Một góc thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: ADB
Theo báo cáo công bố ngày 28-4 của ADB, Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo là sẽ dẫn đầu sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mức tăng trưởng chung cho cả năm 2021 của 45 nước tại châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của ADB là 7,3%. Tỉ lệ này cao hơn mức dự báo trước đó là 6,8% nhưng giảm 0,2% so với dự báo đưa ra năm ngoái.
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng với các nước đang phát triển ở châu Á trong năm nay, căn cứ vào các chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đang diễn ra và nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu mạnh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo các đợt bùng phát dịch bệnh có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế, và sự hồi phục của châu Á cũng sẽ mang tính chắp vá.
"Một số nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi phải kiềm chế dịch bệnh COVID-19 và các biến thể mới của nó", ADB nhận định.
Theo ADB, các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch ở Thái Bình Dương và các nơi khác hiện đối mặt với mức hồi phục chậm.
Ngược lại, một số nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh trong nước đang hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu và sẽ còn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng.
ADB cảnh báo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 chậm có thể kéo dài sự gián đoạn kinh tế trong khu vực, nơi tốc độ triển khai tiêm vắc xin có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia.
Theo ADB, đến cuối tháng 3-2021, các nước phát triển ở châu Á tiêm được trung bình 5,2 liều trên 100 dân, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Trong khi đó, mức trung bình trên toàn cầu là khoảng 8 liều/100 dân.
Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế chính của ADB, cho biết mặc dù ngân hàng này nâng triển vọng tăng trưởng với Ấn Độ lên 11% nhưng mức này có thể phải điều chỉnh lại do tình hình dịch bệnh COVID-19 gia tăng hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, ADB nhận định mức tăng trưởng dự báo cho Ấn Độ vẫn có thể đạt được và phản ánh thực tế ở giai đoạn này.
Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong quý đầu tiên của năm 2021 với 8,1% do nhu cầu toàn cầu với các sản phẩm của họ tăng và do người dân nước này tăng tiêu dùng trong nước. Trong quý 1-2020, Trung Quốc chỉ tăng 2,3%.
Tăng trưởng chung trong khối Đông Nam Á được ADB dự báo là 4,4%, thấp hơn so với mức dự đoán trước đây là 5,5% do tình hình Myanmar.
ADB từng dự báo Myanmar sẽ tăng trưởng đến 9,8% trong năm nay nhưng chính biến ở quốc gia này khiến ADB không đưa ra dự báo năm 2022 cho Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận