​ADB, AIIB và cuộc cạnh tranh Trung - Nhật

Tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Baku (từ ngày 2 đến 5-5-2015), chuyện cạnh tranh giữa ADB và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng (AIIB) là câu hỏi chi phối nhiều nhất giữa các chuyên gia và báo giới. Vẫn chưa rõ hai định chế này sẽ tương tác thế nào khi AIIB đi vào hoạt động.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đến giờ luôn phủ nhận chuyện cạnh tranh ADB - AIIB - Ảnh: T.TUẤN

Trao đổi bên lề hội nghị thường niên của ADB, đại diện của Hãng Kyodo ở Ấn Độ thừa nhận với tôi và một đồng nghiệp từ Jakarta Post rằng “nước Nhật và Thủ tướng Shinzo Abe chưa chấp nhận một thực tế Trung Quốc đã trỗi dậy”. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng với nước Nhật đây chưa phải là thực tế, dù Tokyo từng được kỳ vọng sẽ soán ngôi người Mỹ trong thập niên 1980.

ADB ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH

Ở thủ đô Baku của Azerbaijan, những nỗ lực Tokyo đưa ra để thay đổi ADB cũng như khẳng định vai trò của mình ở khu vực được thể hiện rất rõ. Thông điệp lớn nhất mà các đại diện Nhật đưa ra tại hội nghị là ADB sẽ tiến hành những cải cách, đồng thời Tokyo thể hiện cam kết sẽ quyết liệt “hà hơi trợ sức” cho ADB bằng các nguồn tài chính.

Phát biểu tại hội đồng thống đốc, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso đặc biệt nhấn mạnh Nhật sẽ tác động để ADB thay đổi. Ông nêu cao vai trò của xây dựng hạ tầng mà ADB có thể thực hiện nhằm giúp những tăng trưởng trung và dài hạn của khu vực: “Hạ tầng chất lượng quốc tế sẽ ngày càng quan trọng. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa việc chuyển giao kiến thức và Nhật Bản sẽ chia sẻ công nghệ. Nhật sẽ tăng cường hợp tác giữa JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật) và JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật) để giúp phát triển hạ tầng có chất lượng ở châu Á”. Ông Aso nói Tokyo sẽ tăng thêm nguồn vốn cho ADB thông qua JICA và JBIC dù chưa nêu cụ thể con số.

AIIB MUỐN BỔ SUNG TRẬT TỰ HIỆN TẠI

Không phải ngẫu nhiên mà Phó thủ tướng Nhật Aso (từng là thủ tướng sau khi ông Abe rút lui ở nhiệm kỳ đầu) nhấn mạnh vào vấn đề hạ tầng, một trong những lĩnh vực mà AIIB do Trung Quốc thiết lập muốn hướng tới.

Ý định thành lập AIIB của Trung Quốc, được ông Tập Cận Bình tuyên bố từ năm 2013, nay đã làm rúng động hệ thống các tổ chức tài chính cũ. Giới phân tích coi AIIB như thách đố mới đối với hệ thống các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ADB. Cho đến nay đã có 57 nước đồng ý tham gia AIIB, trong đó có các đồng minh quan trọng của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc.

Ở hội nghị thống đốc ADB, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ không giấu giếm chuyện muốn tăng ảnh hưởng khi nhắc tới các ý tưởng “vành đai và con đường” mà Bắc Kinh đang cổ xúy (dự kiến AIIB sẽ tài trợ cho các vành đai này). Dù vậy, ông Lâu cũng cố xoa dịu các lo ngại: “Các biện pháp này là để các bên cùng thắng... Chúng tôi không định thay đổi trật tự hiện tại mà chỉ là bổ sung trật tự hiện tại”.

Trung Quốc từ lâu vẫn bày tỏ thái độ không hài lòng với các định chế tài chính quốc tế vốn bị phương Tây và Nhật Bản chi phối. Bắc Kinh đã tìm cách đẩy cải cách tại WB, IMF và ADB nhằm tăng quyền bỏ phiếu và ảnh hưởng của mình, nhưng quá trình thay đổi này hiện diễn ra rất chậm.

Trả lời Financial Times, một quan chức liên quan tới việc thành lập AIIB nói: “Trung Quốc cảm thấy họ không thể làm được bất cứ việc gì ở WB hay IMF nên muốn thiết lập một “World Bank” riêng mà họ có quyền kiểm soát”.

AIIB là ngân hàng phát triển quốc tế thứ hai mà Bắc Kinh thành lập trong năm nay. Giữa năm ngoái, Ngân hàng Phát triển BRICS của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã được thành lập và sẽ đóng trụ sở ở Thượng Hải. Số vốn của BRICS cũng là 50 tỉ USD, với cam kết sớm được tăng lên 100 tỉ USD đến phần lớn từ Bắc Kinh.

Tại châu Á, hiện chỉ còn Nhật là nền kinh tế lớn nhất còn đứng ngoài AIIB. Tokyo đã bày tỏ những quan ngại rằng các hoạt động cho vay của AIIB không đảm bảo các yêu cầu về minh bạch như các tổ chức quốc tế khác.

Mặt khác, ADB với vai trò chi phối của Nhật đến nay vẫn là nhân vật chủ chốt nhất về tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các nước nghèo trong khu vực. Đây vẫn là cơ chế chi phối thị trường vốn hỗ trợ phát triển từ lâu của Nhật Bản. Với Trung Quốc, AIIB được coi là thiết chế mới mà Bắc Kinh lập ra để thay đổi trật tự này.

Tại một loạt phiên họp ở Baku, chủ tịch Takehiko Nakao, cựu quan chức tài chính Nhật và từng có thời gian làm ở IMF, đã liên tục khẳng định ADB sẽ đẩy mạnh hơn các cải cách của mình, đặc biệt cắt giảm thủ tục hành chính.

“Chúng tôi phải làm mọi việc để tránh những thủ tục lằng nhằng. Chúng tôi có rất nhiều ban bệ như về tính giải trình, về kiểm toán, cố vấn chung, xem xét việc thực hiện, chống tham nhũng và đánh giá độc lập. Chúng tôi cần những quy trình này để đảm bảo hoạt động của chúng tôi là minh bạch, đáng tin cậy. Chúng tôi đang cố cải cách để các dịch vụ được nhanh chóng và thuận lợi hơn cho các nước đi vay” - ông nói với báo giới và khẳng định ADB có “vai trò vô cùng quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương trong 50 năm qua và sẽ tiếp tục đóng vai trò này”.

Những tuyên bố của ông Nakao có thể coi là phản ứng trước những chỉ trích của ông Kim Lập Quần của AIIB rằng các ngân hàng phát triển hiện tại là quá chậm chạp và quan liêu trong quá trình phê duyệt dự án cũng như trong quá trình vận hành của mình. Ông Kim, nguyên phó chủ tịch ADB, hiện là tổng thư ký ban thư ký của AIIB và được coi là ứng viên số một cho chức chủ tịch AIIB khi chính thức đi vào hoạt động.

CHỜ HẠ HỒI PHÂN GIẢI

Nỗ lực thay đổi của ADB có thể thấy rõ hơn khi ADB công bố quyết định sẽ sáp nhập hai quỹ cho vay ADF và OCR của mình để có thể tăng khả năng cho vay lên tới khoảng 20 tỉ USD/năm (tăng 50% so với mức hiện tại). Theo cách sáp nhập mới, nguồn vốn của OCR có thể tăng gấp ba, lên tới khoảng 53 tỉ USD khi việc sáp nhập chính thức bắt đầu từ tháng 1-2017. Quỹ ADF dự tính tăng khoảng 70% nhờ sáp nhập mà ADB gọi là “bước ngoặt quan trọng” này.

Các thay đổi mới của ADB rất đáng chú ý trong bối cảnh AIIB sẽ sớm ra mắt vào cuối năm nay. Giới chuyên gia coi AIIB sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của ADB trong việc tranh giành ảnh hưởng của khu vực. Tại cuộc họp báo hôm khai mạc hội nghị ngày 2-5, có đến hơn nửa số câu hỏi của phóng viên là về ADB và AIIB. Đến một lúc thì chủ tịch Takehiko Nakao của ADB phải nói: “Các bạn phải đi hỏi AIIB các vấn đề này chứ không phải chất vấn tôi”.

Tuy vẫn phủ nhận chuyện cạnh tranh và nói ADB và AIIB có thể hợp tác với nhau, nhưng ông Nakao thừa nhận ADB sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách của mình, trong đó có việc rút ngắn thời gian phê duyệt các dự án để quá trình này có thể tiến hành nhanh và hiệu quả hơn nữa. “Chúng tôi sẽ phê duyệt nhanh hơn, nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của mình” - ông nhấn mạnh.

Trong cuộc họp điều phối giữa IMF - WB - ADB, khi được đại diện WB hỏi chuyện ADB đặt vị trí mình thế nào với AIIB đang dần lộ diện ở châu Á, một lãnh đạo của ADB trả lời: “Chúng tôi không phải là cố vấn toàn thời gian của họ... Chúng tôi đến giờ vẫn đang trao đổi thông tin. Chúng ta sẽ chỉ rõ hơn mọi việc khi họ đi vào hoạt động thật sự”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận