan để xây dựng một hệ thống tài chính toàn diện và linh hoạt hơn.
Trước khi hội nghị chính thức khép lại tại Georgia, Ý - nước chủ nhà tiếp theo của hội nghị thường niên thứ 58 - đã tổ chức một sự kiện để quảng bá trước về thành phố Milan.
Sự kiện nhỏ và kết thúc nhanh gọn tối 5-5 (giờ địa phương) nhưng đông người tham dự, báo hiệu hy vọng về một hội nghị thành công nữa của ADB tại Ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận