Ảnh minh họa. Nguồn: singlemoms.org
Đối với người trưởng thành, những cơn ác mộng đôi khi xuất hiện trong giấc ngủ là hoàn toàn bình thường. Nhưng không một cha mẹ nào lại không lo lắng khi thấy con mình bật dậy và hét to vào lúc nửa đêm. Ác mộng càng xảy ra thường xuyên, nỗi lo của cha mẹ càng tăng.
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ hơn về hai thuật ngữ: Ác mộng và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Mặc dù hay bị nhầm lẫn trong thực tế nhưng hai thuật ngữ này rất khác nhau. Thời điểm xảy ra những cơn ác mộng thường trong khoảng sau nửa đêm, khi cơ thể đang trong chu trình ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, còn gọi là ngủ mơ). Trẻ có thể vẫn nhớ về giấc mơ khó chịu đó đến tận ngày hôm sau và tiếp tục bị nó làm phiền.
Những cơn ác mộng không nên bị nhầm lẫn với hội chứng "giấc ngủ kinh hoàng". Hiện tượng này xảy ra trong giấc ngủ sâu của chu trình giấc ngủ NREM, tức là khoảng một hoặc hai giờ sau khi đứa trẻ đã đi ngủ. Hội chứng "giấc ngủ kinh hoàng" có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Về mặt khoa học, đứa trẻ sẽ ngủ suốt trong toàn bộ quá trình này mặc dù mắt vẫn mở. Tuy nhiên khi thức dậy trẻ sẽ không hề nhớ gì đến tình trạng ban đêm của mình.
Những cơn ác mộng khá phổ biến. Theo một nghiên cứu gần đây, khoảng 20-39% trẻ em từ 5 đến 12 tuổi xuất hiện ác mộng trong giấc ngủ. Nhưng chỉ khoảng 1-4% có hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Nếu con bạn có những dấu hiệu này, không có cách nào giúp loại bỏ chúng hoàn toàn nhưng có rất nhiều điều bạn có thể làm để giảm tần suất xảy ra.
Làm thế nào để giảm tần số những cơn ác mộng?
- Giám sát việc xem tivi: Không nên cho trẻ xem các chương trình với nội dung bạo lực trước khi đi ngủ.
- Hãy chắc chắn rằng bạn có thể giám sát được giấc ngủ của trẻ vào ban đêm, thậm chí qua camera. Nếu có một người giúp việc ở với con bạn, hãy đảm bảo rằng cô ấy có thể an ủi, dỗ dành được con bạn.
- Làm cho mọi chuyện đơn giản hơn bằng cách nói chuyện với trẻ nhẹ nhàng, hoặc đọc một câu chuyện yêu thích hoặc chỉ đơn giản là ở lại bên cạnh để đưa trẻ quay trở lại giấc ngủ.
- Hãy nói chuyện với trẻ về ác mộng khi trẻ muốn nói về chuyện đó: Nếu hôm sau trẻ vẫn nhớ về ác mộng, hãy khuyến khích trẻ cùng trao đổi, kể lại và cùng thảo luận về cách giải quyết. Nhưng nếu trẻ chưa muốn nói, đừng cố ép buộc trẻ, hãy thảo luận về vấn đề đó vào một thời điểm thích hợp hơn.
Những điều không nên làm
- Đừng đánh thức trẻ dậy nếu trẻ vẫn còn ngủ hoặc khóc to khi bạn đến. Ở cạnh trẻ cho đến khi trẻ thức dậy hoặc ngủ lại.
- Không nên cho trẻ ngủ bên cạnh bạn, đặc biệt là sau cơn ác mộng. Việc này sẽ tạo cho trẻ cảm giác lo sợ về giường ngủ của mình, dễ phát triển thành các thói quen khó bỏ.
- Đừng nói với trẻ rằng những cơn ác mộng là không có thật. Những cơn ác mộng này dường như rất chân thật với trẻ. Việc thổi bay những suy nghĩ về nó càng làm trẻ cảm thấy buồn hơn. Thay vào đó, hãy cho trẻ biết rằng mặc dù ác mộng rất đáng sợ nhưng thỉnh thoảng tất cả chúng ta đều sẽ gặp phải nó và chúng ta có cách để vượt qua.
Đa phần các cơn ác mộng hoặc các giấc ngủ kinh hoàng đều không phải là biểu hiện của chứng trầm cảm hay những bệnh lý về tâm thần. Sự chăm sóc và quan tâm đúng cách từ cha mẹ đủ để giúp con trong vấn đề này. Tuy nhiên, nếu ác mộng hoặc giấc ngủ kinh hoàng ban đêm ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày của trẻ, hoặc xảy ra liên tục, nhiều lần hoặc bạn nghi ngờ chúng có thể gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho trẻ, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận