29/06/2011 07:12 GMT+7

Ác mộng của "dế mèn" - Kỳ 5: Che chở đời con

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN

TT - Sau biến cố, tái hợp bao giờ cũng là mừng vui. Nhưng vẫn có những đổ vỡ, những đứt gãy phải làm lại, phải nối lại, phải xây lại. Mà với những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn, hình như tình yêu và niềm tin tưởng vô bờ của cha mẹ vẫn cứ là chưa đủ.

36WvEzXu.jpgPhóng to

Hợp với những cơn đau và rối loạn tâm thần sau sáu tháng bị bóc lột sức lao động, đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên tháng 5-2011 - Ảnh: Trường Đăng

Vết hằn

Hôm chúng tôi đến xã Hòa Bình 2, Tây Hòa, Phú Yên, nhà Phan Trường Hận đang rộn ràng một lễ cúng. Mẹ Hận vừa luôn tay đảo nồi chè, đơm đĩa xôi vừa kể: “Mấy tháng nó đi tôi cầu khấn khắp nơi, nguyện ăn chay trường để tỏ lòng thành mong tìm được con. Nay nó về rồi, tôi làm lễ tạ Trời Phật”.

Trước đó, ba ông bố của Hoàng, Hận, Hợp đều đã tổ chức những buổi liên hoan mừng con về, cảm ơn bà con lối xóm đã chia sẻ, giúp đỡ những ngày khó khăn. “Con về rồi, mừng quá rồi, không cần gì nữa hết” - anh Tùng hớn hở. Anh Phước ngồi nhìn vợ lăng xăng, cười hiền: “Bả muốn làm gì cũng được”.

Chị Vương mẹ Hoàng thì vẫn chưa thôi khóc khi nhắc lại những ngày mất con, nhưng rồi chị cũng cười. Ngoài cái tin nhắn lúc giao thừa vừa là dấu hiệu, vừa là tấm lòng gửi về an ủi cha mẹ, Hoàng còn mang về một món quà sau những ngày ác mộng: chiếc áo thun với dòng chữ viết theo lối thư pháp suốt chiều dọc lưng áo “Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn/ Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”.

Dòng chữ ấy Hoàng tự viết bằng bút bi những ngày trào nước mắt vì nhớ mẹ, vì tủi cực với công việc giữa núi quần áo, vì hối hận đã khiến cha mẹ phải lo buồn. “Em biết mẹ sẽ khóc nhiều lắm, biết ba sẽ đi tìm kiếm khắp nơi. Hối hận quá mà không biết làm sao vì bị nhốt và có người giám sát ngày đêm.

Tết, nhân lúc mọi người cúng giao thừa, em lén lấy máy của một chị làm chung nhắn tin về hỏi thăm ba mẹ” - Hoàng buồn buồn tâm sự.

Hận, lém lỉnh nhất trong cả bọn, tỏ ra lớn hẳn lên sau biến cố, rành rọt nói về nhận thức của mình: “Sang năm em sẽ đi học lại, không bỏ học nữa. Em biết rồi. Đi làm sớm để kiếm tiền thì bây giờ sướng, sau này khổ. Giờ chịu khó, chịu khổ đi học thì sau này sướng”.

Chỉ có Hợp là chưa thể trở lại nhà.

Sau mấy tháng bị vắt sức lao động trong cảnh tù túng về thể xác, ức chế về tinh thần, Hợp bị rơi vào trạng thái khủng hoảng. Em thường xuyên lên những cơn đau đầu, đau bụng, lăn lộn, gào thét. Mẹ em, bà Ngô Thị Chín, nhọc nhằn nói như đứt từng khúc ruột: “Trước kia cháu lanh lẹ, khỏe mạnh lắm, mà giờ...”.

Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ của mẹ làm Hợp cũng khóc theo. Hợp khóc cho bớt nỗi uất ức, sự hối hận rồi nhăn mặt giữa cơn đau cố nói cho tròn trịa một câu: “Cháu cố gắng học để đền đáp công lao của mẹ”.

Các cậu bé đã có thêm một bước trưởng thành. Như Khải. Như Hiểu.

Nhưng Nam thì vẫn chưa chịu cầm vở lên ôn bài để quay lại trường học. Mấy tháng cực nhọc giữa rẫy, giữa rừng khiến em khó hòa nhập lại với cuộc sống thường nhật. Hòa giải với con, cha mẹ Nam đồng ý cho em tiếp tục đi làm trong một công trường xây dựng để từng ngày bình tâm lại. Cứ một tuần Nam lại đón xe về nhà với mẹ.

Tuy nhiên không phải mọi câu chuyện đều kết thúc có hậu. Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện của những chú dế mèn thích phiêu lưu này, chúng tôi còn bắt gặp những giọt nước mắt cay đắng trên gương mặt những người làm cha mẹ. Như câu chuyện của Ly.

Phút bướng bỉnh của Ly

Đây đã là lần thứ ba Ly (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bỏ nhà lên TP.HCM tìm việc làm. Ly 15 tuổi, tóc nhuộm vàng đen, tai đeo hai chiếc khoen quá thời trang so với tuổi học trò. Cha mẹ còn đầy đủ nhưng Ly luôn kể lể đang phải sống với cha mẹ nuôi và thường xuyên bị đánh đập nên bỏ nhà đi tìm việc làm.

Rất may cho Ly, cả hai lần “đi bụi” trước em đều gặp được người tốt giúp đỡ. Ngày 28-4, một lần nữa Ly rời vùng quê nghèo, bỏ lại cha mẹ, cậu em kế mới 6 tuổi, không một bộ đồ mang theo, đón xe đò lên thành phố. Ngồi vạ vật ở bến xe miền Tây, Ly đã suýt rơi vào tay nhóm cò lao động tại đây nếu không có bác xe ôm tốt bụng Trần Tấn Dũng kịp thời giúp đỡ và gọi điện cho đường dây nóng của Tuổi Trẻ.

Ly được chúng tôi đưa về Nhà may mắn (một trung tâm xã hội thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM) để trú ngụ một thời gian nhằm tìm hiểu sự việc, liên hệ với gia đình. Nhận được tin con, anh Nguyễn Văn Tuyến tức tốc lên thành phố để đưa Ly về.

Gặp con gái, người đàn ông chân chất quê mùa giọng run run xúc động: “Ba mẹ thương con biết chừng nào. Từ ngày con bỏ nhà đi mẹ bệnh lên bệnh xuống. Ông bà nội ngoại cùng các chú, bác nháo nhác tìm con suốt những ngày qua. Ba mẹ còn đây mà con nói phải sống với bố mẹ nuôi là sao hả Ly? Dù nhà mình còn nghèo, ba mẹ cũng ráng lo cho con đủ ăn đủ mặc, học hành như bạn bè, vậy mà con nỡ...”.

Anh Tuyến cho biết cả đời đây mới là lần thứ hai anh bước chân lên TP.HCM. “Cả hai lần lên thành phố đều là để đưa con đi bụi trở lại nhà” - anh ngượng ngùng nói. Trong mớ giấy tờ đem lên để chứng minh Ly là con ruột của mình, anh Tuyến mang theo luôn cuốn sổ hộ nghèo có cả tên Ly. Nhà không có ruộng, hằng ngày người cha ấy trân mình làm nghề bốc vác mướn tại chợ gạo Bà Đắc (Tiền Giang) với tiền công mỗi ngày hơn 100.000 đồng. Con gái không về nhà, anh Tuyến phải nghỉ làm, cùng vợ ngược xuôi đi tìm.

“Hay tin Ly đang được các cô chú ở Nhà may mắn giúp đỡ, tui ra ngay xã làm giấy xác nhận để chứng minh mình là ba ruột của Ly để lên đây nhận cháu về. Theo ba về nhà thôi con!”, giọng người cha chùng xuống.

Thế nhưng Ly không mảy may xúc động, quay mặt đi, bướng bỉnh: “Không về nhà đâu, ông về đi, tui ở lại thành phố tìm việc làm”.

Sửng sốt, mặt đỏ bừng, anh Tuyến xoắn cái mũ như muốn dồn hết sự tức giận vào đôi bàn tay: “Giờ con có về không?”. Không nhìn cha, Ly vẫn một mực: “Không về!”. Sau một lúc lâu ngồi cạnh con, anh Tuyến bất lực, uể oải bước ra khỏi phòng, để đứa con gái ngồi lại cùng các cô làm công tác xã hội cũng đang ngỡ ngàng. Hai chuyên viên của Nhà may mắn đã vận dụng nghiệp vụ để nhỏ nhẹ chuyện trò suốt từ trưa cho đến chiều thì Ly mới chịu nói chuyện với cha nhưng vẫn nhất quyết “ở lại thành phố để tìm việc làm”.

Sau cùng, theo lời khuyên của các nhà tâm lý, anh Tuyến đành nhượng bộ con bằng cách đưa Ly về nhà một người họ hàng tại thành phố để giúp việc nhà. “Trước mắt mình chịu thua vậy, để cả cha lẫn con nguôi ngoai rồi từ từ khuyên giải. Cái tuổi này tụi nó cứng đầu cứng cổ lắm” - anh Tuyến ngượng nghịu nói với chúng tôi như tự nhủ với chính mình.

Quả là vậy. Trên đường tác nghiệp của mình, chúng tôi vẫn gặp những chú dế mèn phiêu lưu và những người giải cứu dế mèn vẫn phải tiếp tục.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

_________________________

Kỳ tới: Hiệp sĩ xe ômCuộc mưu sinh vốn nhuốm đầy bụi, khói, thấm đẫm mồ hôi, thế nhưng hôm nay có nhiều bác tài xe ôm còn trở nên “chuyên nghiệp” trong việc nhận diện và giúp đỡ những đứa trẻ vừa lầm lỡ bỏ nhà...

PHẠM VŨ - TRƯỜNG ĐĂNG - ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên